Đâm chết "anh kết nghĩa" nghi là... tình địch

ANTĐ - ...cầm kiếm phục sẵn trước cửa nhà người anh kết nghĩa mà anh ta nghi là đã “tòm tem” với vợ mình rồi đâm một nhát thấu tin người này khiến anh ta tử vong ngay khi được đưa vào viện.
Nguyễn Văn Trường, SN 1984, trú tại thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trường có vóc người nhỏ, khuôn mặt vuông vức, hiền lành, thế nên không ai ngờ, gã đàn ông ấy đã cầm kiếm phục sẵn trước cửa nhà người anh kết nghĩa mà anh ta nghi là đã “tòm tem” với vợ mình rồi đâm một nhát thấu tin người này khiến anh ta tử vong ngay khi được đưa vào viện. Sáng hôm sau, Trường đến Công an huyện Phú Xuyên đầu thú. Những lời khai ban đầu của anh ta khiến mọi người thấy anh ta vừa đáng giận, lại vừa đáng thương.

Suốt ngày đi… rình vợ

Đâm chết "anh kết nghĩa" nghi là... tình địch ảnh 1
Nguyễn Văn Trường

Nguyễn Văn Trường có hộ khẩu ở xã Minh Cường, Huyện Thường Tín, nhưng vì làm ăn thua lỗ, sau khi anh ta bán nhà trả nợ, hai vợ chồng Trường cùng hai đứa con nhỏ đưa nhau về nhà vợ ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên. Trường chơi với anh Kiều Văn Tới (còn gọi là Bốn) nhà cũng ở xã Phúc Tiến, anh này sinh năm 1970, đã có vợ con. Hai gia đình thân thiết đến, trong một cuộc rượu, Trường đã nhận anh Tới là anh kết nghĩa. Thỉnh thoảng hai bên còn sang nhà nhau tổ chức ăn uống rất vui vẻ. Vì Trường hay đi đánh bạc nên thỉnh thoảng, chị Mai - vợ anh ta có sang nhà anh Tới, nhờ anh Tới chở đi tìm Trường. Cách đây khoảng 1 năm, không hiểu nghe dư luận đồn thổi hay vì nhìn thấy những biểu hiện khác lạ của cả hai người mà Nguyễn Văn Trường sinh nghi vợ mình có quan hệ tòm tem với ông anh kết nghĩa. Từ đó, Trường để ý theo dõi mỗi khi vợ mình có việc ra khỏi nhà. Cuộc sống giữa hai vợ chồng anh ta từ đó cũng khá căng thẳng, thường xuyên xảy ra cãi vã, hục hặc. Tuy chưa đến nỗi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, nhưng không khí trong gia đình vô cùng nặng nề.
“Ngày 26 Tết vừa rồi, cháu thấy vợ cháu dắt xe ra khỏi nhà nên cháu gọi điện cho vợ anh Tới là chị Yến. Chị Yến nói, chắc là hai đứa nó đi về xuôi”. Nghe thế, Trường phóng xe máy về phía cầu Giẽ để tìm nhưng không thấy. Anh ta vào một quán nước ngồi đợi, một lúc thì thấy anh Tới đi xe máy phía trước, vợ mình đi xe máy phía sau. Nghi ngờ chị Mai và anh Tới vừa rủ nhau đi khách sạn nên Trường cay cú mang xăng ra chính xưởng mộc nhà mình châm lửa đốt. Rất may sự việc được mọi người xung quanh phát hiện và ngăn chặn nên không gây hậu quả. Sự việc này đã được Công an xã lập biên bản, bắt viết cam kết. Người dì ruột của Nguyễn Văn Trường cho biết, Trường là con thứ ba trong gia đình có 4 anh em, mẹ của Trường đã mất từ lâu rồi. “Tôi vẫn nói với cháu, thêm quần thêm áo thì tốt chứ thêm vợ thêm chồng thì không hay. Có lần cháu đòi bỏ vợ vì nghe đâu chị vợ có tính lăng nhăng nhưng tôi khuyên nhủ nên cháu nghe tôi, vợ chồng lại làm lành, có ngờ đâu cơ sự lại xảy ra thế này”. Sau vụ đốt xưởng mộc không thành, được anh em bạn bè khuyên can, Trường về nhà làm lành với vợ, nhưng cũng chỉ được vài ngày, đến ngày 7/2, vợ chồng anh ta lại xảy ra mâu thuẫn và Trường đã mang quần áo bỏ đi. Đến chiều 8/2 Trường qua nhà một người bạn cùng xã uống rượu. Đến 21 giờ cũng ngày, Trường về nhà mình thì không thấy vợ đâu, chỉ có hai đứa con nhỏ, một đứa học lớp 1, một đứa đang học mẫu giáo ở nhà, Trường hỏi con thì được biết, chị Mai đang ngồi cùng anh Tới bên nhà bố vợ là ông Sen ở ngay sát bên cạnh. Trường nhìn sang thấy hai người đang ngồi cạnh nhau nên máu ghen nổi lên, anh ta trở về nhà lấy thanh kiếm dài, nhọn hoắt, sau đó phóng xe đến gần nhà anh Tới. Trường để xe ở ngoài đường 1 rồi gọi điện cho chị Yến, vợ anh Tới. “Tôi gọi cho chị Yến để thông báo rằng chồng chị ta và vợ tôi đang ngồi trong nhà ông Sen nhưng chị Yến nói: “Mày có vợ mày phải giữ, còn tao cho chồng tao đi”. Nghe chị ấy nói thế, tôi càng nổi máu điên và nói với chị ấy: “Bà bảo chồng bà về đi không là có chuyện đấy, tôi không chịu trách nhiệm đâu”. Chị Yến hỏi tôi đang ở đâu, tôi nói dối là đang ở Bắc Ninh. Chị ấy bảo, mày thích làm gì mày làm, tao không quan tâm”. Có lẽ sau đó, chị Yến đã gọi cho chồng nên khi anh Tới đi xe máy về nhà, có một người nữa đi cùng anh này. Nhưng khi người đó vừa đi khỏi, anh Tới đang dắt xe máy vào nhà thì bị Trường cầm kiếm xông tới. Trường lớn tiếng chửi bới anh Tới, hai người cãi vã và sau đó, Trường đã cầm kiếm đâm một nhát vào đúng tim anh Tới, một nhát vào trán, một nhát vào đầu. Anh Tới chỉ kịp nói với vợ: “Anh không sống nổi rồi”, và khi mọi người đưa anh vào bệnh viện huyện cách nhà chỉ vài chục bước chân thì anh Tới đã tử vong.
Đâm chết "anh kết nghĩa" nghi là... tình địch ảnh 2
Tang vật vụ án
Xúc động khi được gặp vợ

