Máy bay Malaysia Airlines mất tích

Đã tìm kiếm trên diện rộng khoảng 125.000km2

ANTĐ - Trong ngày hôm qua 10-3, các phương tiện tiếp tục tham gia tìm kiếm cứu nạn máy bay số hiệu MH 370 của Malaysia bị mất tích. Tuy nhiên, đến cuối ngày, vẫn chưa tìm được dấu hiệu nào liên quan đến máy bay này.

Quan sát tìm kiếm trên chuyến bay AN26 số hiệu 261 sáng 10-3

Bổ sung lực lượng tìm kiếm

Ngày 10-3, hàng chục chiếc máy bay, tàu biển, tàu cứu hộ tiếp tục quần thảo khu vực được nghi là nơi chiếc máy bay của Malaysia mất tích. Đồng thời, lực lượng cứu hộ cũng tiến hành xác minh một số vật thể trôi nổi trên khu vực này. Tại Sở Chỉ huy tiền phương lập tại Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu và Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã trực tiếp ra vùng biển nghi máy bay mất tích, tham gia chỉ đạo tìm kiếm.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các lực lượng khi phát hiện vật thể lạ phải báo cáo về ngay Sở Chỉ huy và không được khẳng định điều gì khi chưa chắc chắn, tránh gây hoang mang dư luận. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định tàu SAR 413 là tàu chỉ huy, chốt tại khu vực phát hiện vật thể lạ, giao cho quân chủng Hải quân có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho tàu SAR 413 hoạt động. Bộ Quốc phòng đã cho phép máy bay Việt Nam hoạt động tìm kiếm ở độ cao dưới 1.500m và các máy bay nước ngoài tiến hành bay, tìm kiếm ở độ cao trên 1.500m.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy của lực lượng không quân, đóng tại sân bay Cà Mau; Lập trạm thông tin SAR 413 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải và trạm thông tin tại đảo Phú Quốc; Yêu cầu Quân khu 9 sẵn sàng lực lượng, phương tiện, để tham gia cứu hộ, tìm kiếm. 

Cũng trong ngày hôm qua 10-3, hai tàu Trung Quốc và một tàu của Mỹ đã được Việt Nam cho phép vào vùng biển Việt Nam để tìm kiếm cứu nạn. Hai tàu Trung Quốc gồm tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn 999 và tàu hộ vệ Miên Dương 528 là tàu quân sự, trên tàu có rất nhiều tàu nhỏ và giàn đỗ trực thăng. Như vậy, 2 tàu này vào hoạt động sẽ có thêm rất nhiều tàu nhỏ và 2 chiếc trực thăng đi kèm. Về vấn đề này, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ yêu cầu lực lượng tìm kiếm Việt Nam phải làm chủ trong công tác tìm kiếm. Hoạt động tìm kiếm của các nước bạn phải có lực lượng của chúng ta đi cùng, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra... Hơn nữa, các tàu này chỉ được hoạt động trong vùng biển giới hạn, là khu vực biển nghi máy bay của Malaysia mất tích.

Sẽ mở rộng về phía Đông

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân Việt Nam, dự kiến trong ngày hôm nay 11-3, các đơn vị tìm kiếm sẽ mở sang khu vực phía Đông (phía tây đảo Côn Sơn đến phía đông khu vực các đơn vị đang tìm kiếm). 

Nhận định về ngày tìm kiếm thứ ba (10-3), ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty quản lý bay, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho hay, tổng diện tích tìm kiếm của tất cả các nước lên tới hơn 125.000km2: “Hôm nay, các lực lượng vẫn tiếp cận tất cả các vị trí. Những ngày qua, các nước và Việt Nam đều tích cực tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Trung tâm Quản lý bay tại TP.HCM cũng làm việc rất tốt, huy động nhiều máy bay tham gia, điều hành, phân tầng bay tốt, không xảy ra vấn đề gì”.

Trước thông tin có quá nhiều máy bay tìm kiếm trên vùng biển phía Nam Việt Nam có thể gây mất an toàn đối với tàu bay dân dụng và thậm chí có thể xảy ra va chạm giữa các tàu đang làm nhiệm vụ, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, không thể xảy ra tình huống này. Các tàu bay tìm kiếm cứu nạn bay ở tầm thấp trong khi tàu bay dân dụng bay ở độ cao khoảng 10.000m. Do đó, tình huống các máy bay va chạm là không thể xảy ra. Còn với hoạt động tìm kiếm, cơ quan chỉ huy đã điều phối và phân vùng hoạt động để đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Việt Nam quyết tâm tìm kiếm dấu vết liên quan 

Tối 10-3, trở về sau chuyến thị sát trên vùng biển nghi vấn máy bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia mất tích, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, các phương tiện tìm kiếm của Việt Nam đã tiến hành trục vớt các vật lạ ở gần đảo Thổ Chu do máy bay của Singapore phát hiện ra. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận đó là những mảnh vỡ liên quan đến một vụ tai nạn máy bay. 

Theo ông Tiêu, ngày 10-3, đã có 2 máy bay là MI 171 và thủy phi cơ DHC - 6 xuất phát từ Phú Quốc, cùng với 8 tàu Hải quân, 2 tàu Cảnh sát biển và 2 tàu của Hàng hải đã tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích. Tổng số các phương tiện tìm kiếm đến thời điểm hiện tại là 34 máy bay, 40 tàu thủy và nhiều phương tiện đánh cá của ngư dân tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. 

Ông Phạm Qúy Tiêu cho biết thêm, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã thiết lập Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc, mọi công tác chuẩn bị có liên quan sẽ được xác lập cụ thể để đảm bảo cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Việt Nam quyết tâm tìm kiếm dấu vết liên quan đến vụ việc cho đến hết khả năng có thể. (Theo TTXVN)