Đằng sau những chiếc mặt nạ Guy Fawkes

ANTD.VN - Chưa bao giờ tiếm quyền kiểm soát các trang web vì mục đích thu lợi bất chính, nên người ta cho rằng hành động của nhóm tin tặc Anonymous mang mục tiêu thể hiện tiếng nói, quan điểm của tổ chức, nhằm đánh động cũng như cảnh báo.

Cuộc biểu tình của Anonymous tại London

Cuộc biểu tình “thường niên” chống chủ nghĩa tư bản do nhóm tin tặc Anonymous phát động đã diễn ra ở Thủ đô London của Anh tối 5-11 với sự tham gia của hàng ngàn người.

Theo tờ The Guardian của Anh, tất cả những người tham gia biểu tình đều đeo mặt nạ của Guy Fawkes - biểu tượng thường thấy của nhóm tin tặc khét tiếng Anonymous. Họ tập trung tại Quảng trường Trafalgar ở trung tâm London và từ đó tuần hành qua các tuyến phố, hướng tới tòa nhà Quốc hội. Vừa đi những người biểu tình vừa hô to các khẩu hiệu “Đường phố của ai? Đường phố của chúng tôi. Chỉ có một giải pháp - Cách mạng”.

Năm ngoái, một cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra, dẫn tới tình trạng ẩu đả giữa đám đông biểu tình và cảnh sát khiến ít nhất 4 nhân viên an ninh bị thương, nhiều xe cảnh sát bị đốt cháy hoặc đập vỡ kính.

Cuộc biểu tình năm nay diễn ra có phần ôn hòa hơn nhưng vẫn có tới 47 trường hợp bị bắt giữ vì đem ma túy trong người và chống người thi hành công vụ. Điều khiến người ta đặt câu hỏi là thông điệp nào ẩn sau những chiếc mặt nạ Guy Fawkes.  

Được biết đến là nhóm hacker nguy hiểm nhất thế giới, Anonymous “thoắt ẩn thoắt hiện” và tấn công một cách nhanh nhẹn, dứt khoát. Ở Mỹ cũng như hầu hết công ty công nghệ nói chung, khi nghe đến cái tên Anonymous thì hầu như ai cũng cảm thấy “đau đầu”.

Trong danh sách nạn nhân của Anonymous có một loạt trang web của cơ quan chính phủ Mỹ, Nga, Israel, Tunisia, Uganda, Malaysia, Singapore, LHQ, các công ty, tổ chức tài chính như PayPal, MasterCard, Visa, tập đoàn Sony… 

Anonymous có thể đánh sập hoặc làm gián đoạn hầu hết các trang web mạnh nhất, quan trọng nhất, hay có tính chất chính trị nhất... Nhóm này từng bị liệt vào danh sách dính líu đến những phần tử nguy hiểm cần phải bắt giữ.

Và trên thực tế, một số thành viên của Anonymous từng bị bắt giữ với lời kết tội vi phạm pháp luật. Ấy thế nhưng chẳng những không bị tiêu diệt, Anonymous còn ngày một mạnh thêm và thu hút được số lượng lớn người giỏi tham gia, tất nhiên là ẩn danh.

Đi tìm lời giải thích, một số nhà phân tích chú ý đến chi tiết Anonymous chưa bao giờ lợi dụng việc tiếm quyền kiểm soát các trang web hay tiết lộ các dữ liệu thu thập được vì mục đích tống tiền hoặc thu lợi bất chính. Nhóm này thường không làm gì hơn ngoài việc khiến website bị gián đoạn một thời gian ngắn và quản trị viên có thể khôi phục mọi thứ bình thường sau khi “cơn bão” lướt qua.

Chính vì thế, người ta cho rằng hành động của Anonymous mang mục tiêu thể hiện tiếng nói, quan điểm của tổ chức, nhằm đánh động cũng như cảnh báo. Chẳng hạn như khi một người say rượu nổ súng tại hệ thống Bay Area Rapid Transit (BART) - trang chủ của BART đã bị đánh sập nhằm cảnh báo rằng, sự an toàn của khách hàng bị xem nhẹ ra sao, ít nhất cũng nhìn thấy qua khía cạnh an ninh trực tuyến vô cùng lỏng lẻo.

Hay như hồi đầu năm nay, Anonymous đã cho đăng tải một đoạn video với tiêu đề “Thông điệp gửi đến al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xựng IS và nhiều tổ chức khủng bố khác”, trong đó kêu gọi thực hiện chiến dịch với tên gọi Operation Charlie Hebdo để tấn công và đánh sập các trang web, tài khoản mạng xã hội của các tổ chức khủng bố. “Chúng tao, Anonymous trên toàn thế giới, tuyên chiến với chúng mày, lũ khủng bố”, đại diện nhóm hacker Anonymous trong đoạn clip nói.

Như vậy, đi tìm một lời giải thích tổng quát về Anonymous thật khó. Chỉ biết rằng đằng sau chiếc mặt nạ Guy Fawkes, các thành viên Anonymous sử dụng tấn công mạng như một vũ khí hiệu quả để thể hiện một yêu cầu nào đó mà nhóm này theo đuổi. Còn khi gỡ chúng ra, họ chỉ là những người bình thường.