Cuộc “chạy nước rút” cuối cùng sau cú “bẻ lái” ngoạn mục của thị trường ô tô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Chưa đầy nửa tháng nữa, xe ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ không được giảm 50% phí trước bạ mà phải chịu 100% phí này. Vừa trúng thời điểm dừng chính sách ưu đãi, vừa đúng dịp cuối năm, nhiều showroom ô tô đông khách từ sáng sớm tới chiều muộn.
Tiêu thụ ô tô các tháng cuối năm tăng vọt

Tiêu thụ ô tô các tháng cuối năm tăng vọt

Rầm rộ sắm xe mới đón Tết

Có ý định mua xe ô tô từ lâu song do chưa đủ tài chính nên anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chưa “xuống tiền”. Nhưng cách đây ít lâu, vừa hay có thông tin sẽ dừng chính sách giảm phí trước bạ ô tô từ sau ngày 31-12-2020, anh Tuấn Anh lập tức “chốt” một chiếc xe Hyundai i10. “Trước sau gia đình tôi cũng có ý định mua xe nên đặt cọc ở thời điểm này vừa rẻ được vài chục triệu, vừa sớm có xe đi dịp Tết. Đỡ được đồng nào hay đồng ấy. Tôi đã đến showroom ô tô xem nhiều lần và nhân viên bán hàng ở đó có số điện thoại, gọi tới thông tin việc sắp ngừng giảm phí trước bạ”- anh Tuấn Anh cho biết. Cùng mua xe mới dịp cuối năm này, chị Thùy Trang (quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: “Tôi mua xe dịp này may quá vẫn được giảm phí trước bạ. Một số người bạn của tôi biết thông tin này cũng vừa rủ nhau đi mua xe”.

Ghi nhận của phóng viên tại showroom Toyota Mỹ Đình cho thấy, từ đầu giờ sáng, một số khách hàng đã đến đây để xem, tìm hiểu về các loại xe. Anh Nguyễn Gia Vinh (Quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi chưa quyết mua xe nào, nhưng đến đây thấy nhân viên bán hàng nói sắp hết hạn được giảm phí trước bạ, chắc tôi sẽ quyết nhanh”. Đến gần trưa, khách đến showroom ngày một đông, ngồi gần kín các bàn đón tiếp. Tương tự, tại showroom ô tô Hyundai An Khánh (Quận Hà Đông, TP Hà Nội), khách hàng ra vào liên tục, đặt cọc, giao nhận xe mới. Nhân viên showroom tất bật từ sáng sớm đến tận chiều muộn.

Anh Đức Trọng (nhân viên bán hàng một showroom ô tô) trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thông tin: “Thực tế thì thời điểm cuối năm nào chúng tôi cũng bận rộn, khách đông hơn các tháng khác trong năm do người Việt Nam có tâm lý mua sắm đồ mới đón Tết. Xe ô tô giờ trở thành phương tiện giao thông phổ biến nên nhiều gia đình càng muốn mua trước Tết để đi chơi, đi thăm thú thuận tiện hơn. Năm nay, dịp này cũng đúng lúc chính sách hỗ trợ phí trước bạ sắp hết nên khách hàng truyền tai nhau đến cửa hàng càng đông”.

Xu hướng chung của đa số khách hàng là nhằm vào các dòng xe nhỏ, giá dao động từ trên 400 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng/xe. Tại các đại lý của Toyota, do chiếc xe Toyota Cross 5 chỗ mới được ra mắt vài tháng trước có thiết kế đẹp, giá phải chăng, cộng với xe Toyota Fortuner có nhiều cải tiến, giá cạnh tranh hơn so với các loại xe cùng phân khúc nên khách đến xem càng đông.

