Dạy nghề khó bộn bề

ANTĐ - Chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề là vấn đề trọng tâm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định chiến lược phát triển nguồn nhân lực trước mắt cũng như lâu dài cho mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi đó, công tác dạy nghề còn chồng chéo, lãng phí trong đầu tư đã hạn chế hiệu quả quản lý nhà nước. Ngành nghề đào tạo bất hợp lý, cái thị trường lao động cần thì không có, cái thị trường không cần lại dư thừa.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 1.180 cơ sở dạy nghề. Dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng lên thành 1.410 cơ sở và đến năm 2020 sẽ đạt tới 1.590 cơ sở. Đây được coi là những “lò” đảm nhận nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 40% với khoảng 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% với khoảng 34,4 triệu người vào năm 2020. Tại cuộc tọa đàm về triển khai thực hiện chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề kỳ vọng, chiến lược này sẽ đặt một “nấc thang” mới nhằm nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Trên thực tế, để hội nhập sâu rộng và để có thể làm chủ công nghệ tiên tiến hoặc xuất khẩu lao động có tay nghề cao, thực chất chất lượng đào tạo nghề ở nước ta còn nhiều bất cập, còn một khoảng cách khá xa để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Bằng chứng là, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn kêu ca về tình trạng “đói” lao động có đủ trình độ có thể “lắp ghép” ngay vào dây chuyền sản xuất. Đó là chưa kể người lao động thiếu kỹ năng, thiếu ý thức cũng như tác phong công nghiệp. Không ít doanh nghiệp, công ty 100% vốn nước ngoài, sau khi tuyển dụng lao động lại phải bỏ tiền túi đào tạo lại hoặc gửi về “chính quốc” đào tạo, nâng cao tay nghề.

 Không thể đổ lỗi cho người lao động. Các trường dạy nghề vừa thiếu vừa yếu cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chương trình, giáo trình dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, cơ cấu lao động giữa các ngành nghề mất cân đối. Tuy nhiên, một “lỗ hổng” lớn nhất trong lĩnh vực đào tạo nghề là đội ngũ giáo viên. Cho đến bây giờ mới đặt ra vấn đề chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực, quốc tế về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề. Chiến lược đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp có tính đột phá là nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đặc biệt là xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Đây là nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đào tạo nghề, nhất là trong bối cảnh các trường đại học, cao đẳng đang ồ ạt tranh nhau mở cả trung cấp dạy nghề. Trang thiết bị thì lạc hậu, thầy cũng chưa… ra thầy để có thể truyền nghề cho trò, nói gì đào tạo nên thợ giỏi.

Xem ra công tác đào tạo nghề ở nước ta còn khó bộn bề để cho “ra lò” đội ngũ người lao động đủ trình độ, đủ sức cạnh tranh trong môi trường làm việc ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Chất lượng lao động nước ta được xếp hạng 11 trong 12 nước châu Á, năng suất lao động thấp hơn các nước khu vực từ 1,96 lần đến 18,6 lần.