Cột mốc mở định hướng tương lai ASEAN

ANTD.VN - Năm 2025 không chỉ là cột mốc kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng ASEAN mà còn là thời điểm then chốt để định hình tầm nhìn phát triển của Hiệp hội trong tương lai, hướng tới năm 2045.

“Trái ngọt” từ Cộng đồng ASEAN

Ngày 22-11-2015, tại Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), lãnh đạo 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, với sự chứng kiến của nguyên thủ 8 nước đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Cộng đồng ASEAN gắn kết và năng động mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân khu vực

Tuyên bố Kuala Lumpur là văn kiện về lộ trình phát triển của ASEAN, định hướng và tạo cơ sở cũng như khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong giai đoạn 2016-2025. Đây là một tầm nhìn rộng lớn và chiến lược, nhằm củng cố cộng đồng khu vực hướng tới hiện thực hóa một ASEAN gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, một ASEAN thực sự dựa trên các nguyên tắc luật pháp, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên ba trụ cột chính, gồm Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng văn hóa - xã hội. Mục tiêu tổng quát của ASEAN là xây dựng khu vực trở thành một Cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hợp tác rộng mở với bên ngoài; hoạt động theo luật lệ và hướng tới người dân.

Với mục tiêu “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta”, một ASEAN hội nhập kỳ vọng sẽ mang lại mức sống cao hơn và tiến bộ xã hội nhanh hơn cho người dân ASEAN. Ngoài ra, ASEAN cũng hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác và giữ vai trò trung tâm ở khu vực thông qua nhiều khuôn khổ, như hợp tác song phương của ASEAN với từng đối tác bên ngoài (ASEAN+1), hợp tác giữa ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối thoại (ADMM+).

Nhìn lại một thập kỷ đã qua, có thể thấy khu vực đã thu được nhiều “trái ngọt” từ sự ra đời của Cộng đồng ASEAN. Năm 2023, quy mô nền kinh tế ASEAN đạt 3.800 tỷ USD, tăng 51% so với con số 2.500 tỷ USD hồi năm 2015, đứng thứ 5 trên thế giới; giao dịch thương mại khu vực tăng từ mức 2.300 tỷ USD năm 2015 lên 3.500 tỷ USD năm 2023; vốn đầu tư FDI vào khu vực đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Với tốc độ tăng trưởng chung là 4,2%/năm, dự kiến quy mô nền kinh tế ASEAN sẽ đứng thứ 4 trên thế giới vào năm 2030.

Ngày nay, ASEAN là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.

Bên cạnh đó, ASEAN đã tăng tốc để trở thành khu vực thương mại lớn nhất trên thế giới, cũng như đẩy mạnh giao dịch trên toàn cầu. Điểm hấp dẫn đối với ASEAN là chuyển đổi công nghệ và các công nghệ tiên tiến như 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, những lĩnh vực sẽ tạo ra thêm 8.000 tỷ USD. Theo dự báo, những năm tới, chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty có lượng khí thải carbon thấp và các hoạt động có giá trị cao nhiều khả năng sẽ nằm ở các nước ASEAN.

Mục tiêu Tầm nhìn đến năm 2045

Thành tựu đó tạo cơ cở để ASEAN vững bước hướng tới tương lai và năm 2025 là thời điểm để khu vực đánh giá 10 năm xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như đề ra mục tiêu cho những năm tới. Với chủ đề “Bao trùm và bền vững” mà Malaysia - nước Chủ tịch ASEAN 2025 đưa ra, ASEAN sẽ tập trung vào các ưu tiên, gồm chung tay xử lý các thách thức; thúc đẩy thịnh vượng chung, không bỏ lại ai phía sau; củng cố, liên kết nội khối, thúc đẩy hội nhập và kết nối các nền kinh tế ASEAN; tăng cường thương mại và đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế với các đối tác vì tăng trưởng bao trùm và bền vững; xây dựng ASEAN tự cường ở khía cạnh số...

Đặc biệt, các nước thành viên đều trông đợi Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 sẽ được thông qua trong năm nay, dựa trên kết quả của hai hội nghị cấp cao và hơn 300 cuộc họp cấp bộ trưởng, quan chức sẽ diễn ra trong năm 2025. Khác với các khuôn khổ trước chỉ kéo dài trong một thập kỷ (2016-2025), Tầm nhìn lần này sẽ kéo dài 20 năm (2026-2045) nhưng được triển khai qua các giai đoạn chiến lược 5 năm để thích nghi với tốc độ phát triển kinh tế và công nghệ nhanh chóng. Cùng với 4 kế hoạch chiến lược về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối, Tầm nhìn hứa hẹn mở ra những khát vọng mới với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và động lực phát triển số, xanh, nhanh để tiếp tục thực hiện thành công sứ mệnh vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững.

Tầm nhìn sẽ không chỉ cho thấy sự kế thừa những thành quả đã đạt được mà còn phải đem lại động lực giúp ASEAN hiện thực hóa những khát vọng trong giai đoạn tới. Đó chính là xây dựng một cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Nói cách khác, ASEAN đang định hướng vào phát triển bao trùm, một quan điểm về phát triển với thông điệp chủ đạo là đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người trong việc tham gia và thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển.

Để hướng đến tầm nhìn 20 năm tới, ASEAN sẽ bổ sung thêm các thành tố mới vào cả 3 trụ cột cộng đồng. Về chính trị - an ninh, ASEAN dự kiến sẽ bổ sung hợp tác về một số lĩnh vực, như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; bảo đảm an ninh biên giới và hướng tới thị thực chung cho công dân ASEAN, chống tội phạm xuyên biên giới và thỏa thuận chung về dẫn độ tội phạm... Về kinh tế, ASEAN tính tới một không gian kinh tế hoàn toàn không có biên giới, không có các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với sự lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, thành tố sản xuất; đồng thời, xử lý tốt các thách thức về quản lý ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính, tăng trưởng đồng đều... Về văn hóa - xã hội, ASEAN hướng tới phát triển theo hướng tăng cường đối thoại và tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng các mục tiêu, kế hoạch phát triển của ASEAN.

Tăng cường thương mại và đầu tư nội khối cũng là một trong những ưu tiên của ASEAN trong tương lai. Trong những năm qua, nền kinh tế Đông Nam Á ghi nhận mức tăng trưởng trung bình cao hơn mức trung bình toàn cầu. Dù vậy, thương mại nội khối vẫn chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng thương mại của ASEAN. Bởi vậy, Hiệp hội sẽ tận dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ và đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội khối.

Bên cạnh đó, ASEAN sẽ tập trung thu hẹp khoảng cách phát triển và bất bình đẳng, cải thiện mức sống của người dân, đồng thời giảm tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ASEAN còn dự định triển khai các sáng kiến trong nhiều lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, du lịch và chăm sóc sức khỏe. Trong năm 2025, ASEAN cũng sẽ chào đón Timor-Leste trở thành thành viên chính thức thứ 11 của Hiệp hội.