ĐBQH: Cần quy định dịch vụ ứng dụng QR Code là dịch vụ viễn thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Viễn thông sửa đổi, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ dịch vụ ứng dụng QR Code là một dịch vụ viễn thông vì nhiều lý do…

Nhất trí cao với Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi và các nội dung mới bổ sung, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, luật đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông trong bối cảnh mới.

Về dịch vụ ứng dụng QR Code, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, dịch vụ này cần được quản lý như là một dịch vụ viễn thông với 2 lý do:

Một là, ứng dụng QR Code ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực, từ quản lý Nhà nước, trong kinh tế, trong thương mại cũng như trong tài chính, ngân hàng, đặc biệt là trong chuyển đổi số.

Dịch vụ này phổ biến và quan trọng đến mức có thể đánh giá mức độ phát triển chuyển đổi số của một quốc gia thông qua mức độ phát triển và phổ biến của ứng dụng QR Code.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) thảo luận

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) thảo luận

Đối với nước ta, Chính phủ đã có mục tiêu đến năm 2025, mỗi một cá nhân sẽ có một QR Code định danh và mang đầy đủ các thông tin liên quan đến cá nhân đó thế. Trong khu vực ASEAN, QR Code trong thanh toán đã được thực hiện liên thông giữa nhiều quốc gia.

Đối với lĩnh vực này, những chủ phát triển ứng dụng này có thể biết được rất nhiều dữ liệu từ việc thời điểm đi, đến, thời điểm sử dụng khu vực nào, vị trí nào, các dòng thông tin đi qua đó, nên dịch vụ này phải được quản lý cấp thiết.

Hai là, QR Code xét cho cùng vẫn là một ứng dụng dựa trên nền tảng mạng viễn thông nên nó sẽ là một loại dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng.

“Tôi đề nghị trong dự thảo luật nên quy định về việc quản lý dịch vụ cung ứng ứng dụng QR Code vì nó cũng tương tự như dịch vụ OTT. Đối với nghị định, tôi đề xuất phân loại những loại ứng dụng QR Code nào thì Nhà nước quản lý, tùy theo tính chất về dữ liệu thông tin mà mã QR Code đó chứa đựng.

Điều này cũng đặt ra trách nhiệm Nhà nước cần phải làm chủ hoặc cung cấp những ứng dụng QR Code để các cơ quan quản lý nhà nước khai thác ứng dụng này nhằm phục vụ cho việc chuyển đổi số nội bộ” - đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.

Cùng tham gia phát biểu thảo luận về Dự án Luật Viễn thông sửa đổi, Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) bày tỏ sự quan tâm đến dịch vụ Mobile Money.

Theo đại biểu, hiện dịch vụ Mobile Money chưa có hành lang pháp lý, mới chỉ được Thủ tướng Chính phủ triển khai thí điểm tại Quyết định số 316 ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán khách hàng dịch vụ có giá trị nhỏ, theo đó thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm.

Do vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán, từ đó quyết định các chính sách quản lý phù hợp đối với dịch vụ này. Nếu đánh giá sử dụng hiệu quả thì nên quy định tại luật này để thống nhất tổ chức thực hiện trong tương lai.