Công tác tạm giữ phương tiện: Làm đúng luật, tăng tính răn đe

ANTĐ - Tạm giữ phương tiện là một trong những biện pháp răn đe đối với những trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định có liên quan, trong thời gian qua, CATP Hà Nội đã đảm bảo tốt trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô.

Công tác tạm giữ phương tiện: Làm đúng luật, tăng tính răn đe  ảnh 1Qua tra cứu, nhiều phương tiện vi phạm bị CSGT tạm giữ được xác định là tang vật trộm cắp

Tạo điều kiện tối đa cho người dân

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội, việc tạm giữ phương tiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông chỉ được áp dụng đối với những trường hợp vi phạm mà Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có quy định được tạm giữ phương tiện. Nhằm thực hiện nghiêm quy định, trong thời gian qua, đơn vị chỉ  cấp thẻ tuần tra xử lý vi phạm cho CBCS làm nhiệm vụ ngoài đường có đủ điều kiện chuyên môn. Điều này sẽ giúp cho công tác xử lý, tuần tra của lực lượng CSGT thêm hiệu quả, chuyên nghiệp, chính xác.

Đánh giá về biện pháp tạm giữ phương tiện khi lái xe vi phạm Luật Giao thông, Thượng tá Hoàng Văn Đạo-Đội trưởng Đội CSGT số 3 cho hay: Người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông bị tạm giữ phương tiện khi tại thời điểm CSGT kiểm tra, không xuất trình được đăng ký phương tiện; không đủ điều kiện điều khiển phương tiện (trong trường hợp uống rượu bia quá nồng độ cồn cho phép)... Ngoài ra, còn rất nhiều lỗi của người điều khiển buộc CSGT phải tạm giữ phương tiện nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của những người tham gia giao thông trên đường cũng như của chính lái xe vi phạm.

“Theo hướng dẫn của CATP Hà Nội, thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ”, Thượng tá Hoàng Văn Đạo thông tin. Trên thực tế, tùy từng lỗi vi phạm cụ thể, CSGT sẽ ra quyết định tạm giữ phương tiện, đồng thời giải quyết hồ sơ theo quy định. Việc giải quyết hồ sơ, phương tiện tạm giữ được thực hiện nghiêm, hướng tới người dân để phục vụ, sao cho giữ được tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của người vi phạm.

Cùng chung quan điểm trên, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ xử lý của Đội CSGT số 1 cho biết: Trung bình một ngày, bộ phận xử lý vi phạm của đơn vị giải quyết hàng chục trường hợp phương tiện vi phạm nằm trong diện tạm giữ. Tất cả những trường hợp người vi phạm đến đơn vị đều giải quyết theo đúng tinh thần hướng dẫn của CATP về công tác tạm giữ phương tiện giao thông. Đối với những trường hợp ở xa, tùy từng tính chất vi phạm, CSGT sẽ có những hướng dẫn, hỗ trợ cần thiết, sao cho đảm bảo đúng quy định nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Tăng cường công tác phối hợp

Về nơi tạm giữ phương tiện, Thượng tá Hoàng Văn Đạo cho biết, theo quy định, có thể tạm giữ phương tiện tại nhà, kho, bãi của đơn vị, trụ sở cơ quan hoặc ký hợp đồng thuê nơi tạm giữ phương tiện. Tất cả những nơi tạm giữ phương tiện cho người vi phạm đều phải đảm bảo an toàn về phòng, chống cháy, nổ và các điều kiện về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Nghị định số 115 Chính phủ và Thông tư 47 của Bộ Công an. Trong suốt thời gian qua, công tác tạm giữ cũng như nơi giữ phương tiện của đơn vị được thực hiện nghiêm theo đúng các hướng dẫn. Phương tiện, tài sản của người vi phạm được đảm bảo; không có trường hợp người vi phạm nào phàn nàn hay thắc mắc về vấn đề này. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay mặc dù trụ sở các đơn vị CSGT đều đã được xây dựng mới, khang trang, tuy nhiên, diện tích xây dựng mới đáp ứng được yêu cầu về nơi làm việc, tiếp dân, xử lý hành chính..., còn nơi tạm giữ phương tiện vi phạm tại đơn vị là khá khó khăn. Ngoài ra, số lượng phương tiện nằm trong diện tạm giữ khá lớn. Để đảm bảo yêu cầu, các đơn vị đều gửi tại những bãi trông giữ xe của Nhà nước theo đúng quy định đã ban hành.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, đối với những phương tiện hết thời hạn tạm giữ, CBCS trong đơn vị sẽ giám định những phương tiện không xác định được số khung, số máy. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu, CSGT sẽ dùng những thông số kỹ thuật trên để tra cứu dữ liệu tang vật và tra cứu tìm chủ đăng ký phương tiện. CSGT có thể xác minh trực tiếp hoặc mời chủ đăng ký phương tiện, người vi phạm đến giải quyết. Đại diện Đội Tham mưu tổng hợp Phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội bổ sung, những phương tiện không xác định được chủ đăng ký sẽ được đơn vị thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan xử lý vi phạm hành chính. 

Quá trình xác minh chủ sở hữu, các đơn vị chức năng phối hợp trong công tác xử lý phương tiện tạm giữ như tổ chức giám định, tra cứu, đăng trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như gửi giấy mời... đảm bảo thuận tiện, đúng thời hạn. Những phương tiện này theo luật định phải được giải quyết dứt điểm trong thời hạn tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày tạm giữ. “Tất cả những phương tiện nằm trong diện tạm giữ bị người vi phạm bỏ lại, chúng tôi đều cố gắng tra cứu, xác minh tìm chủ sở hữu. Phần nhiều trong số đó là xe tang vật. Việc người dân mua bán phương tiện không sang tên đổi chủ cũng gây khó khăn rất lớn trong công tác tra cứu, xác minh. Đề nghị người dân khi mua bán phương tiện cần sang tên đổi chủ theo đúng quy định, và hơn hết là chấp hành nghiêm quy định, vừa đảm bảo quyền lợi cũng như góp phần giữ gìn TTATGT”, Đại diện Phòng CSGT khuyến cáo.