Công việc là số 1

ANTĐ - Nhắc lại vụ án truy bắt đối tượng buôn ma túy trên sông Tô Lịch, hẳn bạn đọc còn nhớ, khâm phục khi chứng kiến hình ảnh một chiến sĩ trinh sát đã không nề nguy hiểm, ở độ cao 7-8m từ mặt cầu đã lao thẳng xuống làn nước đen ngòm bám sát truy đuổi 2 kẻ buôn “cái chết trắng” trên sông Tô Lịch… Người trinh sát đó là Thượng úy Lê Thành Hiển, Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an quận Cầu Giấy; Gưong mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2013. Anh đã kể cho tôi nghe những trận chiến khốc liệt, có khi phải đổ máu của anh và đồng đội trong cuộc đời binh nghiệp gian nan nhưng cũng đầy vẻ vang.

Cuộc truy bắt “cái chết trắng”

Sẩm tối một ngày, thời điểm mọi người đang hối hả về nhà thì các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Cầu Giấy nhận được một thông tin nghiệp vụ: Tại cây cầu bắc qua sông Tô Lịch đoạn đầu đường Nguyễn Khánh Toàn sẽ diễn ra cuộc giao ma túy chớp nhoáng thông qua phương tiện xe máy. Đây là mắt xích quan trọng trong đường dây cung cấp thuốc lắc mà các anh đang điều tra nên tổ công tác có sự góp mặt của Thượng úy Lê Thành Hiển nhanh chóng tiếp cận hiện trường, lên các phương án mật phục để bắt đối tượng. 

Theo đúng giờ đã định, một chiếc xe taxi đột ngột rời khỏi quỹ đạo xuất hiện tại khu vực cây cầu bắc qua sông Tô Lịch, các trinh sát bất ngờ xuất hiện áp sát 2 đối tượng Nguyễn Tiến Mạnh và Nguyễn Khoa Nam với rất nhiều thuốc lắc trong người chưa kịp chuyển giao. Nhưng ngay lập tức, Mạnh và Nam bất ngờ tấn công gây sát thương cho trinh sát rồi lao thẳng xuống sông Tô Lịch. Nhanh như cắt, từ độ cao 7-8m từ mặt cầu, trinh sát Lê Thành Hiển đã lao xuống làn nước đen ngòm bị ô nhiễm nặng bám sát đối tượng Mạnh, Nam. Trời tối lại có mưa, 2 đối tượng gian manh cố tình bơi theo đường rích rắc hòng thoát khỏi vòng vây trinh sát, gần 30 phút đẵm mình trong dòng nước khi bờ Quan Hoa, lúc sang đường Bưởi, nhưng mắt trinh sát Lê Thành Hiển vẫn không xa rời mục tiêu. Đến khi áp sát được đối tượng Nguyễn Khoa Nam, hắn đã tấn công bằng cách cắn liên tiếp vào tay trinh sát Lê Thành Hiển nhưng đã bị anh siết chặt khống chế. Ngay sau đó cùng với sự hỗ trợ của đồng đội, đối tượng Mạnh đã bị các trinh sát bắt gọn. 

 Giờ ngồi đây hỏi Thượng úy Lê Thành Hiển về chuyện cũ rằng trước khi nhảy xuống sông Tô Lịch anh có biết dưới lòng sông là xú uế nồng nặc, chất thải dày đặc và cả búi bơm kim tiêm của đối tượng nghiện ma túy thả xuống không? thì anh đáp: “Biết chứ nhưng lúc đấy tôi chỉ thoạt nghĩ rằng phải truy bắt tội phạm ma túy, bắt bằng được vì chúng chủ động vứt túi thuốc lắc hòng phi tang và chọn phương án thoát bằng đường bơi qua sông ô nhiễm nên tôi nhảy xuống theo sát đối tượng bỏ trốn. Đến khi bị đối tượng cắn nhiều nhát chảy máu dưới nước tôi cũng chẳng nghĩ gì, sau truy xét đối tượng bị nghiện tôi mới đi thử máu và đợi kết quả, may mắn không bị làm sao. Giờ nếu xảy ra vụ việc tương tự tôi vẫn sẽ hành động như vậy”…

