Đàn ông hiện đại - phải để máy móc "phục vụ" mình!

ANTĐ - Cậu lạc hậu bỏ mẹ! Thời hiện đại, phải sống cho ra hồn sống, phải để máy móc nó phục vụ mình chứ. Cứ như cậu, người ta sản xuất ra máy móc để bán cho Tây à?

Tôi và anh ấy có ít nhất 3 cái chung là chung quê, học chung thời phổ thông, học cùng khoá đại học. Chỉ có điều nay làm khác cơ quan. Anh thường chê tôi là cổ hủ, còn chúng tôi đặt cho anh cái biệt đanh là "người đàn ông thời hiện đại”. Mọi chuyện đều có căn nguyên của nó.

Ra trường, đi làm được một năm thì tôi lấy vợ, sinh con. Cuộc sống khi ấy còn khó khăn, nên tôi phải lao vào công việc, hết làm trong cơ quan lại làm ngoài, hết làm ban ngày lại tranh thủ "cày đêm" mới đủ tiền bảo đảm cuộc sống gia đình. Suốt ba năm ròng, tôi bở hơi tai mà vẫn đi xe đạp, vẫn sống trong căn nhà cấp bốn do cơ quan phân, vẫn đi dép lê đến cơ quan và ao ước mua một bộ comple tử tế để mặc khi hội họp mà vẫn chưa toại nguyện. Một hôm anh mời tôi đến nhà chơi. Tôi đã choáng ngợp trước căn hộ hiện đại của anh. Anh sống một mình, căn hộ ba buồng rộng rãi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy xay sinh tố, dàn âm thanh, bình nóng lạnh, máy điều hoà nhiệt độ... nói chung không thiếu thứ gì. Cách đây 20 năm mà có những thứ ấy là "kinh khủng" lắm rồi. Anh mở tủ lạnh, lấy bia rót ra mời tôi. Uống một hớp bia hết nửa cốc, anh bảo:

- Cậu lạc hậu bỏ mẹ! Thời hiện đại, phải sống cho ra hồn sống, phải để máy móc nó phục vụ mình chứ. Cứ như cậu, người ta sản xuất ra máy móc để bán cho Tây à?

Tôi ra về cũng suy nghĩ về lời anh nói. Nhưng rồi những công trình nghiên cứu mới, những chuyến công tác, những việc làm thêm, chuyện vợ đau con ốm... lại khiến tôi quên hết lời anh dặn dò. Nhưng bù lại sức lao động cật lực của mình, tôi cũng đã mua được cái xe máy, mua cho vợ con chiếc ti vi màu để xem. Thỉnh thoảng đi đâu chở vợ con ngồi sau cũng sướng. Tối ăn cơm xong, mấy người hàng xóm cùng khu tập thể còn sang xem nhờ ti vi nhà tôi, kể ra cũng oai. Tôi tưởng thế là tôi cũng sướng lắm rồi.

Vậy mà sau buổi gặp mặt sau 10 năm ra trường, anh kéo chúng tôi về nhà anh, nói là để đập phá một bữa. Tôi lại được một phen lác mắt. Ngôi nhà trước đây của anh đã được cải tổ lại hoàn toàn. Xe máy xịn hơn trước, ti vi màn hình lồi đã thay bằng màn hình phẳng. Cái bếp điện đôi rất xịn trước kia, nay đã thay bởi bếp gas chìm. Anh tiếp chúng tôi không phải trong phòng khách, mà lôi thẳng chúng tôi vào buồng karaoke của riêng anh. Thú thật, tôi cũng mới đi hát karaoke ở quán có hai lần cùng cơ quan, một lần sau buổi đại hội công nhân viên chức và một lần sau khi cơ quan tôi nhận bằng khen của bộ. Anh mở máy, bật tanh tách các nút bấm một cách thành thạo trước hàng chục con mắt ngưỡng mộ của chúng tôi.

Đang hát dở bài: "Khúc hát sông quê", anh phải ngừng vì hết máy điện thoại cố định kéo dài lại điện thoại di động réo chuông. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy anh móc điện thoại di động bên túi phải để "Alô, em à?" lại lấy điện thoại di động bên túi trái nói: "Tôi đang bận họp, để khi khác nhé". Anh giải thích rằng "đàn ông thời hiện đại" phải có ít nhất hai chiếc di động. Một cái phục vụ công việc, bạn bè bình thường, cái kia dành cho chuyện "tình cảm", “em út". Anh lại nói với chúng tôi rằng "thời hiện đại, phải để máy móc nó phục vụ mình chứ!"

Bẵng đi vài năm, giờ con trai đầu của tôi đã học lớp 10, cháu gái thứ hai cũng vừa tốt nghiệp tiểu học. Tuy lương lậu giờ đây cũng có khá hơn, nhưng nỗi lo chồng chất nỗi lo, thành ra nhà tôi cũng có thay đổi, nhưng chẳng là mấy. Tôi cũng đã lắp điện thoại để các cháu hỏi bài nhau, vợ tôi cũng có chiếc xe máy riêng, ti vi màn hình lồi cũng đã được thay bằng ti vi màn hình phẳng.

