Đánh người rơi xuống kênh chết đuối có phạm tội giết người không?

ANTĐ - Sự việc xảy ra vào tối 12-7 tại bến phà Phú Định, đường Phú Định (phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh). Nạn nhân được xác định là Dương Văn Nhánh (26 tuổi, quê Bình Định).
Đánh người rơi xuống kênh chết đuối có phạm tội giết người không?  ảnh 1

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào khoảng 18h ngày 12-7, anh Nhánh cùng anh Lưu Văn Nhi (26 tuổi, quê Bình Định) đi trên phà Phú Định hướng từ phường 7, quận 8 TP Hồ Chí Minh sang bờ đối diện phường 16 cũng thuộc quận 8. Khi phà vừa cập bến, hai thanh niên “đất võ” thấy có 4 thanh niên xăm trổ đầy người, trên tay cầm nhiều cục đá xanh đứng đợi để đánh. Lo sợ bị tấn công, anh Nhánh và anh Nhi trốn dưới phà.

Khi hành khách đã lên hết trên bờ, không thấy hai anh Nhi, Nhánh đâu, nhóm 4 thanh niên chạy xuống phà tìm kiếm và rượt đánh hai anh này. Hoảng sợ, cả hai người nhảy xuống kênh Tẻ để trốn. Anh Nhánh dùng tay bám vào đuôi phà gọi cầu cứu. Tuy nhiên, một đối tượng trong nhóm 4 người đã dùng nón bảo hiểm đánh liên tục vào đầu anh Nhánh, những người còn lại liên tục ném “mưa” đá khiến anh Nhánh rơi xuống kênh.

Vài phút sau đó, không thấy anh Nhánh ngoi lên mặt nước, nhóm đối tượng nhanh chóng lên xe tẩu thoát. Riêng anh Nhi do biết bơi nên đã bơi sang phía bờ bên kia thoát nạn.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân gọi điện báo cho công an địa phương. Nhiều người nhái thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn Cảnh sát PCCC có mặt triển khai tìm kiếm nạn nhân.

Đến ngày 13-7, thi thể nạn nhân Nhánh được tìm thấy với nhiều vết thương trên đầu. Nạn nhân chết vì ngạt nước.

Hiện nguyên nhân cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra và truy bắt những kẻ phạm tội.

Vấn đề trao đổi, các nghi can đánh hai anh Nhánh và Nhi phạm tội gì? Bị trừng phạt 

ra sao?  

Ý kiến bạn đọc 

Các nghi can phạm tội gây rối trật tự

Theo đúng nội dung vụ án, các nghi can vì mâu thuẫn cá nhân đã đuổi đánh 2 nạn nhân Nhi và Nhánh. Các nghi can không sử dụng vũ khí, chỉ lấy đá ném và dùng mũ bảo hiểm đuổi đánh. Các nghi can cũng không đẩy các nạn nhân xuống sông mà do các nạn nhân tự nhảy xuống sông. Nạn nhân chết vì không biết bơi, bị ngạt nước. Nạn nhân Nhánh chết vì liều lĩnh, không phải lỗi của các nghi can. Vì vậy, các nghi can có thể chỉ phạm tội gây rối trật tự và bị truy tố theo Điều 245 - Bộ luật Hình sự, Tội gây rối trật tự công cộng.

Trần Văn Nguyên (P.8, Q8, TP Hồ Chí Minh)

Các nghi can phạm tội cố ý gây thương tích

Các nghi can vì một mâu thuẫn nhỏ nhưng đã dùng mũ bảo hiểm, đá để đuổi đánh, gây thương tích cho các nạn nhân. Nạn nhân Nhi chạy thoát, không bị đánh là ngoài ý muốn. Nạn nhân Nhánh không biết bơi, không chạy thoát bị các nghi can dùng đá ném, mũ bảo hiểm đánh và cuối cùng do ngạt nước đã tử vong. Các nghi can cố tình gây thương tích cho các nạn nhân là rõ ràng. Tuy nhiên cần khẳng định, các nghi can không định giết nạn nhân mà do nạn nhân nhảy xuống nước và chết ngạt. Việc nạn nhân tử vong là do hậu quả ngoài ý muốn của các nghi can. Vì vậy, các nghi can có dấu hiệu cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Điều 104 - Bộ Luật Hình sự, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Phạm Thị Huyền Như (P. Hàng Bồ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Các nghi can phạm tội gây rối trật tự và không cứu giúp người khác

Rõ ràng các nghi can đã phạm tội gây rối trật tự khi đuổi đánh các nạn nhân nơi công cộng, trên chuyến phà đông người vừa cập bến. Hành vi ấy cần phải bị nghiêm trị vì tính côn đồ, hung hãn của các nghi can. Tuy nhiên, khi các nạn nhân đã nhảy xuống sông và khi có một nạn nhân bị ngã xuống nước, các nghi can biết rõ người đó nguy hiểm mà không hô hoán hoặc nhảy xuống cứu giúp mà lại bỏ đi. Hành vi này đã có dấu hiệu pham tội theo Điều 102. Bộ Luật Hình sự, Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Điều luật này có nội dung: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Với trường hợp người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm có thể bị phạt tù tới 5 năm. 