Chuyện ngoài hồ sơ 

Thượng úy Lê Thành Hiển cho biết, kỷ niệm làm án 10 năm qua với anh thì rất nhiều, nhưng sau mỗi vụ án anh phải “format” lại bản thân để tiếp tục với công việc mới. Chúng tôi hiểu những gì anh tâm sự bởi xã hội càng phát triển, tội phạm hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khiến mọi mặt trận các anh đảm nhiệm từ cấp địa bàn sẽ thêm phần khó khăn, vất vả. “Thời gian trôi nhanh quá, ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ là công nhân quốc phòng, chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang thị trường nên bố về nghỉ, từ lớp 8 bố mẹ đã định cho tôi vào học thiếu sinh quân để gia đình tập trung nuôi dạy cô em gái. Vì khó khăn quá nên việc gì cũng phải làm, từ nhặt rau, nuôi lợn đến phụ mẹ bán hàng… Và giấc mơ vào lực lượng vũ trang để ăn học bớt chi phí, đỡ cho bố mẹ đã hình thành trong tôi từ tấm bé. Những tháng ngày sau đó là cả một cuộc vật lộn với sự mưu sinh, học hành để bố mẹ đỡ vất vả. Năm 2001, sau 4 tháng huấn luyện tại trường Trung cấp Cảnh sát, tôi về công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động. Nghĩ bản thân phải tiếp tục trau đồi, tôi thi và theo học trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân. Năm 2005, học xong, ra trường và về công tác tại Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Cầu Giấy từ đó đến nay”, anh Hiển tâm sự. Không một ai trong gia đình theo ngành Công an, nhưng khi đi theo ngành gia đình rất ủng hộ ước mơ của anh. “Tôi hạnh phúc vì gia đình hiểu được đặc thù của công việc nên luôn động viên tinh thần trên trận tuyến nhiều nguy hiểm này. Ngày đó giữa lý thuyết học trong trường và thực tiễn ngoài công việc có nhiều điểm khác nhau khiến tôi gặp phải không ít bỡ ngỡ. Nhưng “nhìn” thấy sự đam mê công việc của các chú, các anh đi trước trong đơn vị đến sự linh hoạt ứng phó, va chạm với thực tế do thời gian bồi đắp càng củng cố trong tôi niềm tim vào con đường mình đã chọn là đúng”, anh Hải cho biết. 

Trưởng thành qua công việc

Và đến giờ chắc cũng có quá nhiều kỷ niệm về nghề để kể? - Tôi hỏi. Nụ cười hiền như để khước từ nói về những chiến công của anh thật gần gũi. Đối với Thượng úy Lê Thành Hiển 10 năm ở Tổ án mờ, Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Cầu Giấy đã cùng trưởng thành qua bao lớp đồng đội, có người đã nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới nhưng tuy mỗi người mỗi cảnh, khi đã ở dưới mái nhà chung, cùng mặc chung một màu áo thì đều tâm niệm: Công việc là số 1. Dù vất vả, nguy hiểm khó khăn đến mấy, thách thức nhường nào thì người chiến sĩ công an phải xác định phá án càng nhanh càng tốt, không để người dân phải sống trong lo lắng, bất an. Từ những trăn trở ấy mà những vụ án xảy ra trên địa bàn phường luôn được anh cùng đồng đội quyết tâm đến cùng. Thành quả cho sự miệt mài đó là anh cũng đồng đội đã quét vét, đưa về hàng trăm gái “dịch vụ”, hàng chục đối tượng chăn dắt; triệt xóa cả chục vụ môi giới mại dâm, cơ sở massage kích dục, múa thoát y…

Theo Thượng úy Lê Thành Hiển, vài năm trước trên địa bàn quận Cầu Giấy xảy ra nhiều vụ trọng án, là cán bộ trinh sát tổ án chưa rõ thủ phạm nên khi nhận lệnh từ cấp chỉ huy anh đều là những người có mặt từ rất sớm, tổ chức, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp với các lực lượng khám nghiệm hiện trường để xác lập phương án cũng như biện pháp đấu tranh. Điển hình trong đó phải kể đến vụ giết người xảy ra ngày 13-6 vừa qua tại ngã tư đường Lê Đức Thọ kéo dài giao cắt với đường Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy. Được ban chỉ huy đội chỉ đạo, anh đã cùng tổ công tác xuống hiện trường ban đầu xác định bị hại là anh Cao Minh Tuấn (SN 1990), ở Đồng Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ bị 1 đối tượng dùng dao đâm trọng thương, anh Tuấn được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Qua rà soát xác minh, thông qua nguồn tin cung cấp của các mũi trinh sát đã nhanh chóng làm rõ đối tượng là Nguyễn Bá Thanh (SN 1991), ở xóm 1, Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh. Sau khi gây án đối tượng đã bỏ trốn. Lập tức Thượng úy Hiển đã cùng Phòng Cảnh sát Hình sự lên đường truy bắt đối tượng về quy án…

 