Tết vừa rồi tôi lại đến thăm anh. Mồng hai Tết mà thấy anh ở nhà, tôi mừng lắn. Thấy máy tính đang mở, tôi khen: "Ông làm gì mà khai máy sớm thế? Chắc sắp làm tiến sĩ hả?". Anh cười nhạt và kéo một cái ghế nữa vào trước máy vi tính nối mạng, bảo tôi ngồi. Anh giải thích: "Thời hiện đại, phải để máy móc nó phục vụ mình. Tôi đang tìm vợ qua mạng đây. Tiện đây cũng xin ý kiến ông luôn, ông đã là chuyên gia tư vấn ái tình cơ mà!". Tôi tưởng anh nói đùa, hoá ra thật. Anh bấm máy in, in ra ba tờ giấy, ghi "lý lịch trích ngang" của ba cô gái mà theo anh "đã lọt vào vòng trong". Anh dõng dạc đọc: "Cô Hương là phó tiến sĩ, có nhà riêng, kinh tế độc lập, chưa yêu ai bao giờ, yêu màu tím, thích đi du lịch, giỏi nội trợ, thích quan tâm đến người khắc. Nói chung thì được, mỗi tội hình thức thì phải linh động mới cho điểm 5". Anh cho tôi xem ảnh của cô Hương, tôi thấy không đến nỗi nào, vậy mà anh chê.

Rồi anh đọc đến tờ giấy thứ hai: "Bùi Hoàng Trang, sinh viên mới ra trường, vòng một, vòng hai, vòng ba... nói chung là được. Sẵn sàng kết hôn với bất kì ai, miễn là có điều kiện xin việc giúp hoặc bảo đảm cuộc sống kinh tế. Cái đó thì mình không lo. Nhưng ngại nhất là cô này trẻ quá so với mình biết đâu lấy mình xong, cô ta lại nhấp nhổm, nhìn ngó mấy cậu trai tơ cùng lứa". Cô thứ ba nói chung rất khá về mọi mặt, nhưng anh vẫn chê cô ấy đã có một đời chồng, tuy chưa có con. Anh bảo so với dạng “trai tân" như anh. Nếu lấy cô ấy thì mình thiệt thòi quá.

Tôi bảo anh để tôi giới thiệu bạn gái cho, nhưng anh không nghe, anh nói: "Thời hiện đại, phải biết tận dụng những tiện ích của công nghệ mới chứ". Hôm ấy tôi ra về sau khi bàn bạc ba tiếng đồng hồ mà anh vẫn không chọn được cô nào trong ba cô lọt vào "chung kết".

Lại bẵng đi một thời gian, mải làm ăn, tôi không quan tâm đến chuyện lấy vợ của anh. Hôm vừa rồi anh gặp tôi bảo: "Tôi đích thân mời vợ chồng ông tới chơi và có việc nhờ vả đấy". Thôi thì lâu lắm vợ chồng không đi chơi riêng với nhau, con cái cũng đã lớn, chúng tự lập, bảo nhau học hành được rồi, nên nhân tiện lời mời của anh, tôi quyết định cho vợ đến thăm anh. Đã 10 giờ sáng chủ nhật rồi mà bấm chuông cửa mãi mới thấy anh mở. Anh thanh minh: "Sống mỗi mình, dậy sớm cũng chẳng làm gì. Giá vợ chồng ông bà không tới, tôi làm một giấc đến 4 giờ chiều luôn".

Pha nước mời vợ chồng tôi, anh mới tâm sự thật: "Sống một mình cũng buồn quá. Cứ như ông bà lại sướng. Bây giờ con cái đã lớn, tha hồ đú đởn với nhau. Tuổi tôi mà đi tìm hiểu thì hơi ngại. Các cô gái trẻ gọi mình bằng chú! Những phụ nữ ngang tuổi hoặc kém mình một ít thì đều đã có chồng. Không lẽ mình lại lấy người đã ly dị, có con riêng. Có lúc nghĩ quẩn, hay là phải về quê tìm cô nào tàm tạm để lấy làm vợ, nhưng như thế còn mặt mũi nào. Bà là giáo viên, môi trường ấy tốt, thử xem có cô giáo náo kha khá mà chưa có gia đình, làm mối cho tôi với".

Thấy giọng anh chùng hẳn, tôi phá tan bầu không khí ấy bằng câu nói đùa: "Thời hiện đại, sợ gì, cứ để máy móc nó phục vụ mình". Không ngờ anh chạnh lòng. Anh bảo: "Ông đừng nói kháy tôi. Đấy, ông thích máy móc, tôi cho hết đấy. Tôi chỉ cần một gia đình như gia đình ông là được rồi". Vợ tôi đã cứu tôi bằng một câu hứa hẹn rằng: "Anh yên tâm, em chỉ sợ anh chê, chứ còn nhiều cô khao khát có cuộc sống gia đình lắm. Em hứa từ nay đến ra giêng sẽ tìm giúp anh. Có gì nhà em gọi điện cho anh nhé!".

Vợ chồng tôi ra về. Tiện đường tôi rủ bà xã đi chợ hoa xuân. Trong lúc đang có tâm trạng vui, tôi nịnh với một câu rằng: "Em là cái máy đắt giá nhất mà anh có được". Sau câu nói ấy, tôi bị bà xã cấu véo sưng hết cả hai bên sườn. Tối hôm ấy, vừa xoa dầu vết thương cho tôi, vợ tôi vừa mắng yêu: "Cho chết! Ai bảo dám nói bậy". Ngoài kia trời đã sang xuân, vợ chồng tôi bảo nhau: "Thế là chúng mình sang đầu bốn rồi!"