Những chuyện bên lề ở trung tâm CS113 (2)

Đánh án trên sa bàn

ANTĐ - Những tin báo giả chỉ là một phần nhỏ so với hàng trăm nghìn tin báo có liên quan đến ANTT của người dân gọi đến Trung tâm CS113. Đáp lại sự tín nhiệm này, hàng nghìn vụ việc, các đối tượng phạm pháp đã được CS113 kịp thời phòng ngừa, bắt giữ, xử lý.

Sự cơ động giúp lực lượng CS113 ngăn chặn được rất nhiều vụ việc gây mất ANTT


Làm việc với tốc độ máy tính

Trong suốt 1 tuần liên tiếp tham gia “trực” cùng các CBCS CS113 tại trung tâm, tôi hiểu công việc của các anh không chỉ đơn thuần là dừng lại ở quy trình tiếp nhận điện thoại, ghi sổ tin, báo cho các đơn vị đến giải quyết sự việc. Chuyện một CBCS cùng một lúc phải nghe liền 2 máy điện thoại, ghi chép tin tốc ký rất nhanh chỉ là chuyện nhỏ. Điều quan trọng nhất là khả năng sàng lọc, định hướng và thẩm định thông tin, điều động lực lượng xử lý tin báo.

Trong tổng số 471.230 cuộc gọi đến trung tâm trong năm 2011 thì có tới 17.639 tin báo của người dân liên quan đến các vụ gây rối trật tự công cộng. Đối với những tin báo này, không khó để xác định là đúng hay sai bởi thông thường, nếu là tin báo thật thì người gọi điện đến thường đứng ở gần khu vực xảy ra gây rối. Ngoài việc cảm nhận những âm thanh rối loạn qua điện thoại gọi đến.., chiến sĩ CS113 trực còn phải xác minh nhanh tính chất tin báo khẩn cấp ở mức độ nào, từ đó vạch sẵn trong đầu phương hướng tiếp cận hiện trường, xử lý tình huống khi điều động lực lượng CS113 đến giải quyết. “Nếu CBCS khi tiếp nhận tin báo không có đủ sự tinh tường, khả năng nhạy cảm để thẩm định tin báo đến đúng hay sai, mức độ thường hay khẩn cấp, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các đơn vị khác và đặc biệt là kết quả giải quyết sự việc. Một nguyên tắc mà tất cả các CBCS CS113 phải thuộc kỹ đó là: người dân đã gọi điện đến CS113 thì bất cứ tin nào cũng là quan trọng, đều phải lưu tâm vì chỉ cần một chút lơ là, coi thường cũng có thể để lại hậu quả rất lớn. Nếu thẩm định nhanh, chính xác tin báo, dù chỉ nhanh một phút cũng có thể cứu sống được một mạng người”-Thượng tá Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng phòng CSTT-CATP Hà Nội tâm sự.

Các chiến sỹ vẫn nhớ câu chuyện về cuộc giải cứu con tin ly kỳ của CS113 ở chợ Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cách đây 2 năm. Vào buổi chiều cuối năm, Trung tâm CS113 nhận được tin báo ở chợ Dịch Vọng Hậu có một đối tượng đang điên cuồng kề dao vào cổ một người phụ nữ. Bằng việc thẩm định nhanh và cả trực giác nghề nghiệp, kíp trực hôm đó đã nhanh chóng triển khai lực lượng xuống hiện trường. Qua 3 giờ đồng hồ, CS113 và CAQ Cầu Giấy đã khống chế bắt giữ được đối tượng gây án, đồng thời đảm bảo an toàn cho người bị hại.


Chặn đứng các nguy cơ

Không chỉ trau dồi các kỹ năng tiếp nhận, xử lý tin báo, CBCS CS113 còn biết rõ bất cứ đường ngang ngõ tắt nào trên địa bàn thành phố để có thể sẵn sàng tiếp cận tới hiện trường vụ việc giải quyết, xử lý tin báo nhanh và hiệu quả nhất. Thượng tá Nguyễn Văn Thành tâm sự, không phải là các tin báo giả mà điều CS113 “ngại” nhất đó chính là nạn ùn tắc giao thông. Hiện nay ở Thủ đô có thêm rất nhiều tuyến đường mới. Thượng tá Nguyễn Văn Thành cũng cho hay, nếu như anh em CS113 không chịu khó cập nhật thông tin, địa điểm và cả tuyến đường để phòng tránh ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm thì sẽ rất khó có thể đảm nhận hiệu quả việc xử lý tin báo.

Giống như các đơn vị chiến đấu khác của CATP, yêu cầu về những người CS113 là phải có thần kinh thép, bình tĩnh xử lý gọn ghẽ trong mỗi tình huống dù là khó khăn nhất. Đơn cử như khi phải đến hiện trường xử lý tin báo, chỉ cần một giây nóng vội mất bình tĩnh, không làm chủ được tốc độ thì sự cố có thể xảy đến bất kể lúc nào. Có lẽ vì vậy mà ngoài bản lĩnh công tác, hầu hết những chiến sỹ CS113 đã ngồi trên vô lăng đều là những tay lái cực “lụa”.

Công việc của những người chiến sĩ CS113 càng đến gần những ngày cuối năm càng bận rộn. Tính chất các loại tội phạm hiện nay cũng đa dạng, manh động với thủ đoạn gây án tinh vi hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, khẩu hiệu “3 nhất” gồm “Nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất” vẫn luôn được các CBCS CS113 hoàn thành trong niềm tin yêu tuyệt đối của người dân.