Cựu Tổng thống Pháp: Crimea có lí khi đồng ý sáp nhập vào Nga

ANTĐ -  Crimea không hề có lỗi khi rời một Ukraine đang trong cơn khủng hoảng và sáp nhập vào Nga, cựu Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy cho biết và nhận định rằng Ukraine không thể gia nhập NATO.

“Chúng ta có chung một nền văn minh với Nga. Lợi ích của nước Mỹ trước nước Nga không phải là lợi ích của châu Âu và Nga. Chúng ta không muốn Chiến tranh lạnh trở lại giữa châu Âu và Nga”, cựu Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy phát biểu trước Quốc hội Pháp.
Cựu Tổng thống Pháp: Crimea có lí khi đồng ý sáp nhập vào Nga ảnh 1Cựu Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy

Liên quan tới việc Crimea lựa chọn tách rời khỏi Ukraine khi đất nước đang chìm trong khủng hoảng chính trị, ông Sarkozy cho rằng cư dân của bán đảo này không nên bị đổ lỗi cho hành động trên: “Crimea đã lựa chọn Nga và chúng ta không nên đổ lỗi cho họ vì hành động này. Chúng ta phải tìm ra những biện pháp nhằm thành lập lên một lực lượng gìn giữ hoà bình nhằm bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine”.

Vào tháng 3-2014, hơn 96% người dân bán đảo Crimea đã đồng ý trong cuộc dân ý về lựa chọn sáp nhập vào Nga. Quyết định này đã tạo nên một làm sóng phản đối từ các nước phương Tây và sau đó là một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga.

Nói về nguyện vọng gia nhập EU của Kiev trong tương lai gần, ông Sarkozy cho biết ông có cùng quan điểm với một vài lãnh đạo EU. “Rất khó để Ukraine gia nhập EU. Ukraine nên tiếp tục đóng vai trò như một cầu nối giữa Nga và châu Âu”, ông Sarkozy cho hay. 

Trong khi phương Tây tiếp tục chỉ trích Nga trong việc sáp nhập bán đảo Crimea, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định vào hôm 8-2 rằng cư dân Crimea có quyền tự lựa chọn số phận của mình. Điều này đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới, ví như Kosovo, khi nước này được cho phép li khai khỏi Xéc-bi và thành lập một nhà nước có chủ quyền riêng.

Vào hôm 7-2, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi Kiev trao nhiều quyền tự chủ hơn cho khu vực Donetsk và Lugansk. Phát biểu này đến sau khi ông Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Kiev và sau đó là Moscow để tìm ra một giải pháp hoà bình mới cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.