Đẩy lùi trào lưu sống ảo, lệch lạc thật: Cai "nghiện" Facebook cho người trẻ

ANTD.VN - Ngày 12-10, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về xây dựng văn hóa học đường của ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, mới đây một phụ huynh đã đưa con tới gặp ông để nhờ "cai nghiện" Facebook. TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cảnh báo hiện tượng giới trẻ đang chìm vào thói quen sống ảo dẫn tới những hành vi lệch lạc.

“Nghiện” facebook có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường

Khi cuộc sống ảo có sức hấp dẫn cao

“Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, học sinh đang ngày càng “nghiện” mạng xã hội. Hiện tượng “câu like” đã trở thành căn bệnh. Một số em quen sống ảo nên nghĩ cuộc sống thật không có nhiều ý nghĩa”- TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh. Dẫn chứng cụ thể nhất về hậu quả của tình trạng này chính là vụ việc đốt trường vì 1.000 like vừa xảy ra.

Sáng 9-10, nữ sinh 13 tuổi đến Phòng Y tế trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tưới xăng xung quanh, châm lửa đốt. Đám cháy bùng lên khiến nữ sinh bị bỏng nhẹ.

Nguyên nhân của sự việc xuất phát từ status trên tài khoản Facebook của nữ sinh, được giải thích là “đăng lên trong lúc buồn”, có viết: “status đạt 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường”. Đáng nói là status của nữ sinh này ngay sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ, đạt tới 1.000 like với mục đích “ép” nữ sinh này phải giữ lời.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, những người hưởng ứng lời tuyên bố của nữ sinh trên cũng thiếu suy nghĩ, thách thức người khác mà không lường trước hậu quả. Điều này cũng không khác gì hiện tượng tâm lý đám đông cùng a dua, khích bác thay vì can ngăn trong những vụ ẩu đả giữa các nữ sinh phổ thông.

Điều khiến nhiều người lo ngại là đây có thể mới chỉ là một trong những vụ việc được biết đến trong số rất nhiều hành động tai hại khác xuất phát từ trào lưu khích bác nhau trên mạng xã hội. 

“Cuộc sống ảo có sức hấp dẫn rất cao, cùng với sự chia sẻ, bàn luận vô biên giới khiến các bạn trẻ cảm thấy đời sống thật lại là thứ yếu, bổ trợ cho đời sống ảo. Điều này là thực tế mà nhà trường và các bậc phụ huynh cần sớm nhìn nhận để điều chỉnh. Các em học sinh cần được chia sẻ về nguyện vọng, sở thích, được khuyến khích để đạt được những mục tiêu trong đời sống thật thay vì chìm vào cuộc sống ảo với mạng xã hội”- TS Nguyễn Tùng Lâm cảnh báo.

Tư vấn cai “nghiện” Facebook

Bàn về vấn đề sử dụng Facebook trong giới trẻ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đánh giá, xu hướng gia tăng sử dụng Facebook dẫn đến nhiều hệ luỵ mà lứa tuổi vị thành niên là đối tượng cần đặc biệt quan tâm.

Đối với nhiều bạn trẻ, Facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”, nhưng khi lạm dụng thái quá thì lại trở thành nghiện và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Không ít bạn trẻ mải mê Facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học hành.

TS Huỳnh Văn Sơn phân tích, hành vi nghiện Facebook là hành vi của người sử dụng lặp đi lặp lại và liên tục các tính năng của Facebook dẫn đến sự phụ thuộc, bất chấp hậu quả, nguy cơ về sức khoẻ, tinh thần.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, mới mấy ngày trước, một học sinh đã được gia đình đưa đến gặp ông để tư vấn tâm lý cai nghiện Facebook. “Không phải bố mẹ cứ mắng, cấm không sử dụng máy tính, điện thoại là có thể “cai nghiện”. Không thể cấm ngay các em sử dụng Facebook mà cần khiến cho các em mở rộng sự quan tâm sang các lĩnh vực khác, giảm bớt áp lực điểm số, học thêm, thi cử, gia tăng định hướng các em vào sở thích lành mạnh...”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

“Bên cạnh đó, nhà trường cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của mình. Trường học phải giáo dục cho học sinh về các giá trị sống, kỹ năng sống để các em biết tự chủ, tự trọng, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cấm ngay các em sử dụng Facebook là rất khó nhưng các trường nên có nội quy sử dụng mạng xã hội. Mấy năm nay, trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã áp dụng quy định này, yêu cầu các em ứng xử có văn hóa, không giao tiếp bừa bãi hay làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường. Quy tắc ứng xử trong trường học là điều mà các trường cần chú trọng đúng mức hơn nữa bên cạnh dạy kiến thức và chạy theo các kỳ thi”, TS Lâm nói. 

Kết quả nghiên cứu “Hành vi nghiện Facebook của vị thành niên (VTN) từ 15-18 tuổi tại TP.HCM” của trường Đại học Sư phạm TP.HCM do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chủ trì năm 2015 cho thấy, VTN có xu hướng nghiện Facebook chiếm hơn nửa mẫu khảo sát.

Số VTN còn lại có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa 0,2% ở mức nghiện nặng. Có kết quả này là do các em mong muốn được nổi tiếng; muốn gây được sự chú ý đến người khác hay khẳng định bản thân và cảm thấy chán vì suốt ngày tham gia hoạt động ở trường.