Cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam” bị hủy đột ngột: Mỗi bên một lý lẽ

ANTĐ - Quyết định hỏa tốc hủy bỏ cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam do Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương ký ngày 1-6 đã lập tức nhận được sự phản hồi từ phía Công ty Quảng cáo và Truyền thông Rồng Việt, đơn vị tổ chức cuộc thi. 

Trao đổi với báo giới ngày 2-6, tức là chỉ sau một đêm quyết định hủy bỏ cuộc thi được đưa ra, Giám đốc Công ty Rồng Việt Nguyễn Quang Phong cho biết, Công ty Rồng Việt sẽ khiếu nại và khởi kiện đối với Quyết định 215/QĐ-NTBD ngày 1-6-2013 về việc thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013” của Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Lý do là, bên cạnh những thiệt hại về tài chính (khoảng 2 tỷ đồng) thì quyết định hủy bỏ cuộc thi đã gây ra những tổn thất lớn hơn, không chỉ là uy tín, danh dự của doanh nghiệp mà còn là niềm tin của 40 thí sinh. Hơn thế, quyết định thu hồi việc tổ chức cuộc thi được đưa ra quá vội vàng. Chỉ trong vòng 30 giờ đồng hồ, phía Công ty Rồng Việt nhận được thông báo mời họp với đoàn kiểm tra qua điện thoại, rồi nhận quyết định thu hồi giấy phép qua fax.

Tuy vậy, Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại đưa ra những căn cứ rất rõ để khẳng định việc hủy bỏ cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam là hoàn toàn đúng trình tự pháp luật. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, đó là “những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Chỉ cần một trong số những sai phạm mà Rồng Việt phạm phải cũng đủ để Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra quyết định thu hồi, không cần nói tới đó là hàng loạt những sai phạm nối tiếp nhau.

Có thể kể ở đây như 105 thí sinh vào vòng sơ tuyển thì chỉ có 59 thí sinh có hồ sơ, có 23 hồ sơ đầy đủ theo quy định. Trong 40 thí sinh lọt vào vòng trong, có 4 thí sinh không có hồ sơ, 8 thí sinh chỉ có đơn không mà không có các giấy tờ khác, 1 thí sinh viết đơn không ký tên. Điều này vi phạm nghiêm trọng Nghị định 79 của Chính phủ về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu. Một trong những điều khoản của Nghị định này quy định, các thí sinh phải có đầy đủ hồ sơ, BTC xét rồi mới triệu tập thí sinh dự thi vào vòng sơ tuyển. Trong quá trình sơ tuyển, BTC không ban hành quy chế chấm thi, không thành lập HĐGK, quy chế hoạt động HĐGK. Vậy 114 thí sinh có 40 thí sinh vào vòng trong, ai chấm, cơ sở nào để đưa vào vòng trong, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.