Đảm bảo ATGT: Sẽ áp dụng nhiều biện pháp mạnh

ANTĐ - Ùn tắc và tai nạn giao thông đang cản trở bước phát triển kinh tế xã hội của cả nước, đặc biệt là các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại buổi họp trực tuyến với các địa phương về ATGT sáng 21-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thông qua một loạt các biện pháp mạnh như tăng mức xử phạt, nghiêm cấm cán bộ uống rượu bia…

Tai nạn giảm nhưng chưa vững chắc

CSGT Hà Nội xử lý hàng loạt các trường hợp vi phạm Luật Giao thông trên phố Bà Triệu

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, những tháng đầu năm, trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến. Trật tự ATGT giảm trên cả ba tiêu chí, số vụ TNGT, số người chết và người bị thương; tình hình ùn tắc giao thông cũng được cải thiện đáng kể. Để có được kết quả trên, 3 tháng qua, Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đổi giờ học, giờ làm việc; cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, hạn chế taxi hoạt động vào giờ cao điểm ở những tuyến phố có lưu lượng phương tiện đông, phân luồng, phân làn, và hiện tại, Hà Nội đang gấp rút hoàn thành 2 cầu vượt lắp ghép nhẹ, chuẩn bị khởi công thêm 2 cầu vượt… Với kết quả này, Hà Nội được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao. Phó Thủ tướng cho rằng, cùng là một đô thị lớn, TP Hồ Chí Minh cần học hỏi kinh nghiệm của Hà Nội.

Về tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước, Phó Thủ tướng cho biết, quý I vừa qua, cả nước đã giảm 48% số vụ tai nạn, giảm 19% số người chết và 61% người bị thương so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa vững chắc và còn nhiều biểu hiện đáng lo ngại, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra cả đường bộ, đường sắt. 

Tại cuộc họp, đại diện nhiều địa phương cho rằng, trong thời gian tới, để đạt được chỉ tiêu về ATGT như Chính phủ đưa ra, cần phải mạnh tay hơn nữa trong vấn đề xử phạt, tịch thu bằng lái, phương tiện… Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho rằng, cần tăng mức bồi dưỡng lên 30% số tiền phạt vi phạm đối với CSGT, vừa để động viên lực lượng vừa hạn chế tình trạng “chung chi”, như quyết định của Đà Nẵng tăng bồi dưỡng 5 triệu đồng cho CSGT. Trung tướng Phạm Quý Ngọ đề xuất, các vụ tai nạn nghiêm trọng cần phải xử lý hình sự, không thể dàn hòa giải quyết như dân sự, tịch thu phương tiện vi phạm dù là xe chính chủ hay không, tiêu hủy những xe đã “độ”, với xe còn nguyên kết cấu thì hóa giá.

Sẽ áp dụng nhiều biện pháp “rắn”

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, phải quy trách nhiệm đảm bảo ATGT cho người đứng đầu các tỉnh, thành. “Trung ương quy trách nhiệm cho người đứng đầu ở địa phương. Chủ tịch các tỉnh, thành quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp quận, huyện và các cơ quan thành viên. Các tỉnh không được can thiệp vào hành vi vi phạm giao thông, nếu lãnh đạo nào can thiệp để xin trong việc xử lý vi phạm giao thông phải có hình thức xử lý cán bộ đó”, ông Hiệp đề xuất. Ngoài ra, Ủy ban ATGT quốc gia đang đề xuất Thủ tướng khen thưởng và phê bình ban ATGT các tỉnh, thành theo quý. Hiện mới chỉ nhắc nhở và phê bình mà chưa có hình thức kỷ luật. 

Trong phạm vi quyền và nhiệm vụ của mỗi địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phải nhanh chóng tổ chức lại giao thông như phân luồng phân làn, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hạn chế phương tiện cá nhân, cấm cán bộ công chức sử dụng bia rượu… “Cán bộ không được uống rượu bia vào buổi sáng, buổi trưa. Mức phạt cũng cần nặng hơn, vi phạm giao thông lần hai phải phạt nặng hơn lần thứ nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Theo đề xuất của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, trong quý II, UBND các tỉnh, thành, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp ban hành quy định “không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên. Tuy nhiên về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế trong thời gian sớm nhất phải ban hành quy định về nồng độ cồn trong máu để có căn cứ xử phạt cho lực lượng làm nhiệm vụ. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện quy định về xử lý phương tiện của người vi phạm giao thông, đề án hạn chế ô tô, xe máy ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an kết hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình xử phạt qua tài khoản ngân hàng, mức phí lưu giữ phương tiện trong thời gian vi phạm.