“Cứu” ngành Khoa học xã hội: Cách nào?

ANTĐ - Thí sinh theo học khối ngành Khoa học xã hội ngày càng giảm, và năm 2011 tình trạng này đã đến mức báo động khi tỷ lệ thí sinh đăng ký thi đại học khối C chỉ còn 4,44%; ở cấp trường phổ thông, không ít trường trống Ban Khoa học xã hội. Đó là lựa chọn tất yếu của học sinh trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay, nhưng hậu quả của nó thì ai cũng nhìn thấy được. Vậy cần hay không một giải pháp tổng thể để vực lại ngành Khoa học xã hội?

Trường hợp của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), dẫu đứng trong số các trường khá dễ dàng về tuyển sinh và điểm tuyển đầu vào thuộc nhóm cao, nhưng bình quân mỗi năm số thí sinh thi khối C cũng giảm khoảng 10%, tính trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiều ngành phải lấy cận điểm sàn mới đủ học viên. Ở các trường khác, tình trạng còn thê thảm hơn, không ít trường phải chấp nhận xét tuyển chỉ bằng điểm sàn mà vẫn không đủ chỉ tiêu, tệ hại hơn là phải đóng ngành, ngừng tuyển sinh… Sự sụt giảm này là có hệ thống, là một xu hướng trong thực tế chứ không phải hiện tượng bất thường, nhất thời.

Việc thí sinh đăng ký thi khối C giảm thê thảm đồng nghĩa với việc thí sinh đang quay lưng với các ngành Khoa học xã hội. Điều này đã dễ dàng nhận thấy ở ngay cấp học phổ thông, đa số thí sinh không mặn mà với ban Khoa học xã hội, nhiều trường không có ban này. Số thí sinh theo học ban Khoa học xã hội và thi khối C phần lớn ở nông thôn với kết quả học tập không cao. Vì vậy dẫn đến điểm thi khối C ngày càng thấp, nguồn nhân lực cho các ngành Khoa học xã hội vì thế không chỉ ít đi mà còn suy giảm nghiêm trọng về chất lượng.

Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, hầu hết các chuyên gia tập trung vào hai khía cạnh. Một là do các ngành Khoa học xã hội ngày càng kém thu hút được nhân lực vì tìm việc khó khăn, lương thấp… Hai là việc giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên ở các cấp học hiện nay quá khô cứng, thiên về học thuộc lòng, không hấp dẫn học sinh khiến học sinh quay lưng với môn học. Tại bậc đại học, giáo trình của những môn học này thường nặng về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, xa rời thực tiễn, không tạo hứng thú cho sinh viên.

Hậu quả của vấn đề này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV) nêu ý kiến: “Học sinh ngày nay chú ý và theo đuổi các ngành như công nghệ, kỹ thuật,  kinh tế, tài chính, ngân hàng… nhiều hơn bởi cơ hội việc làm lớn hơn, thu nhập cao hơn. Cũng có nghĩa là người Việt bây giờ, đặc biệt là giới trẻ đặt vấn đề lợi ích lên cao hơn, thực dụng hơn. Có nhiều người cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua diễn ra quá mạnh mẽ, nó cần nguồn nhân lực lớn, tạo thành cơn lốc xoáy cuốn nguồn nhân lực vào đó, làm lu mờ các lĩnh vực xã hội và nhân văn khác. Theo tôi điều này cũng có một phần đúng, nhưng nó không phải là quy luật thông thường của các quốc gia trong quá trình phát triển. Kinh tế phát triển, đời sống con người nâng cao thì các lĩnh vực xã hội, nhân văn, nghệ thuật cũng đương nhiên phải có thêm sức mạnh để phát triển  chứ không thể vì thế mà lụi tàn. Sự phát triển nền kinh tế mà tạo ra sự khủng hoảng về xã hội và nhân văn như vậy là sự phát triển không bình thường”.

Còn đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần có những khảo sát thực trạng để làm căn cứ đánh giá giải thích nguyên nhân của tình trạng này. Bộ đã có một số biện pháp như hạn chế cho các trường mở tràn lan các ngành Khoa học xã hội, nhưng đó mới chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần có một chính sách đồng bộ để vực dậy khối Khoa học xã hội.

