Khoảng tối của Bắc Kinh:

Cuộc sống của “người chuột”

ANTĐ - Nếu không có trận mưa lũ khủng khiếp ấy, có khi người ta vẫn chưa biết, hoặc cố tình không biết tới một khoảng tối của Bắc Kinh - cuộc sống của “người chuột” dưới những căn hầm ẩm thấp, thiếu dưỡng khí và ẩn chứa đầy nguy cơ.
Cuộc sống của “người chuột”  ảnh 1
Một “gian phòng chết” giữa lòng Bắc Kinh hoành tráng


“Chôn sống” trong “gian phòng chết”

Vợ chồng Đằng Trường Phong và Vương Tĩnh, 33 tuổi, là người Sơn Đông, đến Bắc Kinh kiếm việc làm từ hơn 10 năm trước. Ban đầu, họ thuê nhà ở quận Phong Đài, mở một quán nước nhỏ. Sau vì việc buôn bán cũng chẳng mấy suôn sẻ, Trường Phong đến Thạch Cảnh Sơn làm thuê, còn Vương Tĩnh xin được chân tạp vụ trong một hiệu ảnh ở Ngũ Lý. Thu nhập thấp khiến họ buộc phải thuê một gian phòng dưới hầm dân phòng trong khu này để ở. “Lần nào mưa ở đây cũng ngập, nhưng không ngờ lần này lại bị chôn vùi trong nước. Nếu không sống ở đây, cô ấy chắc chắn không chết”, Trường Phong đau lòng nói.

Vì nơi làm thuê khá xa, nên đến cuối tuần Trường Phong mới về nhà, ngày thường chỉ có Vương Tĩnh cùng đứa con 6 tuổi của họ sống trong gian phòng “chết” đó. Đầu năm 2012, em trai Vương Tĩnh, Vương Hưng cũng đến Bắc Kinh tìm việc, thỉnh thoảng ghé lại thăm chị. Theo lời kể của Vương Hưng, chiều 21-7, anh ở đó cùng chị gái. Khoảng hơn 19h, nước mưa trên mặt đất bắt đầu ào ào đổ xuống, sau đó nhanh chóng vượt qua bậu cửa, tràn vào phòng. Hai chị em đành dùng chậu tát nước ra ngoài, song mực nước mỗi lúc một cao, họ quyết định đóng chặt cửa để ngăn không cho nước vào. Sau này mới biết đó là một quyết định sai lầm.

Ngay khi thấy nước lên quá đầu gối, những người hàng xóm của Vương Tĩnh đã nhanh chóng “trốn” lên mặt đất. Vài phút sau, có người quay lại lấy đồ, đã thấy nước ngập đến ngang lưng. Nhưng có lẽ vì đóng kín cửa, tiếng mưa lại quá lớn, nên hai chị em Vương Tĩnh không hay biết tình hình. Đến khi họ ý thức được hiểm nguy, cánh cửa đã không mở ra được vì sức nặng của nước. Họ chỉ biết gào lên kêu cứu trong tuyệt vọng. Hai người hàng xóm nghe thấy tiếng kêu, đã quay lại kéo cửa giúp, nhưng cánh cửa vẫn không suy chuyển. Khi đó nước đã lên ngang ngực, họ đành lên mặt đất tìm thêm người. Tuy nhiên sau đó, không ai quay lại. 

Khoảng 20h, do mực nước trong ngoài gần tương đương nên cuối cùng họ cũng mở được cánh cửa ra. Biết Vương Tĩnh không bơi được nên Vương Hưng cho chị đi trước, mình đẩy phía sau. “Vừa ra đến ngoài, tôi bị một áp lực cực mạnh hất tung người về phía sau”, Vương Hưng kể, sau này mới đoán khả năng do chập điện ở hành lang. Khi đó đã không còn thấy Vương Tĩnh đâu. Nghỉ một lát, Vương Hưng tiếp tục đi ra nhưng lại bị điện giật thêm một lần nữa, đến mức chân tay không còn cảm giác. Anh không dám đi thêm nữa, đành ngồi im trên đầu cánh cửa gỗ, chờ phép lạ. 

