Đã hết chỗ lùi

ANTD.VN - Trong mấy năm qua, làn sóng các tập đoàn lớn của nước ngoài xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng dồn dập, lớp sóng sau cao hơn, mạnh hơn lớp trước. Trước tình cảnh hàng ngoại lấn át, chèn ép hàng Việt vốn đã sẵn lép vế và yếu thế về vốn, kinh nghiệm lẫn sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt rõ ràng không còn chỗ để lùi nếu muốn tồn tại.

Chỉ gần 3 năm nay, các doanh nghiệp Thái Lan đã nắm trong tay 4 chuỗi siêu thị lớn bậc nhất Việt Nam, chiếm 50% thị trường mảng bán lẻ. Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam dí dỏm so sánh hình ảnh môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam hấp dẫn như “người tình của thế giới”. Người Thái không muốn chậm chân, chỉ đứng xa chiêm ngưỡng “người tình”, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc đã có mặt từ lâu.

Trước cuộc đổ bộ ồ ạt của hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản... nhiều nhà sản xuất trong nước không còn đường lùi, chỉ còn một lối thoát duy nhất là buộc phải chuyển mình, thay đổi quyết liệt và chụm lại thành một khối rắn chắc để đủ sức cạnh tranh và tồn tại ngay trên sân nhà.

Rõ ràng đây là cuộc chiến không cân sức khi bước vào các sạp chợ, siêu thị ở các thành phố lớn, hàng Việt thuộc nhóm có doanh thu cao như quần áo, chất tẩy rửa, gia vị, bánh kẹo, đồ gia dụng... không còn được bằng một nửa khi trước, thay vào đó hàng Nhật, Thái, Malaysia, Mỹ chễm chệ ở những chỗ đẹp nhất. Ngay tại các chợ truyền thống, mảnh đất màu mỡ của hàng Việt cũng bị mất tới một nửa thị phần. 

Một số doanh nghiệp Việt thừa nhận, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài phân phối hàng hóa rất bài bản, chi mạnh tiền cho kênh bán hàng siêu thị, ngoài chợ ưu đãi hậu hĩnh cho các đầu mối lớn. Bản thân doanh nghiệp Việt nhận thức được nhưng đua không nổi vì yếu hơn.

Điều này không thể phủ nhận, song chẳng lẽ ngồi nhìn thị phần mất dần? Giám đốc một số công ty khẳng định, nếu không muốn bị hàng ngoại hất cẳng ra ngoài thì phải mạnh dạn đầu tư sâu vào những sản phẩm có thế mạnh, thay đổi quy trình sản xuất. Đặc biệt hợp tác với các công ty giao nhận, wesbsite kinh doanh, thương mại điện tử.

Hàng Việt, doanh nghiệp Việt đã hết chỗ để lùi, vì thế phải gắn kết khăng khít giữa nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng, nhà phân phối phải bắt tay chặt với nhà sản xuất. Việc thu mua gạo, thịt, cá, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây cũng tập trung tạo các địa phương vùng nguyên liệu, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng đầu vào, đảm bảo đầu ra phân phối đến điểm bán hàng trong hệ thống siêu thị, chợ trên cả nước. Cách tự vệ tốt nhất là phản công, không bị động để hàng ngoại dồn vào sát chân tường.