Cuộc tập trận hạt nhân của Nga được ông Putin giám sát khiến nước Mỹ dậy sóng

ANTD.VN - Cuộc tập trận hạt nhân của Nga huy động cả 3 thành phần trên không, mặt đất và dưới biển đã khiến giới chức quân sự Mỹ phải quan tâm đặc biệt.

"Cuộc tập trận hạt nhân của Nga do đích thân Tổng thống Vladimir Putin chỉ huy nên được coi là một tín hiệu đối với Mỹ và các đồng minh NATO", ý kiến trên được nhà khoa học chính trị - quân sự Andrey Koshkin cho biết.

Vào ngày 19/2/2022, Nga bắt đầu tiến hành cuộc diễn tập theo kế hoạch với sự tham gia của bộ ba hạt nhân. Đồng thời theo dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng nước này, sự kiện diễn ra dưới sự theo dõi trực tiếp của Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga - Tổng thống Vladimir Putin.

Có thông tin cho rằng trong cuộc tập trận, các vụ phóng tên lửa hành trình và đạn đạo sẽ được thực hiện, và Lực lượng Hàng không vũ trụ, Quân khu phía Nam, Lực lượng Tên lửa Chiến lược, Hạm đội Phương Bắc cũng như Hạm đội Biển Đen sẽ tham gia.

Cuộc diễn tập sắp tới là cần thiết để kiểm tra khả năng sẵn sàng của cơ quan chỉ huy và kiểm soát quân sự, các kíp chiến đấu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, cũng như độ tin cậy của vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia của Hiệp hội các nhà khoa học chính trị quân sự, Đại tá dự bị Andrei Koshkin trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitRussia đã lưu ý rằng sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị vô cùng căng thẳng.

“Tình hình bây giờ nói thẳng ra là rất khó khăn. Sự kích động đang được thổi phồng bởi truyền thông phương Tây về một cuộc chiến tranh nào đó nhằm vào Ukraine".

"Dĩ nhiên Mỹ sẽ không giảm mức độ của áp lực này. Trong bối cảnh đó, các biện pháp 'trừng phạt địa ngục' chống lại Liên bang Nga đang được thảo luận, mặc dù thực tế là 'cuộc xâm lược' này vẫn không tồn tại và sẽ không bao giờ xảy ra".

"Nói cách khác, cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân chiến lược diễn ra vào thời điểm đất nước chúng ta đang phải chịu áp lực từ bên ngoài cực kỳ lớn”, chuyên gia Andrei Koshkin giải thích.

Theo ông Koshkin, việc Nga quyết định tiến hành cuộc tập trận hạt nhân do đích thân Tổng thống Vladimir Putin chỉ huy nên được coi như một loại tín hiệu gửi tới Mỹ và các đồng minh NATO của họ.

“Trong tình huống khó khăn này, đột nhiên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Milli thông báo rằng các cuộc tập trận của bộ ba hạt nhân mà Nga thường tiến hành vào cuối năm đột ngột hoãn lại đến tháng 2".

"Và điều này khiến nước Mỹ dậy sóng, khi giới chức quân sự và chính trị tại Washington bắt đầu nhận ra rằng Nga đang đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao”, ông Koshkin nói.

Chuyên gia Koshkin lưu ý rằng cuộc tập trận mang tên Grom nói trên luôn là bài kiểm tra chỉ huy và tham mưu. Tuy nhiên tầm quan trọng của chúng đối với lực lượng tên lửa chiến lược khó có thể được đánh giá quá cao.

Mục đích chính của sự kiện là trở thành bài thử nghiệm đối với tất cả các hệ thống điều khiển tự động của kho vũ khí tên lửa hạt nhân chiến lược của nước Nga.

“Điều tự nhiên là cá nhân Tư lệnh tối cao muốn đảm bảo rằng mọi thứ đều tốt như những gì đã được báo cáo cho ông ấy. Rốt cuộc theo thống kê, hơn 71,2% Quân đội Nga đã nhận được thiết bị hiện đại hóa".

"Đối với riêng Lực lượng Tên lửa Chiến lược, con số này còn cao hơn, tức là mức độ sẵn sàng chiến đấu của họ vượt trội hơn hẳn so với các loại quân binh chủng khác".

"Vì vậy tôi nghĩ rằng cuộc tập trận hạt nhân do Tổng thống Putin giám sát sẽ làm tỉnh táo những cái đầu nóng tại Mỹ, khi họ có ý định áp dụng các biện pháp cực đoan, dẫn đến việc cắt đứt quan hệ với Nga”, ông Andrey Koshkin kết luận.