Toyota Vios tiêu thụ đạt kỷ lục trong tháng 11-2020

Toyota Vios tiêu thụ đạt kỷ lục trong tháng 11-2020

Trước giờ ngừng ưu đãi phí trước bạ

Có lẽ chưa bao giờ, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến diễn biến trái ngược như trong năm 2020. Trước thời điểm tháng 4-2020, khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống lây lan dịch Covid-19, thị trường ô tô Việt Nam ảm đạm hiếm thấy, tiêu thụ nhiều loại xe gần như chững lại. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lúc này tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tháng 4-2020 chỉ đạt 11.761 chiếc, giảm đến 39% so với tháng trước đó và giảm 44% so với cùng kỳ năm 2019. Bước sang tháng 5-2020, cùng với diễn biến tích cực của dịch bệnh và tâm lý xã hội, tiêu thụ ô tô có dấu hiệu tăng trở lại. Tổng sức mua ô tô tháng 5-2020 đạt 19.081 chiếc, tăng 62% so với tháng 4 và so với cùng kỳ năm trước, con số này vẫn thấp hơn 30%. Đến tháng 6-2020, sức mua ô tô tiếp tục hồi phục khi có 24.002 xe ô tô bán ra thị trường, tăng 26% so với tháng 5 và giảm 13% so với cùng kỳ 2019.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ô tô cũng như người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực, ngày 28-6-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP trong đó quy định hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (xe CKD), có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2020. Khỏi phải nói, chính sách này đã tạo “cú hích” lớn thế nào với thị trường ô tô, vì phí trước bạ chiếm một giá trị khá lớn đối với mặt hàng này. Tỷ lệ thu lệ phí trước bạ 10-12% tùy từng địa phương, do đó số tiền người tiêu dùng chi ra khi đăng ký lưu hành một chiếc xe mới sẽ từ khoảng 40 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Việc được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đương nhiên có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người tiêu dùng đang có ý định mua ô tô. Do được giảm phí trước bạ, thị trường ô tô từ chỗ ảm đạm đã trở lại sôi động thực sự trong từ tháng 9-2020, khi nguồn cung xe dồi dào hơn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dùng, các hãng xe cũng tăng cường truyền thông cho sản phẩm thay vì trạng thái khá im ắng trong bối cảnh dịch bệnh trước đó. Lượng xe ô tô bán ra thị trường tháng 9-2020 đạt 27.252 chiếc, tăng 32% so với tháng 8; tháng 10-2020 đạt 33.254 chiếc, tăng 22% so với tháng 9.

Theo báo cáo mới nhất của VAMA, thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 11-2020 tiếp tục đà hồi phục vững vàng khi tiêu thụ 36.359 xe các loại, tăng 9% so với tháng trước đó và tăng 22% so với tháng 11-2019. Đại diện VAMA cho biết: “Việc ưu đãi phí trước bạ cũng giúp xe lắp ráp trong nước duy trì đà tiến, với 23.509 xe tới tay người dùng, tăng 15% so với tháng 10-2020”. Đáng chú ý, các dòng xe đô thị cỡ nhỏ đã có một tháng bán hàng đáng kinh ngạc, lập doanh số kỷ lục. Cụ thể, Toyota Vios dẫn đầu về doanh số với 3.635 xe; Fadil đã có một tháng kinh doanh đầy ấn tượng với 2.816 xe, vượt mặt Hyundai i10 (2.793 xe) và Hyundai Accent (2.514 xe), tiến lên vị trí thứ hai. Các xe còn lại thuộc nhóm bán chạy bao gồm Mitsubishi Xpander (2.309 xe), Mazda CX-5 (1.898 xe), KIA Seltos (1.821 xe), KIA Cerato (1.737 xe), Toyota Corolla Cross (1.537 xe), Hyundai Santa Fe (1.503 xe). Xe đô thị cỡ nhỏ đã thực sự “trỗi dậy” trong thời gian gần đây.

Đặc biệt, việc các loại xe CKD được ưu đãi thuế trước bạ cũng kéo theo các loại xe nhập khẩu (CBU) phải có chính sách cạnh tranh, giành thị phần. Do đó, hiệu ứng “giá xe giảm” đã khiến lượng khách hàng đến với các showroom ô tô ngày càng đông. Các chuyên gia dự báo, tháng 12-2020 và tháng 1-2021, doanh số ô tô của thị trường trong nước được dự báo còn tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh người tiêu dùng mở rộng hầu bao mua sắm dịp trước Tết và “chạy” giảm phí trước bạ.

Bộ Tài chính đã gửi văn bản lên Chính phủ đề xuất dừng, không gia hạn chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020. Điều này đồng nghĩa với việc đến hết ngày 31-12-2020, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ không được giảm 50% phí trước bạ nữa mà phải chịu 100% mức này. Theo Bộ Tài chính, việc giảm phí trước bạ đã khiến ngân sách hụt thu 3.700 tỷ đồng. Giới kinh doanh xe cho rằng, trước thời điểm chính sách này hết hiệu lực, người tiêu dùng đã có cơ hội mua xe ô tô với giá tốt.