Cuộc tấn công tên lửa của Nga làm lộ ra điểm yếu của phòng không Ukraine

ANTD.VN - Lực lượng phòng không Ukraine đã bộc lộ điểm yếu lớn sau cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn vừa được Nga thực hiện.

Cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn gần đây của Nga khiến lực lượng phòng không Ukraine phải đi tới lựa chọn khó khăn đó là triển khai các hệ thống đánh chặn của mình trong thành phố hoặc sử dụng chúng để tiếp tục phản công.

"Trận tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái cảm tử nhằm vào các thành phố lớn nhất của Ukraine đã phơi bày điểm yếu của lực lượng phòng không nước này", một quan chức quân sự phương Tây giấu tên nói với ấn phẩm The Drive.

Vị quan chức trên tiết lộ rằng trong cuộc phản công, lực lượng vũ trang Ukraine đã phải chuyển một phần hệ thống phòng không ra tiền tuyến, điều này tạo ra những lỗ hổng trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng.

Theo nhận xét, Quân đội Ukraine đang thiếu hụt các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và có độ chính xác cao. Kyiv hiện chỉ sở hữu những hệ thống S-300 và Buk từ thời Liên Xô vốn đã quá cao tuổi và giảm độ tin cậy.

Việc thiếu hụt những hệ thống phòng không lục quân chuyên dụng, có khả năng đi theo đội hình tiến quân của những binh đoàn cơ giới buộc Ukraine phải tăng cường một số tổ hợp vốn dùng để phòng không điểm ra chiến trường.

Để lấp lỗ hổng trong lưới lửa bảo vệ bầu trời, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine không còn cách nào khác ngoài việc mong đợi nguồn lực từ bên ngoài sẽ giúp họ vượt qua khó khăn lớn này.

Như đã biết, trong một cuộc điện đàm gần đây, Tổng thống Mỹ Biden đã hứa với người đồng cấp Zelensky rằng Washington sẽ sớm cung cấp hệ thống phòng không NASMAS. Kyiv cũng mong đợi nhận được các tổ hợp IRIS-T từ Đức.

Những hệ thống phòng không tối tân do NATO sản xuất đặc trưng bởi khả năng tự động hóa cao và cảm biến cực nhạy, có thể nhanh chóng đưa ra phản ứng chống lại những vật thể có diện tích phản xạ radar nhỏ và hoạt động ở độ cao thấp.

Với những hệ thống như NASAMS hay IRIS-T, lực lượng phòng không Ukraine hy vọng rằng họ sẽ giải được bài toán đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp của Nga, vốn đang tỏ ra miễn nhiễm các tổ hợp đánh chặn đời cũ.

Ngoài các tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung, Ukraine còn mong muốn nhận thêm những hệ thống tầm xa với tầm bắn lớn như SAMP/T của Pháp khi nhận thấy tính năng của chúng cao hơn hẳn S-300PS/PT cổ điển mà mình sở hữu.

Những hệ thống như SAMP/T có thể kết hợp cùng IRIS-T hay Aspide tạo lập lưới lửa phòng thủ bầu trời thống nhất, trải dài trên mọi cự ly cũng như độ cao, nhất là khi chúng cùng được chế tạo theo chuẩn NATO.

Nhưng để đánh chặn tên lửa đạn đạo như Iskander-M, Ukraine cần thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa chuyên dụng. Trong trường hợp này hai ứng viên sáng giá nhất là Patriot PAC 3 của Mỹ cùng với MEADS của Đức.

Một vấn đề khác đối với lực lượng vũ trang Ukraine là việc Nga ngày càng sử dụng nhiều đạn tấn công giá rẻ, tương đối nhỏ và có khả năng bay xa, ví dụ UAV cảm tử sẽ được phóng đồng thời để tạo ra hiệu ứng bầy đàn, khiến các hệ thống phòng không tinh vi bị quá tải.

Ngoài ra khi chống lại những mục tiêu như UAV Geran-2, phía phòng thủ với tiềm lực hạn chế như Ukraine sẽ phải cân nhắc có phóng một quả đạn có giá tới vài triệu USD để diệt đối tượng rẻ tiền như vậy hay không?

Giải pháp mà Kyiv cân nhắc có lẽ tương tự Nga, đó là họ phải bố trí thêm "cận vệ" cho những hệ thống phòng không đắt tiền của NATO, nhưng thay vì Pantsir-S1 hay Tunguska thì sẽ là những người lính mang tên lửa vác vai.