Lương Văn Thạch (Quốc Oai, Hà Nội)

Các nghi can đã phạm tội Giết người

Như kết quả điều tra ban đầu, các nghi can đã đuổi đánh hai nạn nhân Nhi và Nhánh. Các nạn nhân này không còn đường thoát đã phải nhảy xuống kênh. Nạn nhân Nhi biết bới nên đã bới qua bên bơ bên kia, còn nạn nhân Nhánh không biết bới đã bám vào đuôi phà. Các nghi can đã dùng mũ bảo hiểm đánh và ném đá làm cho nạn nân rơi xuống sông tử vong. Hành vi dùng đá ném và dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu nạn nhân Nhánh, buộc nạn nhân Nhánh phải buông tay bám đuôi phà, rơi xuống sông chết đuối là hành vi gây ra cái chết của nạn nhân. Tất cả những nghi can dùng đá ném. Dùng mũ bảo hiểm đánh nạn nhân Nhánh đều có hành vi tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Tất cả sẽ bị truy tố về tội giết người với hành vi côn đồ theo điều 93 Bộ Luật Hình sự với tội danh: Tội giết người

Lê Thị Diễm Hằng (P. Đập Đá, TP Huế)

Bình luận của luật sư 

Về cơ bản, chúng ta thấy vụ án này có nhiều nét giống với vụ án “Quan tài diễu phố” ở Vĩnh Yên. Ở đây chúng ta cũng có một vụ án mạng. Nghi can bị đánh đập, ngã xuống sông và chết đuối. Trước hết, căn cứ vào kết quả điều tra ban đầu và được xác định sau khi tìm thấy thi thể nạn nhân Dương Văn Nhánh, nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của nạn nhân là ngạt nước. Các vết thương trên đầu nạn nhân có thể là nguy hiểm, nhưng không thể gây ra hậu quả tử vong. Nhưng tại sao lại ngạt nước? Nguyên nhân cũng đã được xác định, do nạn nhân bị các nghi can đánh bằng mũ bảo hiểm và ném đá, không lên bờ được mà cũng không tiếp tục bám vào phía sau phà được. Vậy nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của nạn nhân là do bị nhóm nghi can hành hung và không cho lên bờ, buộc phải buông tay xuống chỗ nước sâu và chảy siết trong tình trạng không biết bơi. Như nội dung vụ án đã mô tả “Một đối tượng trong nhóm 4 người đã dùng nón bảo hiểm đánh liên tục vào đầu anh Nhánh, những người còn lại liên tục ném “mưa” đá khiến anh Nhánh rơi xuống kênh”.

Trong hướng dẫn xét xử các vụ án có tội danh Giết người (Điều 93 Bộ luật Hình sự) cũng như các văn bản pháp luật về tội danh này, chúng ta thấy: Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Điều luật chỉ quy định giết người mà không quy định cố ý giết người, vì từ “giết” đã bao hàm cả sự cố ý. Ở trong vụ án này, hành vi cố tình dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu nạn nhân, dùng đá ném nạn nhân để nạn nhân không thể lên bờ được và chỉ khi nạn nhân đã chìm dưới kênh, các nghi can mới bỏ đi đã cho thấy hành vi cố ý của các nghi can. Các dấu hiệu khách quan cơ bản của tội Giết người bao gồm cả hành vi hành động và không hành động trực tiếp gây ra cái chết của người bị hại.

Trường hợp hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, treo cổ, trói ném xuống vực, xuống sông, chôn sống v.v… Trường hợp không hành động ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ: Một Y tá cố tình không cho người bệnh uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ để người bệnh chết mặc dù người Y tá này phải có nghĩa vụ cho người bệnh uống thuốc, cô tình không cho người khác lên bờ, mặc dù biết không lên được bờ người đó có thể chết… Hành vi có dấu hiệu giết người phải có quan hệ dẫn đến cái chết của người bị hại. Mối quan hệ nội tại tất yếu đó thể hiện ở chỗ: khi cái chết của nạn nhân có cơ sở ngay trong hành vi của người phạm tội; hành vi của người phạm tội đã mang trong nó mầm mống sinh ra hậu quả chết người; hành vi của người phạm tội trong những điều kiện nhất định phải dẫn đến hậu quả chết người chứ không thể khác được.

Trong vụ án này, hành vi đánh đập nạn nhân, hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh, ném đá bắt buộc nạn nhân phải buông tay chìm xuống sông có mối quan hệ nội tại tất yếu gây ra cái chết của nạn nhân Nhánh. Hành vi của các nghi can cũng có dấu hiệu của hình thức giết người có tính côn đồ ở các biểu hiện: Ngang nhiên đánh người ở nơi công cộng, nơi có đông người, quyết tâm phạm tội đến cùng như khi nạn nhân Nhánh đã trốn xuống đuôi phà vẫn không tha, giết đến cùng. Rõ ràng, các nghi can đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Các nghi can đã dùng số đông, có chuẩn bị hung khí, tổ chứng người đón đánh… có dấu hiệu phạm tội có tổ chức.

Từ các phân tích trên, chúng ta thấy, các nghi can đánh đập hai nạn nhân Nhi và Nhánh, gây ra cái chết của nạn nhân Nhánh có dấu hiệu phạm tội theo Điều 93. Bộ Luật Hình sự, Tội giết người: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây: n, Có tính chất côn đồ; o, Có tổ chức, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Chắc chắn, sau khi bị bắt, các nghi can có thể bị truy tố tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng. Lưu ý, nếu trong số những người tham gia đón đánh hai nạn nhân Nhi và Nhánh, nếu không tham gia ném đá, đánh anh Nhánh gây ra cái chết của anh Nhánh nhưng nếu không tố cáo tội phạm của đồng bọn cung sẽ bị truy tố theo Điều 314. Tội không tố giác tội phạm: Người nào biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)