Vì sao khối C suy giảm?
K  hối C tụt giảm theo tôi có hai lí do. Lí do trước hết là thuộc xã hội, khối C ra trường khó kiếm việc, kiếm được việc thì cũng lay lắt. Nhưng còn có một nguyên nhân nữa thuộc về ngành giáo dục. Từ lâu lắm rồi, qua các kết quả thi cử mới thấy việc học khối C thật thảm hại. Bởi chỉ cần thuộc bài, và làm theo văn mẫu. Có cần gì đến thông minh, sáng tạo hoặc sự giàu có về cảm xúc, tâm hồn. Học sinh theo khối C thường là những em không thể theo các khối khác, nguy hại hơn ngay cả các em giỏi văn giờ cũng không muốn theo học khối C, nếu theo học khối C thì cũng chỉ hướng tới các ngành thời thượng như báo chí, quan hệ công chúng… chứ không mặn mà với khoa học nhân văn.
Đầu vào thấp nên đầu ra giáo viên dạy văn cũng rất thấp, cả về tri thức lẫn khả năng sư phạm. Chương trình dạy - học văn của chúng ta quá đơn điệu, nhàm chán. Hàng chục năm nay vẫn những đoạn trích đó, những bài văn mẫu đó trong khi thời đại đã thay đổi, văn chương cũng khác, tác phẩm cũng nhiều...
GS Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học)
Nên bỏ phân ban ở cấp học phổ thông
Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích, ưu đãi, chăm lo cho các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tới người học, người nghiên cứu… Tôi nghĩ hướng giải pháp như vậy cần thiết, nhưng mới chỉ đúng một phần. Hướng này chủ yếu cho các ngành cơ bản, có liên quan tới chiến lược và lợi ích quốc gia. Còn để có được sự thay đổi mang tính gốc rễ, cần có một giải pháp tổng thể, có hệ thống, có điều tiết vĩ mô trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần phải có những biện pháp để đối phó uốn nắn sự thay đổi trong định hướng giá trị của xã hội theo hướng lệch lạc.
Một yếu tố có tính kỹ thuật nữa, theo tôi là nên bỏ phân ban ở bậc học phổ thông  càng sớm càng tốt, vì ngay cả các ban này cũng chưa  phải là những tri thức thực sự cần thiết cho nghề nghiệp sẽ chọn. Học sinh chưa hiểu nghề mà đăng ký học theo ban, sau khi học rồi mới tìm hiểu thì việc chọn nghề đã bị hạn định từ lúc chưa hiểu về nó mất rồi. Việc phân ban sẽ tạo ra sự học lệch lạc, phát triển không cân đối, nó đi ngược lại với tinh thần giáo dục con người phát triển toàn diện.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội)
Hết sức đáng lo ngại
Năm nay, trong hơn 2.000 hồ sơ của học sinh trường Lương Thế Vinh, hơn 50% nộp vào các trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương Mại… Nhà trường chỉ có ban A và ban D vì thế nhà trường không có thí sinh dự thi khối C.
Theo tôi, thí sinh quay lưng với khối C là xu thế rất bình thường hiện nay. Ở đâu ra trường có việc làm tốt, có lương cao thì các thí sinh đăng ký dự thi. Thực tế hiện nay các ngành Sư phạm, Khoa học nhân văn ra trường cũng rất khó xin việc. Sự sụt giảm này là tất nhiên bởi đầu ra của nhóm ngành xã hội thấp, cách dạy, sách giáo khoa, chương trình của chúng ta lặp đi lặp lại, ít đổi mới làm giảm đi sự hứng thú trong học tập của học sinh. Nếu không có gì thay đổi, sự sụt giảm này sẽ còn tiếp tục. Đó là điều hết sức đáng ngại. Việc tập trung vào phát triển kinh tế, sáng tạo các công cụ kỹ thuật phục vụ đời sống, sản xuất là cần thiết nhưng nếu một xã hội mà không chú trọng khoa học xã hội nhân văn, con người sẽ phát triển thế nào?
PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Không thể trách người học
Tôi có một số người bạn đang học tập hoặc làm việc tại nước ngoài, họ chủ yếu học về ngành Khoa học xã hội như: Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế... Họ thực sự không lo lắng vì đầu ra của mình và học tập hết sức hứng thú. Nhưng khi tôi hỏi họ nếu ở Việt Nam thì sao, họ nói chưa  cần quan tâm đến đầu ra mà chính sự mênh mông, nặng nề của các môn học khối C là điều họ đáng ngại nhất.
Bản thân tôi thì thấy rõ sự èo uột của các ngành khoa học xã hội như thế nào. Các bạn tôi, những bạn theo khối A, B hay D và thi vào các trường Kinh tế, Y dược… thì rất được coi trọng, ra trường hiện tại mức lương hàng chục triệu đồng. Ngược lại, các bạn theo khối C thì chấp nhận xin vào các cơ quan Nhà nước với mức lương hơn triệu bạc, trong đó có bạn trước đây thực sự có năng khiếu về văn. Theo tôi, đây chính là rào cản lớn nhất khiến các bạn học sinh quay lưng với khối C. Đời sống kinh tế của ta còn thấp, bởi vậy người học nhìn đại học như một cách thoát nghèo, và đương nhiên như vậy họ cần chọn những ngành học dễ kiếm việc, thu nhập cao. Không thể trách họ được.
Chị Hà Thị Thúy (Phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội)