Đại di tản Dunkirk: 400.000 lính Anh sống sót trước "lưỡi hái tử thần" phát-xít Đức

ANTD.VN - Bộ phim Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan mới công chiếu cách đây ít ngày đã kể lại câu chuyện có thật trong trận chiến Dunkirk diễn ra ở phía bắc nước Pháp vào Thế chiến II. Thời điểm đó, khoảng 400.000 quân đồng minh chủ yếu đến từ Anh mất hết nhuệ khí chiến đấu, bị dồn vào chân tường trước 800.000 quân phát xít Đức, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, lực lượng này đã rút lui an toàn về Anh và đến ngày nay, đây vẫn được coi là chiến dịch giải cứu ngoạn mục nhất trong Thế chiến II. 

Sau khi Thủ tướng Anh Neville Chamberlain tuyên chiến với Đức Quốc xã vào ngày 3-9-1939, khu vực Tây Âu đã trải qua một giai đoạn còn được gọi là “Chiến tranh kì quặc”, khi các bên xung đột đều đã coi nhau là kẻ thù nhưng lại không có cuộc giao tranh lớn nào xảy ra. 

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi hoàn toàn từ ngày 10-5-1940 khi quân đội Đức Quốc xã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Pháp và những quốc gia ở duyên hải Tây Âu. Chỉ trong một vài ngày, quân đội Đức cho thấy họ là một lực lượng không thể ngăn cản và đã thành công trong việc phân tách Lực lượng viễn chinh Anh (BEF) khỏi quân đồng minh từ Pháp. 

Nguy hiểm còn đến với gần 400.000 lính Anh khi lực lượng này bị dồn về dải đất hẹp gần vùng biển phía bắc nước Pháp. BEF lúc đó bị bao vây bởi lực lượng đông gấp đôi đến từ Đức với đường rút lui duy nhất là vượt biển để về Anh. 

May mắn bất ngờ đến với BEF khi Hitler đã quyết định tạm ngừng chiến dịch tấn công trong 2 ngày 22 và  23-5, điều sau này được các nhà phân tích đánh giá là sai lầm lớn nhất của ông trùm phát-xít này và là một trong những bước ngoặt của Thế chiến II. 

Chiến dịch Dynamo nhằm giải cứu BEF khỏi bờ biển Dunkirk bắt đầu từ ngày 27-5-1940 với ngày đầu tiên chỉ có 7.669 lính được đưa về Anh an toàn bằng đường biển. 

Tuy nhiên, lời kêu gọi giúp đỡ từ chính phủ Anh đã thu hút  hàng trăm tàu dân sự tham gia cuộc giải cứu và khiến chiến dịch này thành công bất ngờ. Đến ngày 31-5, 400 tàu dân sự cỡ nhỏ đã tham gia chiến dịch này và sơ tán được 180.000 lính đồng minh. 

Ban đầu, Thủ tướng Anh Winston Churchill, người mới chỉ nhậm chức vào giữa tháng 5-1940, dự đoán chỉ có 30.000 người có thể trở về Anh an toàn. Tuy nhiên, đến cuối chiến dịch Dynamo, 330.000 lính đã được sơ tán khỏi bờ biển Dunkirk mặc dù họ phải bỏ lại vũ khí, thậm chí quần áo, giầy dép. 

Đến ngày 5-6-1940, Dunkirk rơi vào tay quân đội Đức và khoảng 45.000 lính đồng minh không kịp sơ tán đã bị bắt làm tù binh. 

Hitler đã tuyên bố đây là một chiến thắng vang dội, tuy nhiên, với lực lượng đồng minh, chiến dịch Dynamo cũng là một thành công ngoài sức tưởng tượng. 

Nếu toàn bộ 400.000 lính BEF bị bắt làm tù binh hoặc tử trận ở Dunkirk, cục diện Thế chiến II chắc chắn sẽ thay đổi. 

Quân đội Anh lúc đó không còn khả năng chiến đấu và Thủ tướng Churchill nhiều khả năng sẽ buộc phải đầu hàng Đức Quốc xã.

Quân viễn chinh Anh phải bỏ lại cả mũ nón để chạy trốn

Nhiều khí tài quân sự của Anh đã bị phá hủy trong trận chiến này

Hàng trăm nghìn lính viễn chinh Anh đã suýt bị bắt làm tù binh hoặc thiệt mạng