Cũng là vì đại cục

ANTĐ - 3 tháng nữa SEA Games 27 mới chính thức diễn ra tại Myanmar. Năm nay, nước chủ nhà đưa vào tranh tài 460 bộ huy chương của 33 môn thi đấu. Việt Nam đăng ký thi đấu ở 29 môn. Theo dự kiến, Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) dự SEA Games 27-2013 sẽ gồm khoảng 650 VĐV với mục tiêu giành tối thiểu 70 HCV, phấn đấu nằm trong tốp 3 toàn đoàn. 

Chủ nhà Myanmar cắt giảm nội dung thi đấu nhiều ở các môn thế mạnh của TTVN như TDDC, bắn súng, đấu kiếm… Và mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết: “Chủ nhà Myanmar muốn phải được 7 HCV trong tổng số 18 bộ HCV thì mới chấp nhận đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27. Chưa kể Singapore cũng đòi có HCV, nếu không thì Singapore sẽ không đưa môn vovinam vào chương trình thi đấu tại SEA Games 2015 khi họ là chủ nhà. Lần này, Việt Nam cũng còn phải chia HCV cho Lào, Campuchia”. 

Việc chia huy chương ngay từ khi cuộc chơi ở SEA Games chưa vào cuộc không phải là mới, mà đã là “luật” riêng ở sân chơi khu vực. Không chỉ có vovinam, mà rất nhiều thế mạnh khác của Việt Nam cũng sẽ phải nhường huy chương nếu như không muốn môn đó bị loại khỏi chương trình thi đấu như môn thể hình có 5 bộ HCV thì TTVN sẽ chỉ có thể giành 1 HCV. Tương tự là môn vật Việt Nam cũng chỉ có thể giành 4-5 HCV trong tổng số 21 bộ HCV. Trước những thông tin trên, rất nhiều ý kiến cho rằng không cần đưa môn vovinam vào nội dung thi đấu của SEA Games 27, thậm chí cực đoan hơn khi cho rằng TTVN không nên tham dự SEA Games nữa vì thể thao là phải mang tinh thần thẳng thắn, trung thực, chứ không thể là một sân chơi không lành mạnh.

Đã từ lâu SEA Games được xem là sân chơi “ao làng” và với kiểu “chia chác” như thế, thế nhưng, Việt Nam phải chấp nhận nhường huy chương để hoàn thành sứ mệnh đưa vovinam trở thành môn thể thao phổ biến tại khu vực, thậm chí là châu lục. Không phải những tấm huy chương, mà việc quảng bá tinh hoa võ thuật Việt Nam mới là điều “khó” nhất với các võ sĩ vovinam Việt Nam từ SEA Games 26 và lần này nữa. Cho dù môn vovinam được dịch ra nghĩa là Việt Võ Đạo với tinh thần lấy sự trung thực, chính trực làm đầu. 

Cũng không chỉ ở SEA Games, mà ngay tại những đấu trường lớn hơn, việc “nhường” huy chương đã có tiền lệ khi một quốc gia nào đó muốn quảng bá “hàng” của mình. Môn Wushu phát triển như ngày nay trên khắp thế giới là do Trung Quốc đã “chia” huy chương cho các nước mới nhập môn” để khuyến khích nhiều quốc gia chơi môn này. Nhật Bản trong nhiều năm đã phải “nhường” cho các nước khác những tấm HCV môn karatedo tại ASIAD hoặc giải Vô địch karatedo thế giới để được Ủy ban Olympic quốc tế quyết định đưa môn này vào thi đấu chính thức từ Olympic 2016. 

Từ lần SEA Games trước đã có những giọt nước mắt ấm ức của những VĐV tập luyện ròng rã hàng năm trời, nhưng đành trắng tay vì những chuyện các đoàn thể thao “chia chác” huy chương. Cho dù các VĐV vốn có cuộc sống đời thường rất nhọc nhằn sẽ có thêm cơ hội khẳng định tài năng của mình cũng như có được những khoản tiền thưởng dù chưa phải là lớn lắm (VĐV giành HCV, HCB, HCĐ SEA Games được thưởng 45-25-20 triệu đồng/huy chương). Năm nay, lần nữa sẽ lại có không ít tuyển thủ Việt Nam lại phải “quên đi” những khoản đó vì sự phát triển rộng hơn, mạnh hơn của vovinam trên các sàn đấu quốc tế ở những năm tiếp theo. 

Đó cũng là sự hy sinh!