Cú sốc năng lượng khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau nhiều tháng giảm, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu lại tăng vọt, gợi nhớ lại nỗi lo về khủng hoảng năng lượng năm ngoái, khiến triển vọng tăng trưởng của châu lục này thêm ảm đạm.

Nguy cơ “cuộc chiến giá” để có hàng

Từ ngày 8-8, giá khí đốt tự nhiên Hà Lan - tham chiếu tại thị trường châu Âu đã tăng 24% lên 40 euro (44 USD) một megawatt giờ. Giá khí đốt tăng đúng thời điểm châu Âu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm. Nguyên nhân là tin tức Offshore Alliance, tổ chức đại diện cho hai công đoàn tại Australia, đang chuẩn bị cho cuộc đình công tại các cơ sở khí hóa lỏng của Chevron ở đây.

Một cơ sở xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Chevron Australia

Một cơ sở xuất khẩu khí đốt hóa lỏng của Chevron Australia

Dù khí hóa lỏng Australia gần như không bán sang châu Âu, nhưng việc nguồn cung bị mất đi có thể gây ra hiệu ứng lan truyền. Nếu các cuộc đình công của Offshore Alliance được tiến hành, khoảng 10% hoạt động sản xuất khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. Điều này sẽ dẫn tới cú sốc năng lượng do tình trạng các khách hàng châu Á có thể sẽ giành mua khí đốt trên thị trường quốc tế với châu Âu khiến giá tăng lên.

Việc giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt cũng cho thấy, khu vực này hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường LNG toàn cầu. Năm ngoái, EU đã trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vì phải tăng cường mua LNG để thay thế khí đốt Nga vận chuyển bằng đường ống. Trước đó, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU. Hiện nay, châu Âu tăng cường nhập khí đốt tự nhiên Na Uy qua đường ống, đồng thời bổ sung LNG từ Mỹ và Qatar. Việc này đã giúp hạ nhiệt giá khí đốt tại châu Âu, từng đạt mức đỉnh 300 euro một MWh vào tháng 8 năm ngoái.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố gây bất ngờ vẫn tồn tại có thể tác động đến giá khí đốt. Ngoài tác động từ Offshore Alliance, châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ mất thêm nguồn khí đốt lớn nữa khi Hà Lan dự kiến đóng vĩnh viễn mỏ khí Groningen vào tháng 10 tới, sớm hơn một năm so với dự định. Groningnen là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, nhưng phải giảm sản xuất vì nguy cơ gây động đất.

Trong khi đó, Trung Quốc lại đang tìm cách gom khí đốt toàn cầu để đảm bảo nguồn cung trong nước hoặc bán cho nước khác khi nhu cầu nội địa yếu, khiến châu Âu có thể rơi vào “cuộc chiến giá” để có hàng. Hiện Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay. Theo số liệu của Bloomberg, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về mua khí LNG thông qua hợp đồng dài hạn,

An ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của Trung Quốc ở mức 331 tỷ mét khối, ít hơn con số 541 tỷ mét khối của châu Âu. Tuy nhiên, Trung Quốc dự đoán đến năm 2030 nhu cầu tiêu thụ khí đốt hàng năm của nước này sẽ là 526 tỷ mét khối và đến năm 2040 là khoảng 620 tỷ mét khối. Năm ngoái, việc giá khí đốt tăng cao và các nước cạnh tranh mua LNG khiến Trung Quốc nhận thấy cần có nguồn cung ổn định.

Một trong các phương án là đa dạng hóa nhập khẩu để ngăn nguồn cung gián đoạn vì yếu tố chính trị. Trung Quốc hiện nhận hàng chục tỷ mét khối khí đốt từ Nga hàng năm thông qua tuyến đường ống “Sức mạnh Siberia”. Công ty quốc doanh CNPC đã ký hợp đồng khí đốt 27 năm với Qatar, đồng thời tham gia vào một dự án khổng lồ của nước này. ENN Energy Holdings cũng ký hợp đồng kéo dài hàng thập kỷ với hãng năng lượng Mỹ Cheniere Energy. Cả hai hợp đồng này dự kiến bắt đầu từ năm 2026.