Trước khi được đưa vào Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, được phép của cơ quan điều tra, vợ của Nguyễn Văn Trường đã vào gặp chồng. Người đàn bà hai con này không đẹp, cũng không xấu nhưng có dáng vẻ của mẫu người thích hưởng thụ nhưng ít làm. Trong thời gian ngắn ngủi, chị này không nói được gì nhiều với chồng mà chỉ ngồi khóc từ đầu đến cuối. Có lẽ, chị cũng cảm nhận được nguyên nhân khiến Trường ra tay tàn bạo với anh Tới là có lỗi của mình. Hai người không trách cứ gì nhau, Trường dặn dò vợ hãy thay mình nuôi dạy con cho tốt. Trước khi tiễn chồng vào trại giam, vợ Trường đã vừa khóc vừa nói: “Anh cứ yên tâm đi cải tạo, mọi việc ở nhà em sẽ lo, chăm sóc con cái và đợi anh về”. Lời hứa hẹn của người vợ trẻ khiến Trường thực sự xúc động. Không những thế, chị vợ còn gửi cho chồng chiếc chăn và ít quần áo, vài hộp sữa. Hơn lúc nào hết, đó là giây phút anh ta ân hận tột cùng về tội lỗi của mình và hiểu tình cảm của vợ đối với mình.
Dù sự thật có như thế nào thì rõ ràng, Trường vẫn được vợ dành cho sự quan tâm, lo lắng, nói như các cụ xưa thì “không còn tình thì còn nghĩa”. Lý giải cho hành động mù quáng, ngu muội của mình, Trường tâm sự với một điều tra viên: “Có lẽ tại lúc đó cháu uống nhiều rượu quá không làm chủ được bản thân”. Và từ lúc đầu thú cho đến khi vào trại, lúc nào Trường cũng một hai: “Cháu biết cháu sai rồi, tội lỗi của cháu thì cháu không dám lăn tăn gì, chỉ mong cơ quan Công an xem xét cho động cơ gây án của cháu để cho cháu có cơ hội làm lại, về với vợ con”. Trường lặp đi lặp lại điệp khúc ấy rất nhiều lần, đến nỗi người nghe cảm thấy nhàm, nhưng hình như đó là những lời nói thật cất lên từ đáy lòng của anh ta. Nhưng nói về anh Tới, Trường vẫn giữ thái độ hằn học. Một điều tra viên hỏi Trường: “Việc nghi ngờ vợ mình có quan hệ với anh Tới, anh đã bao giờ nói chuyện sòng phẳng với vợ chưa, để hai bên tìm một giải pháp nào đó?” thì Trường trả lời: “Vợ chồng cháu chưa bao giờ nói chuyện trắng đen về việc này”. Vậy là đã rõ, chỉ từ những nghi ngờ âm ỉ không có bằng chứng, Trường đã gây tội lỗi với ngay người anh kết nghĩa của mình. Nếu như Trường và anh Tới nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn như hai người đàn ông, hẳn là họ đã có giải pháp dứt điểm cho “câu chuyện ba người” ngang trái này. Sau khi đâm anh Tới, Trường về nhà mình ở Thường Tín. Bố anh ta bảo Trường đi ngủ nhưng Trường lại đi lang thang ra đường 1 và cứ đi như thế một cách vô định. Đêm đó trời mưa phùn lạnh giá, đến gần sáng thì anh ta mò vào nhà chị dâu và kể hết mọi chuyện. Mọi người khuyên Trường nên ra đầu thú và họ đã giữ Trường ở lại nhà, đến khoảng 5 giờ thì gia đình đưa Trường đến Công an huyên Phú Xuyên trình diện. Đến buổi trưa cùng ngày, điều tra viên mới thông báo cho anh ta biết chuyện anh Tới đã chết, còn trước đó, Trường vẫn tưởng anh Tới chỉ bị thương. Từ lúc đó, Trường lo lắng thức sự. Ý thức được tội lỗi của mình là rất lớn khiến anh ta thỉnh thoảng lại ngồi nghệt mặt ra nghĩ ngợi. Dân gian có câu: “Không đánh được người mặt đỏ như vàng, đánh được người mặt vàng như nghệ” quả không sai tí nào.
Đâm chết "anh kết nghĩa" nghi là... tình địch ảnh 3
Người dì cố đuổi theo xe giam cháu để đưa gói kẹo.

