Đại học quốc tế và những lầm tưởng: Giá trị không nằm ở tấm bằng

ANTĐ - Bên cạnh những điểm tích cực thì tình trạng mỗi trường một kiểu tuyển sinh, tự định ra mức học phí và chương trình giảng dạy, nhiều môn học không phù hợp với sinh viên Việt Nam, thiếu địa điểm đào tạo và trang thiết bị… là những tồn tại không nhỏ của các trường ĐH dán mác “quốc tế”.

Tốt nghiệp đại học - thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người

(Ảnh minh họa)

Khi tiền là mục tiêu cao nhất

Mặc dù không thể phủ nhận việc hợp tác quốc tế trong giáo dục là điều rất quan trọng nhưng vấn đề đặt ra là phụ huynh học sinh có nên đổ tiền cho con em mình vào học trong các trường quốc tế khi chưa có kết quả nghiên cứu về giá trị của những trường này đối với học viên? Hầu hết các trường quốc tế hiện nay đều khá mập mờ, thiếu công khai minh bạch về chương trình học, chất lượng giáo viên nên ngay cả khi đã nhập học được một thời gian, nhiều sinh viên vẫn còn khá lơ mơ về tổ chức, chương trình học, phương pháp dạy học trong trường.

Ngoài ra, để được vào học trong các trường quốc tế hay liên kết đào tạo quốc tế hầu hết sinh viên đều trải qua hình thức xét tuyển chứ không phải là thi tuyển. Do đó, điều kiện quan trọng nhất để theo học các trường này không phải là trình độ mà là sinh viên có đủ khả năng về tài chính. Lưu Xuân Hoa - sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “THPT em học chuyên ngữ nên sau khi tốt nghiệp em rất muốn vào học tại một trường ĐH quốc tế nào đó để trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, thuận tiện cho vấn đề xin việc làm sau này. Nhưng  chỉ nhìn qua mức học phí của một số trường em đã thấy choáng nên phải từ bỏ ý định. Trong khi đó, một số bạn học kém, không thích học nhưng có tiền vẫn ung dung vào trường bất kể có lấy được bằng hay không. Nghịch lý này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các trường ĐH quốc tế”.

Có thể kể đến một số trường ĐH có tên quốc tế được thành lập như trường ĐH quốc tế B.H, trường ĐH quốc tế M.Đ, ĐH quốc tế S.G… Giải thích về tên trường, ông Nguyễn Đình Xuân - đại diện một trường ĐH quốc tế cho biết: “Sở dĩ trường có tên “quốc tế” do chương trình đào tạo có liên kết quốc tế, chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, về đội ngũ giảng dạy, thời gian đầu phải đạt ít nhất 40% là giảng viên nước ngoài. Sinh viên khi xét tuyển phải vượt qua một bài kiểm tra bằng tiếng Anh và khi học trong trường hầu hết giáo trình cũng là sách tiếng Anh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, các chương trình ngoại khóa của các trường này cũng phải được đầu tư hơn hẳn các trường ĐH khác”... Nhưng thực tế, hiện trên thế giới không có chuẩn mực để gọi tên ĐH quốc tế. Từ “quốc tế” được sử dụng với nghĩa đơn thuần chỉ là tên thương hiệu. Nắm bắt nhu cầu “sính ngoại” của một bộ phận người dân, không ít trường ĐH đã dùng từ này nhằm chiêu dụ sinh viên. Trong khi đó, những trường ĐH có đẳng cấp quốc tế thực sự thì lại không cần sử dụng từ này. 

Học viên luôn chịu thiệt

Dù các trường ĐH mang danh quốc tế đã xuất hiện khá nhiều nhưng vẫn chưa có văn bản chính thức nào quy định về vấn đề này nên khiến người học rất dễ nhầm lẫn. Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt - giảng viên trường ĐHDL Thăng Long cho rằng, trên thế giới những trường ĐH mang tên quốc tế thường hoạt động ít nhất trên hai lãnh thổ khác nhau. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, người dân dễ bị hoa mắt trước cái tên “quốc tế”. Việc cho phép sử dụng từ “quốc tế” ở cấp học ĐH một cách dễ dãi tràn lan như hiện nay chẳng khác nào đánh lừa người học. Khi chất lượng đào tạo ở các trường này không đảm bảo, học viên luôn là đối tượng thiệt thòi nhất.

Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Đạt, để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta có thể hợp tác với quốc tế để xây dựng các đại học mới. Hiện ở Việt Nam đã có một số trường ĐH mới được thành lập với sự hợp tác của nước ngoài nhưng qua quá trình hoạt động đã nảy sinh nhiều bất cập. Việc các trường không có đội ngũ giảng viên cơ hữu là người nước ngoài sinh sống ổn định tại Việt Nam đã khiến việc tiếp thu kiến thức của sinh viên bị ngắt quãng, gián đoạn không khác gì các chương trình dạy học từ xa. Bên cạnh đó, các trường này có kinh phí phụ thuộc bên ngoài, hệ thống các chuyên ngành đào tạo không hoàn chỉnh nên luôn trong tình trạng bị động. Ngoài ra, chất lượng sinh viên trong trường không tỷ lệ thuận với mức học phí bởi những học sinh giỏi sẽ chọn các trường đại học có tên tuổi với học phí thấp để theo học, những học sinh khá có khả năng tài chính sẽ đi học ở nước ngoài. Với đầu vào ở mức thấp (tương đương với điểm sàn ĐH hoặc thấp hơn), khó có thể bảo đảm chất lượng đầu ra nhằm đưa các trường này thành các trường ĐH có đẳng cấp quốc tế thực sự. 

Giá trị của việc học nằm ở vốn kiến thức mà mỗi sinh viên có được chứ không phải ở tấm bằng. Với nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân hiện nay, việc đầu tư xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là điều cần thiết và nên khuyến khích. Để tránh xảy ra tình trạng những trường này chỉ dành cho con nhà giàu nhưng học kém, Nhà nước nên tập trung đầu tư xây một hoặc hai trường đại học mà các sinh viên ưu tú nhất không ở mọi điều kiện kinh tế đều có thể theo học. Bộ GD-ĐT cũng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động, cơ chế tuyển sinh và chất lượng đào tạo của các trường và có những quy định cụ thể hơn về việc quản lý cấp phép, phê duyệt các chương trình nước ngoài trong các trường này, đảm bảo quyền lợi của người học. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và học viên cũng cần sáng suốt trong việc sàng lọc thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, tránh tình trạng chọn trường chỉ theo tên gọi.