“Các vụ giết người xảy ra trên địa bàn quận vài năm gần đây nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn bột phát tức thời về tình ái, va chạm trong sinh hoạt...; nhiều vụ án chúng tôi tưởng chừng hoàn toàn bế tắc, nhưng quyết không bỏ lọt đối tượng nên dần dần các tình tiết vụ án lại được mở ra” - anh Hiển tâm sự. Lính hình sự mà nhiều lúc cũng phải hóa thân vào nhiều “vai diễn” ngoài đời thực. Kỷ niệm đấy có được cũng trong một vụ án đáng nhớ mà Thượng úy Hiển trực tiếp tham gia. Một vụ án xảy ra tại một công trường xây dựng bên Long Biên, nạn nhân chạy xe ôm bị đâm may mắn thoát chết, khi anh Hiển cùng tổ công tác có mặt tại hiện trường thì mọi dấu vết gần như bằng không, tang vật chỉ còn lại đúng cái quần soóc gió màu vàng, và vài nét phác họa chân dung đối tượng do nạn nhân kể lại… “Linh tính thế nào tôi lục soát kỹ lại chiếc quần thì phát hiện có 1 cái sim điện thoại đã cũ, từ đây nút thắt của vụ án được mở ra: kích hoạt lại sim, lần theo chủ sở hữu chiếc sim thì “định vị” được khu vực chiếc điện thoại người chủ đánh rơi mất. Đối tượng nhanh chóng được xác định quê quán ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi lập tức lên đường, các trinh sát lần lượt “nhập vai” giám đốc, kỹ sư ăn vận comple, cà vạt chỉnh tề đến huyện Bá Thước tuyển dụng lao động tự do. Khi lừa được đối tượng ra, “giám đốc, kỹ sư” nhanh chóng bắt giữ và đưa về trụ sở công an huyện để đấu tranh ngay lập tức, thu được ngay tang vật. Đang trong lúc đấu tranh với đối tượng chúng tôi được mật báo phải nhanh chóng đưa đối tượng rút khỏi địa bàn ngay bởi các đối tượng toàn bắt “sóng ngắn” với nhau bằng tiếng dân tộc để “giải cứu” ngay tại bản. Đưa đối tượng lên xe, bật còi ủ, chúng tôi phóng như bay về xuôi”… 

Tâm sự riêng người lính 

Gần 10 năm sát cánh cùng đồng đội, Thượng úy Lê Thành Hiển đã trực tiếp tham gia phá hàng chục vụ án, đấu tranh phòng chống tội phạm về tệ nạn xã hội, phối hợp với lực lượng nghiệp vụ để làm giảm tỉ lệ tội phạm cướp giật, trộm đêm, trộm cắp… Anh Hiển cho biết vài tháng nay anh đề xuất với cấp chỉ huy cho thành lập 2 tổ tuần tra chống cướp giật; chống trộm cắp tài sản trên địa bàn. Việc nhiều, đi miết, thế là cũng ngần ấy thời gian chiều tối anh chỉ tranh thủ tạt về nhà lùa nhanh bát cơm vội với vợ con rồi lại lên đường tuần tra cùng đồng đội, trở về cũng 4, 5h sáng. Anh Hiển cười và bảo: “Vợ con cũng hy sinh nhiều nhưng tôi đã giao ước với cô ấy rồi: “Công việc là số 1”, cũng may cô ấy hiểu, thông cảm, chu toàn mọi việc ở nhà để tôi an tâm công tác. Đền bù cho chuyện này thì chỉ biết động viên bà xã thôi. Thế nên người ta mới bảo mà đúng là lính hình sự giỏi nịnh vợ!”. (Cười)

Có những vụ án liên tiếp đã “lấy” đi của các anh thật nhiều thời gian và công sức. Các ngày nghỉ, lễ, Tết, các anh luôn được tăng cường để bảo vệ trật tự, nếu có trọng án thì anh em sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ngồi trước mặt tôi, có ai ngờ được người lính hình sự Lê Thành Hiển lại hay cười đến thế, anh bảo cuộc sống mà, công việc nhiều căng thẳng áp lực thì có bình thường mình phải biết tạo niềm vui để cân bằng chứ. Và trong công việc anh Hiển bảo cũng luôn cân bằng giữa tình và lý, đối tượng có tội thì phải chịu tội, nhưng không bao giờ anh ép đối tượng vào đường cùng bởi mỗi con người đều có một hoàn cảnh riêng. Chẳng biết đó có phải là “bí kíp” của anh không mà khi hỏi cung, cuộc thẩm vấn anh đều “đánh” trúng vào tâm tư tình cảm khiến đối tượng đều tự phải tâm phục khẩu phục… 

Trước lúc chia tay, tôi nghĩ về nỗi niềm của anh, đúng là công việc của người Cảnh sát nhân dân - họ đến và tự hào về ngành, yêu nghề với lời thề nguyện chiến đấu với cái ác để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.