Đãi ngộ không chỉ là vấn đề lương bổng

ANTD.VN - Trong những năm gần đây, mặc dù chưa trở thành xu hướng hay trào lưu mà mới chỉ dừng ở mức hiện tượng, song tình trạng “chảy máu” chất xám khỏi khu vực công lập đã dấy lên trong dư luận xã hội mối quan tâm, lo ngại sâu sắc. 

Nhiều câu hỏi được đặt ra: vì sao không ít người giỏi, người tài bỏ việc trong các công ty, tập đoàn Nhà nước để đầu quân cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài? Đó là chưa kể thực trạng “chảy máu ngoại tệ” hàng tỷ USD mỗi năm khi người dân kéo nhau ra nước ngoài chữa bệnh, cho con cái đi du học ở Singapore, Anh, Úc, Mỹ...

Đương nhiên sự lựa chọn là quyền tự do cá nhân cùng với những lý do riêng tư cộng với cơ chế thị trường thông thoáng. Ở đây chỉ bàn tới chuyện “chảy máu chất xám” ngay trong nước, trong bệnh viện công, doanh nghiệp Nhà nước, nơi mà rất nhiều người tìm mọi cách để có được một chỗ làm ổn định lâu dài. Thế nhưng, nghịch lý là chính những người tưởng sẽ gắn bó cả đời với nơi mình khởi nghiệp lại quyết tâm “dứt áo” ra đi.

Điều đầu tiên mà mọi người thường nghĩ ngay đến là đồng lương, thu nhập hoặc đãi ngộ. Tiếp đến mới là môi trường làm việc, chuyên môn giỏi thì tiền không phải là... đầu tiên, quyết định tất cả, mặc dù nếu làm việc ở các bệnh viện quốc tế tất nhiên là mức lương “khủng” nhưng áp lực công việc, cường độ làm việc cũng không thua kém bệnh viện công, ngoại trừ “nạn” quá tải. Thực tế, đã có những bác sĩ đầu ngành hoặc chuyên gia có uy tín đã sẵn sàng giã từ bệnh viện công về mở phòng khám tư, vừa giữ được danh dự, danh tiếng, vừa được người bệnh kính trọng. Đã có những cuộc “mổ xẻ” hoặc “nội soi” hiện tượng “chảy máu chất xám” không chỉ trong ngành y, ngành giáo dục hoặc ngành công nghệ thông tin.

Căn nguyên sâu xa khiến “chảy máu chất xám” âm ỉ, liên tục đã được chỉ ra song biện pháp đặc hiệu để “cầm máu” tiến tới ngăn chặn, giảm thiểu dường như chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số tỉnh, thành phố, địa phương đã thực thi chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” thậm chí tăng mức lương lên gấp hai ba lần so với mặt bằng chung, tiếp nhận người giỏi, người tài không căn cứ vào hộ khẩu. Một số ngành khoa học, kỹ thuật đã thu hút không ít trí thức Việt kiều về nước làm việc, cống hiến. Trong khi đó, chất xám trong nước vẫn đang “chảy máu” chưa có dấu hiệu ngừng.

“Chảy máu” chất xám thực sự đáng lo ngại. Dù là “hiện tượng” nhưng lại gây hiệu ứng tâm lý lan truyền trong một số lĩnh vực, ngành nghề. Giữ chân người ở lại không phải là việc đơn giản như chế độ lương bổng, đãi ngộ, nó còn phụ thuộc vào việc sử dụng, trọng dụng, thái độ trong quan hệ, lao động, khuyến khích người lao động, nhất là giới trí thức có hàm lượng chất xám cao vốn rất nhạy cảm, tự trọng.