- Cần “bịt” mọi “lỗ hổng” trong quản lý xăng dầu từ vụ Xuyên Việt Oil
- Cách thức bà “trùm” Xuyên Việt Oil chiếm dụng hàng trăm tỷ đồng bình ổn xăng dầu
- Lý do bà “trùm” Xuyên Việt Oil chiếm dụng được hàng trăm tỷ đồng bình ổn giá xăng dầu
Theo đó, phiên tòa do Thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa với Hội đồng xét xử gồm 5 thành viên. Viện kiểm sát TP HCM thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động xét xử gồm 6 kiểm sát viên. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 2 tuần.
Tham gia phiên tòa bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi của người liên quan có hơn 30 luật sư. Trong đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - Lê Đức Thọ có 2 luật sư bào chữa; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải mời 2 luật sư bào chữa và bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) có 3 luật sư bào chữa…
|
Cựu Bí thư tỉnh Bến Tre - Lê Đức Thọ và cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải tại phiên tòa. |
Mở tòa xét xử các bị cáo, TAND TP HCM xác định, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Tòa án cũng xác định, triệu tập hơn 90 tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan đến vụ án và các bị cáo.
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Trong đó, bị cáo Lê Đức Thọ - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đỗ Thắng Hải bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch Công ty Xuyên Việt Oil) bị truy tố về 2 tội danh là "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Các bị cáo còn lại lần lượt bị truy tố các tội danh tương ứng nêu trên.
Cựu Bí thư tỉnh nhận hàng trăm nghìn USD
Theo cáo trạng, quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Xuyên Việt Oil, bị cáo Hạnh có những hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và nhiệm vụ thu hộ, chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước gây thiệt hại tổng cộng 1.463 tỷ đồng.
Cụ thể, từ năm 2018, Mai Thị Hồng Hạnh quen biết Lê Đức Thọ do Công ty Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với ngân hàng nơi bị cáo Thọ làm Chủ tịch HĐQT. Hạnh nhờ Thọ giúp đỡ cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil và 2 lần đưa hối lộ cho bị cáo Thọ với tổng cộng 600.000 USD.
|
Cựu Bí thư tỉnh Bến Tre - Lê Đức Thọ. |
Với hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, cáo trạng xác định, năm 2021, Lê Đức Thọ được điều động, phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre.
Để nâng cao uy tín bản thân, bị cáo Thọ đề nghị Mai Thị Hồng Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại Bến Tre để nộp thuế nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Đổi lại, công ty này sẽ được tạo điều kiện về thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại địa phương.
Với thỏa thuận trên, Hạnh sau đó thành lập Công ty CP Việt Oil tại Bến Tre và xin vay vốn tại ngân hàng, nơi Thọ từng giữ chức vụ quản lý. Bí thư Thọ vì thế nhiều lần gặp, gọi điện thoại cho giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Bến Tre tác động, tạo điều kiện cho bà “trùm” xăng dầu.
Khi biết thông tin chi nhánh ngân hàng tại Bến Tre dự kiến thu phí 100 triệu đồng với tài khoản số đẹp cấp cho Công ty Việt Oil, Lê Đức Thọ yêu cầu lãnh đạo chi nhánh ngân hàng miễn khoản thu này.
Quá trình xin vay vốn, ngân hàng phê duyệt cấp giới hạn tín dụng 400 tỷ đồng cho Công ty Việt Oil với tỷ lệ tài sản đảm bảo 50%, tín chấp 50%, nhưng không được phê duyệt. Lý do là vì Công ty Xuyên Việt Oil (Công ty mẹ của Công ty Việt Oil) đang được cấp tín dụng với tỷ lệ tài sản đảm bảo là 80%, tín chấp là 20%.
Chi nhánh ngân hàng đã thông báo cho Mai Thị Hồng Hạnh nhưng bị cáo này yêu cầu tỷ lệ tín chấp từ 40% trở lên thì Hạnh mới đồng ý vay vốn. Biết việc này, Thọ yêu cầu chi nhánh ngân hàng khẩn trương thẩm định, lập hồ sơ trình hội sở ngân hàng phê duyệt giới hạn tín dụng theo đề nghị của Mai Thị Hồng Hạnh.
