Cục diện chiến trường Ukraine sẽ ra sao sau khi Nga tăng quân?

ANTD.VN - Sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh tăng quân số lên hơn 2 triệu binh lính, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chiến sự ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang của Nga từ 1,9 triệu lên gần 2,04 triệu quân trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ 7.

Quyết định tăng quy mô quân đội của ông Putin được cho là nhằm bù đắp tổn thất ở Ukraine và sẵn sàng cho xung đột kéo dài.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh hôm nay cho biết trong một bản cập nhật thường xuyên về cuộc xung đột rằng, không rõ liệu Nga có thể đạt được điều này bằng cách tuyển thêm lính tình nguyện hay tăng cường số lượng tân binh nhập ngũ.

"Dù bằng cách nào thì nó cũng không có tác động lớn đến tình hình chiến sự ở Ukraine vì Nga đã mất hàng chục nghìn quân, trong khi rất ít quân nhân hợp đồng mới được tuyển dụng và lính nghĩa vụ không có trách nhiệm phục vụ bên ngoài lãnh thổ Nga", Bộ Quốc phòng Anh viết trên Twitter.

Nga không công bố số liệu cập nhật về tổn thất liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng các quan chức quân sự, tình báo Mỹ và Anh ước tính 80.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương kể từ khi xung đột bùng phát đến nay.

Với sắc lệnh gia tăng quy mô quân đội, ông Putin muốn phát đi thông điệp rằng Nga không có kế hoạch rút lui trên chiến trường Ukraine, theo giới phân tích.
"Đây không phải động thái mà bạn thực hiện khi tin có thể nhanh chóng kết thúc chiến dịch quân sự", Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao từ tổ chức tư vấn RAND Corporation, có trụ sở tại Mỹ, cho hay.
"Đây là điều bạn làm khi lên kế hoạch cho một cuộc xung đột kéo dài", ông Dara Massicot nhấn mạnh.
Cả hai bên đều đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột dài hơi, nhưng Ukraine có nhiều lý do hơn để cố gắng tránh kịch bản này.

Rủi ro tiềm ẩn sẽ xảy đến sớm nhất là vào mùa thu năm nay, khi mưa lớn biến các vùng nông thôn Ukraine thành những vũng lầy không thể vượt qua.

Ukraine vẫn gặp khó khăn trước lợi thế hỏa lực của Nga, nhưng với vũ khí phương Tây trong tay, quân đội nước này đang chứng minh được năng lực tác chiến bằng các cuộc tập kích vào những cơ sở hậu cần hay căn cứ quân sự Nga sâu trong hậu cứ.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea hồi cuối tuần trước là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực hậu phương của Nga ngày càng dễ bị tổn thương.

Động lực ủng hộ Ukraine của Mỹ và hầu hết châu Âu vẫn mạnh mẽ, mặc dù có những lo ngại rằng một cuộc chiến kéo dài và giá năng lượng, lương thực tăng có thể làm suy yếu mặt trận đoàn kết của phương Tây.

Đặc biệt, Mỹ đang gửi cho Ukraine hàng loạt vũ khí tân tiến với số lượng không ngừng gia tăng, như hệ thống pháo phản lực HIMARS, tên lửa chống radar, tên lửa diệt hạm cùng nhiều chủng loại khí tài tối tân khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/8 công bố gói viện trợ quân sự 3 tỷ USD cho Ukraine, khoản hỗ trợ cao nhất trong 6 tháng chiến sự.

Lầu Năm Góc thông báo đợt viện trợ mới sẽ bao gồm 6 hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, 24 radar phản pháo, máy bay không người lái (UAV) Puma, hệ thống chống UAV mang tên Vampire và 310.000 viên đạn pháo.

"Quân đội Nga phải tái triển khai lượng quân lớn để đề phòng một cuộc tấn công ở khu vực miền nam Ukraine", Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại CNA, tổ chức nghiên cứu quốc phòng, trụ sở ở Arlington, bang Virginia, Mỹ, nhận xét.

Báo cáo của NATO cho biết, Nga đã buộc phải rút 1/3 lượng máy bay chiến đấu ra khỏi bán đảo Crimea vì lo ngại phía Ukraine tập kích.

Tuy nhiên động thoái mới đây lại cho thấy Nga đã tăng cường số lượng lớn khí tài tấn công mặt đất để tăng cường cho bán đảo này.

Tương lai cuộc xung đột giờ đây phụ thuộc vào việc người Ukraine có thể đạt được những gì.
Ukraine đã kiên trì chiến đấu trong suốt nửa năm qua, xóa tan đồn đoán rằng họ sẽ sụp đổ nhanh chóng trước đòn tấn công dữ dội từ Nga.

Nhưng kết quả cuối cùng vẫn là ẩn số, quân Nga vẫn chiếm ưu thế trước Ukraine về hỏa lực, khiến bộ binh Ukraine khó tiến quân trên địa hình trống trải để phản công giành lại những vùng lãnh thổ đã mất.

Chính quan chức Ukraine cũng phải thừa nhận rằng, việc giành lại các vùng lãnh thổ do Nga đang kiểm soát "không phải là việc dễ dàng".

Viện trợ quân sự phương Tây, đặc biệt là từ châu Âu, vẫn còn chậm chạp và thiếu ổn định. Nhiều chủng loại vũ khí, đăc biệt từ Đức bị nghi ngờ về tính hiệu quả trên chiến trường.

Nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây tiếp tục hoài nghi về khả năng Ukraine có thể đạt được một chiến thắng quân sự quyết định trước Nga.