ĐBQH đề xuất cần có dịch vụ định vị của công ty viễn thông, trụ thông báo khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho ý kiến về Điều 28 Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, để đảm bảo an toàn cho người dân cần có dịch vụ định vị của công ty viễn thông và lắp đặt các trụ thông báo khẩn cấp.

Liên quan tới dịch vụ viễn thông khẩn cấp, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, dự thảo ghi rõ đây là dịch vụ gọi đến các số liên lạc khẩn cấp của công an, cấp cứu, cứu hỏa.

“Tôi thấy ở nước ngoài, dịch vụ viễn thông khẩn cấp, họ không phân biệt 3 số điện thoại khẩn cấp mà thường dùng một số như ở Hoa Kỳ thì có trường hợp khẩn cấp dù liên quan tới công an, cứu hỏa, cấp cứu hay là bạo lực trẻ em đều gọi đến số 911” - Đại biểu phân tích.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, tính hợp lý của số điện thoại này là dễ nhớ để gọi trong trường hợp khẩn cấp và khi có trường hợp khẩn cấp thì hầu như đều liên quan tới 3 lực lượng này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có cơ chế nội bộ quy định rõ trong trường hợp nào thì huy động một lực lượng và trường hợp nào thì huy động cả 3 lực lượng khi người dân, doanh nghiệp liên lạc khẩn cấp.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) phát biểu thảo luận

Hiện trên điện thoại, trên một số ô tô có nút gọi khẩn cấp, nhiều trường hợp người dân gặp các tình huống nguy hiểm, bị đe dọa tính mạng (như người dân bị cướp, bị đột nhập, bị tai nạn…), chỉ cần bấm nút khẩn cấp mà không kịp trao đổi được với công an, cứu hỏa, cấp cứu thì công ty viễn thông sẽ vẫn biết được vị trí của họ để thông báo đến công an, cứu hỏa, cấp cứu. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, cần có dịch vụ định vị của công ty viễn thông.

“Ở một số nước, tại những con đường vắng, công viên rộng hay trong khuôn viên của các trường đại học thường lắp đặt một trụ thông báo khẩn cấp, nếu người dân, sinh viên đi tại đó cảm thấy bị đe dọa thì có thể đến trụ thông báo khẩn cấp này và bấm nút nhờ cứu trợ. Tôi đề nghị ngành viễn thông, ngành giáo dục và ngành giao thông cần quan tâm tới việc lắp đặt các trụ thông báo khẩn cấp này” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.

Bày tỏ sự quan tâm về giá cước viễn thông được quy định tại Dự án Luật Viễn thông sửa đổi, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giá cước viễn thông được quy định tại Điều 59.

Theo đó, Bộ TTTT có trách nhiệm kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá cước viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá cước viễn thông, gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và Nhà nước.

Đồng thời, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm không được áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, các quy định trên không cụ thể, điều quan trọng là phải làm rõ thế nào là "hành vi áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước".

Do đó, để tạo điều kiện cho Bộ TTTT và doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình đúng theo quy định của Luật Viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi hành luật, cần quy định cụ thể thế nào là "áp đặt, phá giá giá cước viễn thông" nhằm đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực thi hành.