Đạo diễn Trần Lực: Tập trung vào mảng phim truyền hình

(ANTĐ) - Chuyển sang vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn đã lâu, cũng “gặt” được chút thành công khi cả hai sản phẩm phim truyền hình đầu tay “Đầu bếp & đại gia” và “Chàng trai đa cảm” nhận được những  lời khen ngợi, Trần Lực lại khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố sẽ đưa tiểu thuyết của ông nội anh lên phim và mở ra dòng phim phong tục đầu tiên ở Việt Nam...

Đạo diễn Trần Lực: Tập trung vào mảng phim truyền hình

(ANTĐ) - Chuyển sang vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn đã lâu, cũng “gặt” được chút thành công khi cả hai sản phẩm phim truyền hình đầu tay “Đầu bếp & đại gia” và “Chàng trai đa cảm” nhận được những  lời khen ngợi, Trần Lực lại khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố sẽ đưa tiểu thuyết của ông nội anh lên phim và mở ra dòng phim phong tục đầu tiên ở Việt Nam...

- PV: Sau bộ phim hiện đại “Chàng trai đa cảm”, nghe nói anh đang lèo lái hãng phim Đông A rậm rịch cho một dự án mới với đề tài rất xưa và không... đa cảm chút nào?

- Đạo diễn Trần Lực: Đúng thế, chúng tôi đang có ý định làm loạt phim về đề tài phong tục cổ xưa nhưng cũng không phải là to tát như dựng lại cả một cung đình hay triều đại đâu. Gọi đây là dự án phim cổ trang cũng được, nhưng thực ra nó gần với thời kỳ đương đại hơn vì lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ 19.

Tác phẩm hiện đang được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chuyển thể dựa trên những tiểu thuyết và truyện ngắn thuộc dòng văn Tự lực văn đoàn của ông nội tôi - Trần Tiêu, ông bác Khái Hưng như: Con trâu, Chồng con, Sau lũy tre, Ký ức con Vện... Đó đều là những câu chuyện cảm động về thân phận con người và chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.

- PV: Có táo bạo không khi bám đuổi một đề tài mà vốn sống của anh về cái thời ấy e rằng còn hạn chế?

- Đạo diễn Trần Lực: Dù chưa bắt đầu nhưng tôi đã nghĩ tới việc nếu thành công thì sẽ làm thành một dòng phim. Tôi may mắn là có dịp gặp lại nhiều nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết của ông nội tôi ở ngoài đời.

Đó có khi chỉ là cậu mục đồng trong “Con trâu”, hóa ra lại là người giúp việc cho gia đình tôi ngày xưa nhưng đến giờ gặp lại vẫn quen miệng “Chào cậu ạ!”, cũng có khi chỉ là ngôi làng trông thế nào, cái cổng ra sao...

Mặc dù tôi không sống vào thời đó nhưng được nghe những người thân từng trải và kể lại nên vẫn tìm được cảm giác gần gũi. Vốn sống cũng chính là những hình ảnh còn lưu lại trong các tác phẩm văn học viết về thời đó.

Bên cạnh loạt tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, tôi cũng tìm đọc thêm tác phẩm của những người khác nữa để có cái nhìn thấu đáo và toàn cảnh về con người, cuộc sống thời kỳ ấy.

Tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn sẽ... lên phim Tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn sẽ... lên phim
Tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn sẽ... lên phim

- PV: Vậy anh có ý định phục dựng trường quay thế nào khi bối cảnh dành cho mảng đề tài này vốn vừa khan hiếm, vừa chưa đạt yêu cầu?

- Đạo diễn Trần Lực: Chắc chắn là chúng tôi sẽ phải dựng mới vì phim muốn hay thì phải có trường quay tốt. Khả năng sẽ là một phim trường có diện tích khoảng 5ha ở ngoại ô Hà Nội, tái hiện lại dinh cơ đồn điền địa chủ, ao làng, bến nước, nhà ngói năm gian... chẳng hạn.

Để làm được việc này đương nhiên sẽ rất tốn kém nhưng tôi xác định rồi, bối cảnh được tái hiện đàng hoàng và sử dụng nhiều lần chứ không chỉ riêng bộ phim này. Vả lại nếu làm tốt thì biết đâu sau này nơi đây còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn nữa ấy chứ.

- PV: Nông thôn trong phim của anh có gì khác so với một số bộ phim cũng khai thác đề tài này và thành công trước đó không?

- Đạo diễn Trần Lực: Tôi khai thác ở góc độ phong tục tập quán bằng cách nhìn nhân văn đầy lãng mạn chứ không theo dòng văn học hiện thực phê phán. ở đó có cách sinh hoạt văn hóa, cư xử, mối quan hệ giữa người với người kiểu như: cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái chưa kịp lớn đã biết chồng mình là ai, một người làm quan cả họ được nhờ...

Dòng phim này thực ra từ trước đến giờ vẫn chưa có ai làm nên tôi càng phải cố gắng “đầu tàu gương mẫu” sao cho vừa hấp dẫn giới trẻ lại vừa thu hút cả người lớn tuổi. Nói thế thôi chứ làm được hay thì còn nhiều khó khăn lắm.

- PV: Có vẻ như anh vẫn ưu ái thể loại phim truyền hình mà chưa chịu lấn sân sang phim truyện nhựa?

- Đạo diễn Trần Lực: Phim nhựa là mơ ước của bất cứ người làm điện ảnh nào và chúng tôi nhất định sẽ làm, nhưng bây giờ thì chưa... Đi đâu mà vội. Hãng Đông A còn non trẻ lắm và cần chuẩn bị một số điều kiện phù hợp, ít ra là phải tìm được một ý tưởng hay kịch bản hay nào đó đã.

Trước mắt chúng tôi vẫn tập trung “đánh” mảng phim truyền hình dài tập. Tuy nhiên nếu như có lời mời hợp tác làm phim nhựa từ phía Hãng phim tư nhân nào đó thì chúng tôi sẽ nhận lời.

Bích Hậu (Thực hiện)