Đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự

ANTĐ - Ngày 21-11, Quốc hội đã thảo luận về 2 dự án Luật Nghĩa vụ quân sự sủa đổi và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). 

Đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ quân sự ảnh 1Thiếu tướng Lê Hiền Vân - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 
đề nghị tăng thời gian tại ngũ lên 24 tháng

Phải có chế tài đảm bảo sự công bằng

Về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết đề nghị phải đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. “Hiện nay, bên cạnh số lượng công dân tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì vẫn còn những trường hợp không nhập ngũ, nhưng cũng không thực hiện nghĩa vụ gì với Nhà nước. Một bộ phận công dân có việc làm, con em gia đình có điều kiện kinh tế, trình độ học vấn cao nhập ngũ chưa nhiều. Trong khi đó, con em nông dân thực hiện nghĩa vụ quân sự đạt trên 80%. Thực tế trong thời bình, nhu cầu quân thường trực không quá cao, cần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Thời gian phục vụ tại ngũ trong thời bình nên là 12 tháng” - ĐB Nguyễn Văn Tuyết nói. 

Các đại biểu ĐB Lê Hiền Vân (Hà Nội), Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An)  lại cho rằng, thời gian 12 tháng phục vụ tại ngũ là quá ngắn và đề nghị tăng lên 24 tháng. ĐB Nguyễn Sỹ Hội lo ngại: “Có trường hợp cùng nhập ngũ nhưng người về trước, người về sau nảy sinh tâm lý không tốt. Thực tế chúng tôi làm nghĩa vụ quân sự ở địa phương, lý do tạm hoãn vì đi học rất phổ biến. Tham gia nghĩa vụ quân sự là để thanh niên được cống hiến cho đất nước, do đó, học đại học xong rồi nhập ngũ hoặc thực hiện đủ nghĩa vụ quân sự rồi về học cũng đều tốt”. ĐB Nguyễn Sỹ Hội cũng đề nghị tạo điều kiện cho công chức, viên chức được tham gia nghĩa vụ quân sự. 

ĐB Lê Việt Trường (An Giang) băn khoăn: “Hàng năm, có 6-7 triệu công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, nhưng Nhà nước chỉ gọi khoảng 6% trong số đó. Chất lượng thành phần nhập ngũ cũng chưa tương xứng, trong đó trình độ đại học – cao đẳng chỉ đạt 0,64%. Ngoài ra, việc xử lý hành vi vi phạm chưa thật nghiêm minh. Trong thời gian 

2005-2011, có 4.612 người trốn, chống lệnh gọi nhập ngũ nhưng chỉ xử lý hình sự 4 người vào năm 2011. Chế độ chính sách với người thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng chưa thỏa đáng. Riêng việc dạy nghề mới đạt 26,33%, trong đó, được giới thiệu việc làm chỉ được khoảng 12,6%”.

Nên quy định cứng số lượng cấp phó

Về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) đề nghị: “Để đảm bảo tính năng động của Chính phủ, cần quy định điều chỉnh số lượng các Bộ theo từng thời kỳ. Ngoài ra, để tránh tình trạng lạm phát cấp phó, cần phải có quy định “cứng” về số lượng thứ trưởng. Nếu cần bổ sung thêm thứ trưởng thì Chính phủ căn cứ chức năng nhiệm vụ chỉ thêm 1 người. Mô hình này Nhật Bản cũng đang áp dụng” - ĐB Lò Hải Ươi nói.

Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng: “Nên quy định tỷ lệ nữ cán bộ trong cơ quan Chính phủ đạt 20% trở lên. Đề nghị bố trí thêm Bộ Quản lý kinh tế biển vì nước ta 50% GDP thu từ biển nên thêm bộ này là chính đáng”.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, tồn tại lớn nhất trong điều hành hiện nay của Chính phủ là chưa làm rõ trách nhiệm chính quyền công vụ. Vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Chính phủ? Vấn đề nào thuộc địa phương? ĐB Trần Du Lịch dẫn chứng: “Hàng giả, hàng nhái đang tồn tại ở nhiều địa phương song trách nhiệm thuộc cấp nào hiện chưa được làm rõ. Cần quy định, nếu liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành thì đó là trách nhiệm của Chính phủ, còn để hàng giả bày bán tràn lan là trách nhiệm chính quyền địa phương”. ĐB Trần Du Lịch cho rằng: “Nếu Luật không làm rõ được trách nhiệm công vụ thì không giải quyết được những bất cập lâu nay”.

Sáng 21-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại của hành khách trong trường hợp để xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến mà không do nguyên nhân khách quan, Luật đã quy định cụ thể quyền của hành khách, người gửi hàng, người nhận hàng; trách nhiệm dân sự của người vận chuyển...