Trước khi được đưa vào Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội, hồ sơ về vụ án do Nguyễn Văn Trường gây ra được Công an huyện Phú Xuyên chuyển đến Đội 3, Phòng PC45 Công an Hà Nội. Chỉ có người dì và người anh trai của Trường đi theo chiếc xe đặc chủng, gương mặt họ lộ rõ vẻ lo lắng, hốt hoảng. Anh trai của Trường bày tỏ: “Chỉ mong báo chí đưa tin đúng” sự thực, đừng thêm bớt vì em tôi gây án là có nguyên nhân của nó”. Còn bà dì ruột của Trường thì cứ cầm túi bánh kẹo, cố gắng tìm mọi cách gửi cho thằng cháu dại dột. Bà chia sẻ, có chuyện gì Trường cũng kể với bà và lần nào bà cũng khuyên cháu mình nên vì hai đứa con mà nghĩ lại, nên chăm lo, vun vén cho gia đình là hơn. Vừa nói chuyện, bà vừa chép miệng: “Khổ quá, sảy cha thì ăn cơm với cá...”. Khi chiếc xe thùng lăn bánh đi rồi, bà dì và người anh trai của Trường vẫn còn đứng trông theo cho đến khi chiếc xe khuất dạng. Giờ đây, có lẽ Nguyễn Văn Trường đã cảm nhận được sự lạnh lẽo trong lòng và những tháng ngày vô vọng, dài dằng dặc đang chờ đón mình phía trước. Giá như anh ta có cách xử sự bình tĩnh, tích cực, thay vì nông nổi, côn đồ, thì hậu quả đau lòng đã không xảy ra.