- "Chặt chém" khách Tây 400.000 đồng tiền cước, taxi dù bị phạt 9,7 triệu đồng
- Bảo vệ an toàn tuyệt đối lễ hội Gò Đống Đa
- Hiểm họa khôn lường từ việc rải đinh trên đường cao tốc
Chỉ cần xem qua phiếu thanh toán tiền ăn tại một nhà hàng ngày 7/2 được đăng tải trên mạng xã hội, không ít người phải lắc đầu thở dài. Tổng số tiền khách phải trả ghi trong phiếu này là 16.455.000 đồng, trong đó có những món ăn rất thông dụng như mùng tơi, khổ qua (mướp đắng) xào, su su được tính giá lên tới 250.000 đồng/đĩa.
Tương tự, phiếu thanh toán tại một nhà hàng khác cũng khiến du khách chóng mặt. Toàn bộ số tiền mà nhóm du khách phải thanh toán cho nhà hàng là 9,2 triệu đồng với những món ăn giá cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung như mì xào hải sản 500.000 đồng/phần (gọi 3 phần là 1,5 triệu đồng), đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, đậu hà lan xào tỏi 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần, trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần…
Phiếu thanh toán với giá món ăn cao ngất được đăng tải trên mạng xã hội
Tình trạng trên đã khiến nhiều người dân phẫn nộ vì cho rằng đây chẳng khác nào là hành vi “chặt chém”, “móc túi” du khách, ảnh hưởng xấu đến nền du lịch nước nhà nên cần bị xử lý nghiêm để làm gương.
Được biết, sau khi nhận được thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có đơn vị quản lý thị trường ở địa phương này đã xuống các nhà hàng xác minh, kiểm tra, làm rõ thông tin sự việc.
Về hành vi “chặt chém” khách, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, giá cả hàng hóa do tổ chức sản xuất, kinh doanh quyết định (trừ trường hợp hàng hóa thuộc danh mục do Nhà nước ấn định giá hoặc quy định mức tối thiểu/tối đa).
Mặc dù vào những dip lễ Tết, mức giá dịch vụ, hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố (giá cả hàng hóa trên thị trường, chi phí trả cho người lao động, giá nguyên liệu đầu vào…) nên có thể tăng so với ngày thường. Song, theo Luật Giá và các văn bản liên quan, tổ chức sản xuất kinh doanh phải có nghĩa vụ công bố, niêm yết giá và bán hàng đúng với giá đã niêm yết. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm điều này sẽ bị xử phạt hành chính.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, Nghị định 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định bằng tiền đồng Việt Nam, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Việc kinh doanh, mua bán hàng hóa cũng phải đúng với giá niêm yết.
Còn theo Điều 12 Nghị định 49/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ), phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu vi phạm nhiều lần; tái phạm… Đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Hành vi tăng giá hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, tùy vào từng trường hợp và mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt từ 1-60 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết. Trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước.
“Khi khách hàng phát hiện cửa hàng, tổ chức kinh doanh bán giá cao hơn giá niêm yết cần giữ lại hóa đơn và các chứng từ liên quan, báo cho cơ quan có thẩm quyền như cơ quan Thanh tra, Thuế, UBND các cấp, công an. Tùy theo mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt với số tiền tương ứng. Tuy vậy, do mức xử phạt còn thấp, không đủ sức răn đe khiến tình trạng “chặt chém” vào những dịp lễ Tết vẫn liên tục tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng” – Luật sư Nguyễn Thị Thu phân tích.