Khoảng 22h, lực lượng cứu hỏa mới đến được hiện trường. Xe cứu hỏa không vào được vì tắc đường, mấy viên cảnh sát mang theo máy bơm tiếp cận tòa nhà. Đến 24h, máy bơm hết xăng, việc cứu hộ bị đình trệ. Cho tới khi mực nước trong hầm chỉ còn 50cm, người ta mới vào được bên trong và tìm thấy xác Vương Tĩnh. Vương Hưng may mắn sống sót sau hơn 4 tiếng ngâm trong nước. 

Đầy rẫy nguy cơ

Dân cư sống trong hầm dân phòng ở tòa nhà số 16 đường Vạn Thọ phần lớn là lao động ngoại tỉnh, nhưng cũng có những trường hợp cá biệt như vợ chồng Nhiệm Vinh. Hai vợ chồng anh đều là viên chức, đã tốt nghiệp đại học, vợ anh thậm chí còn có hộ khẩu Bắc Kinh. Tuy nhiên, vì có 2 đứa con, lại muốn tiết kiệm một chút từ khoản lương tháng 4.000-5.000NDT để mua nhà nên họ buộc phải thuê phòng tại đây để sống. “Không gian lúc nào cũng ẩm ướt, người lớn còn không chịu nổi nữa là trẻ con”, Nhiệm Vinh cho biết. Đứa con gái nhỏ của anh vì sinh ra trong hầm ngầm, nên thường xuyên bị viêm hô hấp, đau ốm liên miên. Trận lụt lần này khiến đồ đạc trong nhà anh hỏng hết, gần như phải mua lại hoàn toàn. “Khoản tiết kiệm bỗng dưng sạch bách”, Nhiệm Vinh buồn phiền nói. 

Gian phòng kiểu Nhiệm Vinh ở có giá thuê 300 NDT/tháng (900.000VND) rộng hơn 10m2, đủ kê 2 cái giường đơn, khéo sắp xếp cũng có thể kê thêm tủ, bàn máy tính, ti vi… Hành lang khi đó được tận dụng làm bếp, nhà tắm, nơi để các vật dụng như xô chậu, nồi niêu, quần áo bẩn. Hơn 30 hộ với hàng chục khẩu có chung 2 nhà vệ sinh. Mỗi buổi sáng, cả gian hầm luôn trong tình trạng căng thẳng với vô vàn âm thanh hỗn tạp, như lời một cư dân ở đây mô tả thì đến tiếng đi tiểu, tiếng cởi quần cũng vang sang nhà hàng xóm.

Không gian dưới đất của Bắc Kinh chia thành 2 phần, một phần là công trình dân phòng, do cơ quan dân phòng quản lý, còn phần kia là những khu nhà ở ngầm thông thường, do sở xây dựng quản lý. Những năm 1990, phần lớn những khu nhà dưới đất này để không, trở nên hoang phế, biến thành bãi rác, nơi trú ngụ của tội phạm. Sau này, để ngăn ngừa những nguy cơ về an ninh cũng như phòng cháy, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã khuyến khích khai thác sử dụng không gian này. Thêm vào đó, do lượng lao động ngoại tỉnh đổ về Bắc Kinh ngày một lớn, thị trường nhà cho thuê giá rẻ trước nhu cầu lớn đã khai thác hết công suất những căn phòng dưới đất. 

Tính đến nay, trong các hầm ngầm dân phòng ở Bắc Kinh đã có tới 150.000 cư dân, và con số này ở những hầm ngầm dân dụng còn nhiều hơn gấp vài lần, ước 800.000. Điều đó có nghĩa, có khoảng 1 triệu người vẫn đang sống như bầy chuột dưới đáy Bắc Kinh phát triển, Bắc Kinh hoành tráng, Bắc Kinh rực rỡ, Bắc Kinh đang vươn lên mạnh mẽ...