Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc phân bổ kinh phí cho công đoàn cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thảo luận tại hội trường sáng nay (18-6) về Dự án Luật Công đoàn sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành quy định kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương .

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động” là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, theo đại biểu, nên quy định ngay trong dự thảo Luật như phương án 2 của Dự thảo. Tuy nhiên, đối với một số nội dung trong phương án 2 mà dự thảo quy định, đại biểu cho rằng, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn.

Song, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, cần có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”. Cụ thể, đề nghị xem xét quy định “Kinh phí công đoàn theo điểm b khoản 1 điều 29 do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.

Ngoài ra, trong dự thảo cũng có quy định việc phân bổ kinh phí cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tại điểm b khoản 2 Điều 30 nêu rõ“ ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn”. Quy định chưa làm rõ trong trường hợp này, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng như thế nào. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu thảo luận

Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài tại Điều 5 dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lựa chọn Phương án 1, cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn và hoạt động công đoàn tại cơ sở.

Theo đại biểu đây là quy định mang tính nhân văn, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam...

Không đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre) tranh luận, hiện chưa đủ cơ sở lý luận, thực tiễn chọn phương án 1. Theo đại biểu, Công đoàn Việt Nam có tính đặc trưng giai cấp và chế độ chính trị. Theo báo cáo đánh giá tác động, nhiều lao động nước ngoài tại Việt Nam là lãnh đạo quản lý, không ít trong số đó làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có khoảng 50% lao động nước ngoài muốn tham gia công đoàn, chưa kể đến rào cản ngôn ngữ. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan đến phương án này cũng chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng…