Dấu hiệu cảnh báo loãng xương

ANTĐ - Loãng xương là một trong những tình trạng phổ biến nhất của sự lão hóa và tất cả chúng ta hy vọng điều này không xảy ra với mình vì xương yếu có thể dẫn đến gãy xương, thậm chí hậu quả còn đáng sợ hơn. Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo về hiện tượng xương mỏng đi cùng với các cách ứng phó.

2 năm hơn một lần bị gãy xương hoặc bị gãy xương nghiêm trọng một cách bất thường, ví dụ chỉ đơn giản là bước vội lên hè đường mà bị gãy xương. Để phòng ngừa, kiểm tra mật độ xương, đo lượng canxi và các khoáng chất trong xương trọng điểm sẽ giúp đưa ra dự đoán khá chính xác về nguy cơ loãng xương.

Người có khung nhỏ hay khung mỏng tự nhiên. Thật không may, nếu xương của bạn nhỏ và mỏng, bạn càng có ít xương để mất, vì thế những người khung nhỏ này khả năng phát triển bệnh loãng xương sẽ sớm hơn.

Khối lượng xương ở thời điểm đỉnh cao khi con người ở độ tuổi 20 - 25 và đến giai đoạn 30 - 40 thì bắt đầu bị mất xương. Tỷ lệ mất xương phụ thuộc vào di truyền học cũng như lối sống nói chung như chế độ ăn uống, tập thể dục... Để hạn chế quá trình này, hãy cố gắng làm mọi thứ có thể để xây dựng bộ xương chắc khỏe ở độ tuổi 30, ví dụ uống nhiều sữa, ăn thực phẩm giàu canxi và tập thể dục hỗ trợ chiều cao như chạy hay nhảy. Nếu quá tuổi 40, tiếp tục nhận đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm canxi, magiê, vitamin D bổ sung, đồng thời tập thể lực cũng được chứng minh là giúp ngăn ngừa mất xương.

Uống prednisone hay thành phần dược phẩm có chứa corticosteroid. Người có bệnh tự miễn dịch như bệnh Crohn, lupus, viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ mắc loãng xương cao hơn nhiều so với người bình thường vì dùng thuốc corticosteroid để điều trị những bệnh này. Dấu hiệu cảnh báo này quan trọng đối với phụ nữ bởi vì họ dễ mắc các bệnh tự miễn dịch này. Do vậy, nếu phải dùng corticosteroid để điều trị, cần tư vấn của bác sỹ về loãng xương vì chỉ số mật độ xương đủ tiêu chuẩn mới chịu được tác động của thuốc. Còn nếu đang dùng corticosteroid lâu dài, có lẽ nên chụp chiếu cột sống và bổ sung thuốc tăng cường tạo xương.

Hút thuốc lá. Các chuyên gia không biết chính xác việc hút thuốc phá hoại xương như thế nào nhưng rõ ràng từ nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá có mối tương quan cao với bệnh loãng xương. Vì vậy, người hút thuốc trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình có nguy cơ bị loãng xương cao. Thông tin tốt lành là bỏ hút thuốc lá không cần đến tuổi tác, bỏ được thời gian nào thì cơ thể của người đó có thêm cơ hội để phục hồi sức khỏe.

Uống rượu hơn 2 ly mỗi ngày. Rượu là tác nhân gây yếu xương do làm tan canxi, magiê, và khoáng chất từ ​​xương. Giải pháp ở đây là cần cắt giảm, thay vì thưởng thức thêm ly rượu vào buổi tối, hãy chuyển sang trà thảo mộc hoặc sữa ấm pha chút mật ong cho dễ ngủ.

Bất dung nạp sữa hoặc có lý do để không uống sữa. Sữa tốt cho xương không chỉ vì lượng canxi mà còn là nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin D, khoáng chất… 3 thành phần canxi, magiê, vitamin D đóng vai trò chủ chốt trong việc tái tạo và bảo vệ xương.

Vật lộn với rối loạn ăn uống. Chứng biếng ăn là nguy cơ lớn của bệnh loãng xương bởi trọng lượng cơ thể thấp khiến cho nồng độ estrogen giảm sút, từ đó gây trở ngại cho quá trình tạo xương. Tóm lại, dù biếng ăn hay háu ăn, đầu tiên phải kiểm soát được triệu chứng rối loạn ăn uống đó, từ đó giúp bảo vệ xương trong tương lai.

Phụ nữ có chu kỳ kinh không đều. Hàm lượng estrogen đóng góp trực tiếp cho việc mất xương mà với phụ nữ hàm lượng estrogen quá thấp thường do rối loạn ăn uống, tập luyện quá sức hoặc bệnh buồng trứng đa nang (PCOS). Vì thế, nếu chu kỳ kinh bất thường trong khi không thiếu cân, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu về tình trạng nội tiết tố liên quan.

Người châu Á trên 50 tuổi. Loãng xương là tiến trình không thể đảo ngược bởi nguy cơ tăng dần theo độ tuổi. Ước tính sau tuổi 75, 90% phụ nữ sẽ bị gãy xương. Con người không thể thay đổi giới tính, chủng tộc hoặc các yếu tố tuổi tác nhưng khi biết được nguy cơ, người ta sẽ ý thức hơn về tình trạng xương của mình. Nếu là người châu Á và đang ở độ tuổi trên 50 và các xét nghiệm cho thấy xương có phần suy yếu, nên đến bác sỹ kê toa để uống thuốc biphosphonate hoặc liệu pháp thay thế estrogen để tăng cường xương.