Công trình nghiên cứu “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giải thưởng Trần Văn Giàu năm nay được trao cho tác phẩm tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” của nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư.

Tác phẩm "Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)” là công trình nghiên cứu trên 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Công trình gồm 6 phần chính, được chia thành 2 tập với mốc thời gian tập I từ 1698 - 1945 và tập II từ 1945 - 2020.

Phần dẫn nhập trình bày đại cương về địa lý tự nhiên của thành phố, về thời đại tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và Lưu dân người Việt.

GS-TS, Nhà giáo ưu tú Ngô Văn Lệ, Phó chủ tịch Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu cho biết, theo quy định của Điều lệ giải thưởng, mỗi năm đều xét tặng cho một tác phẩm có giá trị, nghiên cứu lĩnh vực lịch sử và lịch sử tư tưởng trên địa bàn Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Nhưng thực tế không phải năm nào cũng có tác phẩm đáp ứng được tiêu chí này. Do vậy, việc xét tặng giải thưởng có năm bị gián đoạn, thậm chí gián đoạn 3 - 4 năm, cho đến nay chưa có tác phẩm nào thuộc lĩnh vực lịch sử tư tưởng được tặng giải.

Nhà nghiên cứu nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng.

Nhà nghiên cứu nhận giải thưởng trị giá 200 triệu đồng.

"Năm 2023, Ủy ban Giải thưởng rất tự hào và vinh dự khi có tác phẩm "Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh dặm dài lịch sử (1698-2020)" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đoạt giải. Đây là công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo tốt và có sức lan tỏa rộng rãi" - GS-TS Ngô Văn Lệ nhấn mạnh.

GS-TS Võ Văn Sen, Chủ tịch hội Khoa học lịch sử TP HCM nhận xét, đây là bộ sách biên khảo của một cá nhân nghiên cứu sử học nhưng số lượng thông tin rất khổng lồ. Không chỉ đơn thuần là người yêu thích lịch sử, nhà nghiên cứu còn rất thẳng thắn về quan điểm sử học.

Tác phẩm thể hiện được chất riêng của người biên khảo. Các lĩnh vực trong tác phẩm rất toàn diện từ hành phát triển các lĩnh vực kinh tế - thương mại - tiền tệ, giao thông vận tải, về giáo dục, về các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, y tế - xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo, thể dục - thể thao, du lịch, về liên kết với các tỉnh và hội nhập quốc tế, an ninh quốc phòng…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, với tác phẩm “Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020)”, ông muốn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát, toàn diện, cụ thể các giai đoạn lịch sử.

"Tác phẩm này ví như một tập cẩm nang mà mọi cơ quan, cán bộ, công chức, mọi gia đình trong thành phố nên có để khi muốn tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến TP.HCM, chỉ việc mở sách ra là được thỏa mãn ngay, khỏi phải đi tìm đâu xa", nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ.

Công trình nghiên cứu hơn 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Công trình nghiên cứu hơn 20 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Giải thưởng Trần Văn Giàu do Giáo sư Trần Văn Giàu sáng lập năm 2002, nhằm trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ, khu vực cực Nam Trung Bộ (từ Ninh Thuận đến Cà Mau).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920 tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thời kháng chiến chống Pháp, ông là cộng tác viên báo Độc Lập; năm 1962 làm việc cho Ty Điền địa Phú Yên.

Tính đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có khoảng 60 đầu sách đã xuất bản, các công trình từ trước năm 1975 như: "Non nước Phú Yên" (1964), "Địa chí Khánh Hòa" (1972), "Non nước Ninh Thuận" (1974) và các công trình về sau như: "Đường phố nội thành TP HCM", "Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ", "Non nước Quảng Trị", "Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ", "Sổ tay tên đường ở TP HCM", "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ"...