Nhiều hợp đồng khác đang trong giai đoạn đàm phán. Các hãng quốc doanh lớn như CNOOC và Sinopec đang thảo luận với Mỹ. Các công ty nhỏ hơn như Zhejiang Provincial Energy Group và Beijing Gas Group cũng đang tìm kiếm các thỏa thuận. Trung Quốc còn lên kế hoạch xây dựng hàng chục cảng nhập khẩu LNG mới. Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nhập khẩu LNG của nước này được dự báo sẽ tăng lên 138 triệu tấn vào năm 2033, gấp đôi mức hiện tại.

Tác động tiêu cực từ giá năng lượng bất ổn

Hiện dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thỏa mãn nhu cầu trong những tháng mùa đông đã đạt gần mức 90%, mức dự trữ mà EU phấn đấu đạt được vào đầu tháng 11 hàng năm. Giới giao dịch dự báo dự trữ sẽ đầy vào tháng 9 nên khả năng xảy ra khủng hoảng năng lượng toàn diện như năm ngoái là rất thấp. Tuy nhiên, sự bất ổn về giá năng lượng vẫn gây tác động tiêu cực tới khu vực này. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ) cho thấy, giá bán buôn điện và khí đốt đã tăng từ 5 - 15 lần kể từ đầu năm 2021 tới nay tại nhiều nước châu Âu. Chi phí để chính phủ các nước bù lại mức tăng giá điện và khí đốt trước khi thị trường tìm thấy điểm cân bằng mới với giá thấp hơn là khoảng 1.000 tỷ euro (tương đương 1.070 tỷ USD). Như vậy, gánh nặng chi phí năng lượng đang đè nặng lên ngân sách của EU.

Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng có thể làm gia tăng thách thức đối với các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu dưới áp lực của lãi suất tăng cao. Trong tháng 6, giá tiêu dùng ở khu vực 20 nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực khi tháng 10 năm ngoái, lạm phát ở khu vực này lập kỷ lục ở mức 10,6%. Tuy nhiên, giới chuyên gia và cả các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều cho rằng giờ chưa phải là lúc mà ECB có thể nghĩ tới việc dừng cuộc chiến chống lạm phát. Đó là bởi dù lạm phát toàn phần giảm nhưng lạm phát lõi đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại. Nhà kinh tế cấp cao Jack Allen-Reynolds của Công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định rằng, ECB chưa thể dừng tăng lãi suất và ít nhất sẽ phải tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp tháng 9.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Eurozone được dự báo là vẫn còn yếu. Mặc dù đã chứng tỏ được sự vững vàng hơn so với lo ngại ban đầu sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, nhưng khu vực này vẫn rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý I năm nay. Tháng 7 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone cho rằng, khu vực này chỉ đạt mức tăng trưởng 0,9% trong năm nay.

Trong số các nước thuộc khu vực Eurozone, Đức là quốc gia duy nhất được dự báo sẽ bước vào suy thoái trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Đức suy giảm được cho là do tác động của cuộc xung đột Ukraine. Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga hơn so với các quốc gia châu Âu khác. Với một số quốc gia khác, nguy cơ suy thoái có thể có nhưng ở mức độ nhẹ hơn so với các dự báo đưa ra trước đó. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hy vọng kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2024 và 1,6% vào năm 2025.

Bên ngoài Eurozone, Anh - một nền kinh tế lớn của châu Âu cũng được dự đoán sẽ không thể tăng trưởng tích cực trong năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn làm chậm quá trình mở rộng. Theo nhóm Chiến lược đầu tư quản lý tài sản & quản lý tài sản (ISG) của Ngân hàng Goldman Sachs, kinh tế Anh đã thể hiện vượt mong đợi trong quý đầu tiên nhờ giá khí đốt thấp hơn dự kiến, khả năng phục hồi của thị trường lao động, ngành dịch vụ mạnh mẽ và chiến lược mở rộng toàn cầu hiệu quả hơn mong đợi. Tuy nhiên, tăng trưởng của nước này được dự báo sẽ không thay đổi trong phần còn lại của năm nay.