Đau lòng những bà mẹ tuổi trăng rằm

ANTĐ - Cùng với sự phát triển của xã hội, độ tuổi kết hôn và có con đầu tiên ở thanh niên nước ta đã tăng lên.

Tuy nhiên không vì thế mà những trường hợp tảo hôn, những em gái vừa mới lớn, đang trong độ tuổi 15, 16, 17 đã mang bầu trở thành chuyện hiếm.

 

24 tuổi đã có 4 con…
Đó là một trường hợp khá nổi tiếng tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Người mẹ trẻ tên T, năm nay mới 24 tuổi nhưng đã có đến 4 con, đứa lớn nhất hơn 7 tuổi, đứa thứ 4 cũng đã hơn 1 tuổi. Theo lời kể của cán bộ dân số huyện Phúc Thọ, 3 đứa con đầu của chị T đều khỏe mạnh, nhưng đến đứa thứ 4 thì bị suy giáp trạng bẩm sinh. Cũng may, nhờ được phát hiện sớm bệnh từ Dự án sàng lọc sơ sinh nên cháu bé đã được bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc uống điều trị dự phòng, sức khỏe, thể trạng phát triển bình thường.

Hoàn cảnh của một bà mẹ tuổi “teen” khác ở quận Hà Đông cũng là một câu chuyện cười ra nước mắt. Từ lúc mới học lớp 8, em K.A đã có người yêu ở cùng làng. Khi đang học lớp 10, K.A phát hiện trong người có những biểu hiện rất lạ và được mẹ đưa đi BV khám. Kết quả kiểm tra cho thấy, K.A đã có thai 3 tháng. Để tránh mang tiếng với họ hàng, làng xóm, bố mẹ K.A dẫn em đến nói chuyện với gia đình người yêu. Cuối cùng, 2 bên đã quyết định sẽ tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn vì cả 2 đều chưa đủ tuổi theo quy định. Về làm dâu khi còn quá trẻ, ngày ngày K.A vẫn chỉ biết ăn rồi đi học chứ không biết làm công to việc lớn gì khác trong gia đình, ngay cả việc đi khám thai định kỳ hay việc ăn uống của em cũng phải để mẹ chồng nhắc nhở…

Bên cạnh những trường hợp mang thai miễn cưỡng như vậy, phần đông trẻ vị thành niên, thanh niên trẻ tuổi, chưa kết hôn chọn cho mình một giải pháp khác, đó là phá thai. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tỷ lệ nạo phá thai của nước ta dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới - 32%. Trong đó nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tới 22%. Một cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thanh thiếu niên còn quá thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet đã giúp cho vị thành niên, thanh niên (VTN-TN) được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức nhất định về giới tính và sức khỏe sinh sản. Nhưng cũng chính những thông tin, hình ảnh sai lệch, thiếu tính khoa học về SKSS vô tình lại gây ra sự tò mò, kích động, từ đó đã đẩy nhiều bạn trẻ đến chỗ thực hiện những hành vi một cách ngây ngô, dẫn đến nhiều hậu quả không lường trước được.

Chỉ vì thiếu kiến thức
Điều đáng chú ý là những trường hợp nói trên không chỉ xảy ra ở nông thôn, vùng ngoại ô mà ngày càng phổ biến ở chính những đô thị lớn-nơi có trình độ dân trí cao. Tại một buổi sinh hoạt mới đây của Câu lạc bộ Sức khỏe sinh sản VTN-TN phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội), khi được hỏi “Em hiểu thế nào là biện pháp đặt dụng cụ tử cung?”, một nam sinh sau một hồi vò đầu bứt tai đã đưa ra đáp án trả lời đã khiến cả hội trường không nhịn nổi cười: “Theo em, đặt dụng cụ tử cung có nghĩa là khi bố mẹ ngủ với nhau thì đặt vào giữa một cái vòng”.

Tại một buổi tư vấn khác về SKSS cho VTN-TN tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), một nam học sinh lớp 10 hỏi giảng viên: “Thưa cô, tại sao buổi sáng ngủ dậy quần em lại bị ướt. Liệu em có bị mắc bệnh gì không ạ?”… Ở độ tuổi này, trẻ VTN-TN có sự phát triển và thay đổi rất lớn về mặt tâm sinh lý và lẽ ra phải được trang bị những kiến thức tối thiểu về tuổi dậy thì, tình dục, quan hệ tình dục… Thế nhưng thông qua những tình huống trên cho thấy, thực tế VTN-TN Hà Nội vẫn còn rất thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về SKSS.

Giảng viên trong các buổi tư vấn đó là một cán bộ của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã kết luận, nhiều ông bố, bà mẹ không những không dạy cho con cái, mà còn ngăn cản chúng tiếp cận các thông tin về SKSS, tình dục vì nghĩ cung cấp kiến thức cho các em là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thế nhưng họ không hiểu rằng, trong thời buổi hiện nay, chưa cần vẽ đường thì “hươu” đã chạy trước rồi. Do đó điều cần thiết là phải định hướng sao cho “hươu” chạy đúng.