Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị đề nghị đến 26 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 26-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo, do có các sai phạm liên quan đến chứng khoán.

Trước đó vào sáng 25-7, HĐXX đã kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Bước vào phần tranh tranh luận, đại diện Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm luận tội. Đại diện VKS cho rằng cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan là có căn cứ, đúng pháp luật.

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Theo đại diện VKS, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư, huy động vốn cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm. Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển thị trường chứng khoán, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Các bị cáo là những người am hiểu thị trường chứng khoán nhưng đã có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, làm suy giảm niềm tin, tác động tiêu cực đến công tác quản lý Nhà nước và thị trường chứng khoán.

Với tinh thần nghiêm trị các bị cáo cầm đầu, giữ vai trò chính và khoan hồng với các bị cáo giữ vai trò thứ yếu, biết ăn năn, hối cải, VKS đã xem xét toàn diện hành vi của từng bị cáo cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết, đại diện VKS cho rằng đây là bị cáo chủ mưu, hành vi, thủ đoạn tinh vi. Bị cáo lợi dụng sơ hở pháp luật về góp vốn, niêm yết cổ phiếu thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 3.600 tỷ đồng, thao túng thị trường chứng khoán để hưởng lợi bất chính hơn 680 tỷ đồng.

VKS ghi nhận thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện dùng toàn bộ tài sản để khắc phục vụ án của Trịnh Văn Quyết. Thế nhưng đến nay, bị cáo này mới khắc phục hơn 200 tỷ đồng, không đáng kể so với hậu quả vụ án.

Do vậy, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết mức án từ 19 - 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 5-6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội danh là từ 24 - 26 năm tù.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại tòa.

Hai em gái bị cáo Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị mức án từ 13 - 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 4 - 5 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là từ 17 - 19 năm tù. Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 - 4 năm tù tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt là từ 10 - 12 năm tù.

Ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM - HOSE) bị đề nghị từ 8 - 9 năm tù; bị cáo Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ (cùng là cựu Phó tổng giám đốc HOSE) cùng bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm và bị cáo Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết chứng khoán) bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù.

Với tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng, thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) bị đề nghị mức án từ 36 - 42 tháng tù.

Tiếp đến là bị cáo Dương Văn Thanh (cựu Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) bị đề nghị mức án từ 24 - 30 tháng tù và bị cáo Phạm Trung Minh (cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) bị đề nghị từ 18 - 24 tháng tù.

Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị từ 18 - 24 tháng tù và từ 14 - 16 năm tù, tương ứng với các tội danh bị truy tố.

Theo cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu, sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư. Trong vụ án, có 7 bị cáo thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước đã có hành vi sai phạm, tạo điều kiện cho Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tăng vốn, niêm yết và bán cổ phiếu để chiếm đoạt tiền.

Ở hành vi thao túng chứng khoán, với mục đích thu lợi bất chính thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của các công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 người để thành lập, đứng tên doanh nghiệp và mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán.

Sau đó, sử dụng các tài khoản này đặt lệnh mua bán liên tục, mua bán khớp nội nhóm, mua bán khối lượng lớn vào thời điểm mở cửa, đóng cửa thị trường, đặt lệnh rồi hủy lệnh nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.