Hối lộ để được tạo điều kiện cấp giấy phép
Cũng theo tài liệu truy tố, năm 2021, khi giấp phép kinh doanh xăng dầu của Xuyên Việt Oil hết hạn, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đã có hành vi tác động, đưa hối lộ cho nhóm lãnh đạo, cán bộ Bộ Công Thương để được cấp lại. Những người này gồm Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương); Trần Duy Đông và Hoàng Anh Tuấn, lần lượt là cựu Vụ trưởng và Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương.
|
Bà "trùm" xăng dầu Mai Thị Hồng Hạnh. |
Cụ thể, tháng 6-2021, giấy phép của Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn nhưng không đủ điều kiện để được cấp lại nên Mai Thị Hồng Hạnh chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng, (Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Xuyên Việt Oil) liên hệ, hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công Thương để được “tạo điều kiện cấp lại”.
Đồng thời, bị cáo Hạnh nhờ Đỗ Thắng Hải (khi đó là Thứ trưởng Bộ Công Thương) giúp đỡ cấp giấy phép xăng dầu và được giới thiệu gặp Hoàng Anh Tuấn. Bị cáo Tuấn báo cáo lại việc này cho Vụ trưởng Trần Duy Đông và hai người thống nhất tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil theo chỉ đạo của Thứ trưởng Hải.
Ngày 17-6-2021, Mai Thị Hồng Hạnh đưa 10.000 USD cho Nguyễn Văn Thắng để tặng số tiền này cho Hoàng Anh Tuấn. Tuy nhiên khi gặp nhau, Thắng chỉ đưa 5.000 USD, còn lại 5.000 USD được chuyển vào quỹ Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội.
Một tuần sau, Nguyễn Văn Thắng nộp hồ sơ của Xuyên Việt Oil nhưng Hoàng Anh Tuấn ký thông báo về việc chưa chấp thuận cấp lại giấy phép cho Xuyên Việt Oil vì chưa đáp ứng điều kiện về cầu cảng chuyên dụng, kho tiếp nhận xăng dầu và hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Do vậy, Mai Thị Hồng Hạnh liên lạc lại với Tuấn để nhờ giúp đỡ và được tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Xuyên Việt Oil sau đó mua thêm doanh nghiệp khác để đủ số lượng về đại lý bán lẻ theo điều kiện cấp phép rồi nộp lại hồ sơ.
Bị cáo Hạnh khi ấy mua 300.000 USD đưa cho cấp dưới là Nguyễn Văn Thắng để đi hối lộ nhằm giúp hồ sơ được thông qua. Bị cáo Thắng giữ lại 50.000 USD và mang 250.000 USD còn lại tới phòng làm việc của Trần Duy Đông, nói “chị Hạnh có quà gửi cho anh”. Sau khi Thắng ra về, hai lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước là Đông và Tuấn chia nhau số tiền này.
|
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa. |
Tháng 11-2021, Bộ Công Thương có đoàn kiểm tra do Hoàng Anh Tuấn làm trưởng đoàn đi kiểm tra điều kiện cấp phép cho Xuyên Việt Oil. Trong lần này, bị cáo Hạnh lại chỉ đạo hối lộ Tuấn 10.000 USD.
Chính vì thế mà Xuyên Việt Oil đạt tiêu chuẩn, rồi được cấp giấy phép kinh doanh đến năm 2026. Ngay sau đó, Mai Thị Hồng Hạnh đến gặp Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải “cảm ơn” bằng số tiền 50.000 USD.
Cơ quan tố tụng xác định, để xin cấp lại Giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Xuyên Việt Oil, bà “trùm” xăng dầu Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ tổng cộng 365.000 USD cho lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước và lãnh đạo Bộ Công Thương. Trong đó, bị cáo Đỗ Thắng Hải nhận hối lộ trực tiếp từ Mai Thị Hồng Hạnh 50.000 USD, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng.