Đẩy mạnh kết nối 3 nền kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, ASEAN vẫn chứng tỏ sự tự cường, linh hoạt và chủ động thích ứng để duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu và đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đóng góp quan trọng vào điểm sáng đó không thể thiếu vai trò then chốt của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt giữa ba Thủ tướng với đại diện ASEAN BAC

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt giữa ba Thủ tướng với đại diện ASEAN BAC

Cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt

Tại cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) vào sáng 10-10 nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 tại Thủ đô Vientiane của Lào, các Thủ tướng Việt Nam, Lào và Campuchia đã nhấn mạnh sự quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo, định hướng về hợp tác cùng phát triển đặc biệt về đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và Thủ tướng Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet cam kết cùng các thành viên trong Hiệp hội tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy các doanh nghiệp ASEAN đầu tư.

ASEAN BAC được thành lập vào tháng 4-2003 theo quyết định của lãnh đạo cấp cao ASEAN với nhiệm vụ thúc đẩy các nỗ lực hội nhập kinh tế trong khu vực. Các thành viên ASEAN BAC là những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư uy tín trong khu vực, đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN, cung cấp khuyến nghị thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Với chủ đề ASEAN 2024 “Thúc đẩy kết nối và khả năng phục hồi của ASEAN”, ASEAN BAC đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong năm 2024. Bên cạnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN còn có Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA) 2024; đối thoại giữa các nguyên thủ ASEAN với các thành viên ASEAN BAC.

Tại sự kiện ăn sáng giao lưu đặc biệt, Thủ tướng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia cùng các đại biểu ASEAN BAC đã thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ba nước sâu sắc hơn trong hội nhập kinh tế, trong đó tập trung tăng cường kết nối, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng và liên kết giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế; thúc đẩy các chính sách có thể chống chọi với các cú sốc kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo và các đại biểu ASEAN BAC mong muốn trao quyền cho khu vực tư nhân, khuyến khích sự tham gia và đầu tư lớn hơn từ các doanh nghiệp ASEAN vào các sáng kiến phát triển khu vực.

Ba Thủ tướng nhấn mạnh sự quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp cũng như ASEAN BAC; đồng thời có các chỉ đạo, định hướng về việc hợp tác cùng phát triển đặc biệt trong các lĩnh vực như: đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi số, kết nối hạ tầng, các khu công nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm; từ đó tăng cường hợp tác và đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa 3 nước thực chất và hiệu quả.

Đại diện ASEAN BAC cho biết, trong năm 2024, Hội đồng đã đưa ra nhiều ý tưởng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó có các dự án hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đại diện giới doanh nghiệp Hiệp hội khẳng định cam kết tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng logistics hiện đại, thông minh, với sáng kiến quan trọng, điểm nhấn là dự án Di sản Logistics ICD Vĩnh Phúc Viet Nam Superport, một trung tâm logistics tầm cỡ thế giới, giúp tăng cường kết nối chuỗi cung ứng toàn khu vực.

Đại diện ASEAN BAC ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia cam kết triển khai các hoạt động theo định hướng và chỉ đạo của các Thủ tướng liên quan đến thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng tới phát triển bền vững, bao trùm, kết nối doanh nghiệp và người dân trong khu vực.

Mang lại lợi ích, thiết thực với 3 đất nước, 3 dân tộc trên 5 lĩnh vực kết nối

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 và các hội nghị liên quan diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, từ ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược đến các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… Dù vậy, ASEAN đã chứng tỏ sự tự cường, linh hoạt và chủ động thích ứng để duy trì tăng trưởng và tiếp tục đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế ASEAN vẫn duy trì những bước tiến vững chắc và tích cực, với tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 4,6 %, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới. Đóng góp vào điểm sáng tăng trưởng ASEAN không thể thiếu vai trò then chốt của cộng đồng doanh nghiệp của các quốc gia trong Hiệp hội.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ các nước ASEAN luôn coi doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế ASEAN và là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế lâu dài và bền vững của khu vực. Với vai trò kiến tạo, Chính phủ các nước ASEAN luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân phát triển trên cơ sở chia sẻ tầm nhìn, cạnh tranh lành mạnh, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”, “đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, thực hiện phải có kết quả lượng hóa được”.

Phát biểu trong cuộc giao lưu đặc biệt giữa ba Thủ tướng với các thành viên ASEAN BAC, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhiều cơ chế hợp tác ba bên giữa Việt Nam - Campuchia - Lào thời gian qua đã được hình thành và phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào việc củng cố và vun đắp cho hợp tác ba nước. Trong số đó, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư có bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn chưa xứng tầm với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp giữa ba nước. Vì thế, tại cuộc gặp ba bên Việt Nam - Campuchia - Lào nhân dịp Hội nghị Cấp cao lần này, Thủ tướng ba nước đã nhất trí hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư cần có những bước đột phá chiến lược để tương xứng với tầm vóc quan hệ chính trị và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước.

Đánh giá cao chủ đề của Hội nghị Cấp cao năm nay là “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN tiếp tục hợp tác, ủng hộ, góp phần giúp ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm gắn kết về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị-ngoại giao. Theo đó, đẩy mạnh kết nối ba nền kinh tế trên 5 lĩnh vực: Kết nối mềm (xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của ba nước và mỗi nước); kết nối cứng, nhất là kết nối giao thông gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển; kết nối thương mại (phát huy các lợi thế có thể bổ sung cho nhau, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực); kết nối hạ tầng số, hạ tầng năng lượng; kết nối các doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ cùng Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư, kinh doanh với tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào” với ba đất nước, ba dân tộc.

Tin cùng chuyên mục