Đã hoàn thành nhưng khó… triển lãm

(ANTĐ) - Tuy chậm so với dự kiến nhưng cuối cùng bức tranh lịch sử hoành tráng lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam do một cá nhân thực hiện “Hà Nội chiến lũy và hoa” đã cơ bản hoàn thành. Nhưng cơ hội để công chúng được chiêm ngưỡng bức tranh này vào dịp Tết Nguyên đán tại Văn Miếu Quốc Tử Giám rất khó thực hiện.

Bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa”:

Đã hoàn thành nhưng khó… triển lãm

(ANTĐ) - Tuy chậm so với dự kiến nhưng cuối cùng bức tranh lịch sử hoành tráng lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam do một cá nhân thực hiện “Hà Nội chiến lũy và hoa” đã cơ bản hoàn thành. Nhưng cơ hội để công chúng được chiêm ngưỡng bức tranh này vào dịp Tết Nguyên đán tại Văn Miếu Quốc Tử Giám rất khó thực hiện.

 Một tiểu cảnh trong bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa”

 Vừa đi vừa dò đường

Vừa đi vừa dò đường trong sự băn khoăn của những người thân, đồng nghiệp, Nguyễn Doãn Sơn chịu nhiều áp lực để hoàn thành bức tranh lịch sử hoành tráng cần được cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ để đảm bảo tính chính xác của lịch sử mà vẫn không ảnh hưởng đến tính nghệ thuật. Có nhà chuyên môn cho rằng, nếu không vững tay, vững tầm, nó sẽ giống tranh cổ động.

Vì thế, để làm sống lại không khí lịch sử của Hà Nội một thời đạn bom, tan hoang, đổ nát mà vẫn đầy tính trữ tình, oanh liệt, Nguyễn Doãn Sơn đã tìm thấy trong những câu văn, những hình ảnh của cuốn sách “Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46”. Và cả việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long, cuốn sách về tiền cổ Việt Nam cũng gợi ý cho anh những liên tưởng về mặt hình ảnh để xây dựng các trích đoạn.

Chỉ là một gương mặt người mẹ Thủ đô với mái tóc bạc trắng, cái cầm tay đầy bịn rịn lưu luyến khi tiễn người con lên đường đã khiến Nguyễn Doãn Sơn như mò kim đáy bể trong vô vàn những gương mặt người mẹ Việt Nam để rồi cuối cùng anh lại tìm thấy một cụ già rất tinh anh trong chuyến đi tới Hà Đông. Anh đã dùng đến từng chi tiết nhỏ để đưa người xem trở lại với những ký ức đau thương mà đầy hào hùng của Hà Nội để rồi thấy thật tự hào về quá khứ của Thủ đô và trân trọng cuộc sống của ngày hôm nay.

GS sử học Lê Văn Lan đã nói với Nguyễn Doãn Sơn rằng: “Chọn đề tài này là anh đã húc đầu vào đá. Chúc anh có đủ sức mạnh, nghị lực, tâm lực để đi đến tận cùng”. Khi nhìn lại quá trình đã đi qua, Doãn Sơn vẫn chưa hết hoảng hồn. Mặc dù đã được học Khoa Hoành tráng tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhưng bức tranh này thật sự quá sức đối với một họa sỹ. Mà điều khó khăn nhất chính là kinh nghiệm.

Chỉ riêng việc căng tấm toan có kích thước 9x2,1m cũng không phải đơn giản. Đã nhiều lần, Nguyễn Doãn Sơn phải bỏ đi tấm toan vừa mua về trị giá tới 8 triệu đồng vì không chịu được lực và khi căng lên không được phẳng. Và thay vì vải chịu lực, Nguyễn Doãn Sơn đã mày mò ra cách làm dùng thép chịu lực, tấm vải chỉ trải ra. Hơn nữa, khi vẽ chi tiết cho từng bức tranh trích đoạn có kích thước khoảng 2m, Nguyễn Doãn Sơn muốn “ngất xỉu” vì quá sức.

Duyên nợ với đề tài lịch sử

Trong khi các họa sỹ trẻ tỏ ra không mấy mặn mà với đề tài lịch sử, Nguyễn Doãn Sơn lại tự nhận thấy mình là người có duyên nợ với lịch sử dân tộc. Khi Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, Doãn Sơn nghĩ rằng đây là cơ may cho mình. Nhưng cũng có người thắc mắc kích thước của bức tranh có cần phải làm to gấp 21 lần so với một bức tranh bình thường, anh đã trả lời rằng: “Lịch sử ngàn năm của Thăng Long đồ sộ gấp ngàn lần hơn thế, tại sao chúng ta phải thu nhỏ bề dày ngàn năm văn hiến vào cái khuôn khổ chật hẹp”.

Những người cựu chiến binh đã từng trải qua năm 1946 tại Hà Nội đã đến tận xưởng vẽ để động viên Nguyễn Doãn Sơn và cho rằng việc làm này là cần thiết để những thế hệ sau hiểu và biết hơn về lịch sử của mảnh đất ngàn năm. Sau 3 năm, với những nỗ lực không biết mệt mỏi, bức tranh đã hoàn thành và nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa” được coi là bản anh hùng ca Hà Nội bằng tranh. Đấy chính là điều hạnh phúc lớn nhất đối với Doãn Sơn.

Thở phào nhẹ nhõm khi tác phẩm hoàn thành, nhưng cái khó khác lại lóe lên. Nguyễn Doãn Sơn muốn có một cuộc triển lãm thật sự trọn vẹn khi không chỉ ra mắt tác phẩm mà còn giúp công chúng hiểu được quá trình hình thành nên tác phẩm. Hay cụ thể hơn, anh muốn trưng bày những hình ảnh, những dấu tích hiện vật trong bức tranh cho thấy Thăng Long - Hà Nội đã trải qua 1.000 năm đấu tranh và phát triển. Nhưng bao nhiêu tiền dành dụm và hỗ trợ sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội LHVHNTVN, của Quỹ giải thưởng Bùi Xuân Phái đã dồn hết cho chi phí sáng tác. Trong khi đó, chi phí cho một cuộc triển lãm cũng không ít bởi bức tranh quá lớn. Nguyễn Doãn Sơn cho biết: “Tôi đã cố gắng rất nhiều nhưng từ nay đến Tết chỉ còn 1 tháng, hy vọng về một cuộc triển lãm đầy đủ vào dịp đầu năm mới rất mỏng manh”.

Phạm Thu Hương