"Đầu vào" tăng, "đầu ra" có đảm bảo?

ANTĐ - Cách thức nộp hồ sơ xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển vào ngành đúng nguyện vọng, hiện đang là nỗi băn khoăn lớn nhất của hàng vạn thí sinh cũng như phụ huynh.  Bởi vì cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học là mối quan tâm hàng đầu, chứ không phải “đầu ra” là bậc đại học nào, trường nào. 

Thực tế cho thấy, ngay cả nhóm ngành kinh tế cũng khó kiếm được việc làm, trong khi thông tin trường ĐH Kinh tế quốc dân đang rục rịch tăng học phí, khiến nhiều thí sinh đắn đo, e ngại trước cổng trường.

Trong một số chương trình tư vấn trực tuyến, lời khuyên mà các chuyên gia nhắc nhở thí sinh nhiều nhất là nên chọn ngành học mình yêu thích nhất. Bởi lý do năm nay, ở đợt xét tuyển đầu tiên, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Thí sinh có thể chọn một ngành giống nhau ở 2 trường nên có thể trúng tuyển ở cả trường khác với điểm chuẩn thấp hơn.

Như vậy, quy định năm nay cho phép thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành mình yêu thích hơn so với năm ngoái, nhưng không được phép rút hồ sơ đã nộp. Sự lựa chọn không chỉ dựa vào cảm tính hoặc a dua “chạy” theo số đông, có nghĩa là phải nắm chắc chỉ tiêu, điểm, tổ hợp môn xét tuyển, đặc biệt ngành sẽ học những gì, ra trường làm được những công việc gì.

Tiếc thay, không ít trường đại học “vô tình” hoặc cố tình giấu giếm tỷ lệ thí sinh ra trường không tìm kiếm được việc làm, ngay cả một số ngành được coi là “hot” như kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh... Sự lệch pha giữa các trường đại học đào tạo và các doanh nghiệp, công ty tuyển dụng nhân sự vẫn tồn tại nhiều năm nay chưa “ke” cho bằng. Các nhà tuyển dụng luôn cần những người có năng lực thật sự và phù hợp với công việc chứ không phải coi trọng bằng cấp đầy mình mà thiếu năng lực chuyên môn, kiến thức thực tế, đặc biệt là “lỗ hổng” cố hữu chưa thể lấp đầy như ngoại ngữ, tin học, khả năng làm việc độc lập, hoặc theo nhóm.

Việc trường đại học rục rịch tăng học phí sẽ được lý giải bằng những lý do khá chính đáng. Tuy nhiên, cần đặt câu hỏi: Liệu “đầu vào” tăng giá có thể đảm bảo “đầu ra” không rơi vào tình trạng “học càng cao, thất nghiệp càng nhiều” hay không? Hiện một số trường đại học đã triển khai công tác hỗ trợ việc làm ngay khi sinh viên còn đang trên ghế nhà trường. Khi “đầu ra” được đảm bảo thì việc tăng học phí “đầu vào” sẽ được người học dễ dàng chấp nhận, không đến mức khiên cưỡng.