Cộng đồng mạng tranh cãi vì ngôn từ trong cuốn truyện cổ tích dành cho thiếu nhi

ANTD.VN - Do NXB Thế giới phát hành, cuốn truyện cổ tích dành cho thiếu nhi "Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon" đã dấy lên một cuộc tranh cãi xung quanh ngôn từ bị nhiều người cho rằng phản cảm.

Cuốn sách tập hợp những chuyện kể hay nhất thế giới gồm truyện cổ tích, thần thoại dành cho trẻ nhỏ. Thế nhưng, mới đây, hình ảnh về một trang trong cuốn sách được lan truyền trên mạng xã hội lại khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình vì ngôn từ quá thô trong cuốn sách.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trang sách được lan truyền ấy nói về cuộc chiến giữa nhân vật tên Diabu N'Dao và sư tử. Chỉ vì thích ăn hạt cọ mà cô bé đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của cha mẹ và anh trai về một con sư tử sắp tới. Khi sư tử tới, mẩu chuyện kể lại cuộc chiến giữa cô bé và sư tử liên tiếp nuốt chửng nhau rồi chạy thoát bằng đường hậu môn.

Cuốn sách bị phản ánh có ngôn từ phản cảm

Kết truyện, cô bé đã bít “cửa hậu”, nuốt sư tử và leo lên giường ngủ ngon lành. Điều đáng ngạc nhiên là từ ngữ sử dụng để diễn tả cảnh Diabu N'Dao và sư tử nuốt chửng lẫn nhau lại được diễn tả khá phản cảm và hầu như không có bàn tay của biên tập viên chỉnh sửa khi xuất bản cuốn sách. 

Trước "Nicôlét và kho báu của phù thủy Paturon", hàng loạt truyện thiếu nhi khác cũng đã bị phản ánh vì chứa ngôn từ phản cảm, nội dung dung tục như "Thần thoại Hy Lạp" của NXB Kim Đồng có nội dung và minh họa không phù hợp với trẻ em. Cuốn sách này sau đó đã bị Cục Xuất Bản (Bộ Thông tin và Truyền thông" đình chỉ phát hành. Hay như cuốn "Thỏ trắng và thỏ xám"-Truyện cổ tích Việt Nam ghi tên NXB Hải Phòng, phát hành năm 2014. Tuy nhiên ngay sau đó, đại diện NXB Hải Phòng đã cho biết cuốn sách trên là sách lậu và khẳng định không cấp giấy phép xuất bản cuốn sách này.

Trang sách khiến dân mạng xôn xao

Liên quan đến cuốn sách "Nicôlét và kho báu của Paturon", ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới cho biết, sẽ kiểm tra lại thông tin về cuốn sách này. Tuy nhiên theo ông Lâm, trong từ điển thì việc sử dụng ngôn ngữ trên không nhạy cảm cũng như không bậy bạ.

“Tôi nghĩ dùng từ trên không bậy bạ, mọi người vẫn hay sử dụng mông đít có sao đâu”, ông Lâm chia sẻ.