Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2023):

Công an Hà Nội tiếp nối mạch nguồn tri ân, đền ơn đáp nghĩa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành kể từ thời điểm thành lập tháng 6-1946, đã có 400 cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội ngã xuống, hàng nghìn đồng chí vẫn mang trên mình những vết thương để gìn giữ, bảo vệ sự bình yên cho đất nước và nhân dân Thủ đô.

Những chủ trương và hành động đến từ trái tim

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2023), tại buổi Lễ trao nhà tình nghĩa tặng thân nhân 3 liệt sĩ nguyên là cán bộ, chiến sĩ CAQ Cầu Giấy (ngày 20-7-2023), Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội nhắc lại một nội dung trong bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét”.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cùng đoàn công tác Công an Hà Nội đến thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ Công an nhân dân vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2023)

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cùng đoàn công tác Công an Hà Nội đến thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ Công an nhân dân vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2023)

Bao nhiêu năm qua, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thực hiện bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nội dung, chương trình công tác về chính sách ưu đãi người có công và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực để giúp cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có được một cuộc sống ổn định. Đó là, chủ động tiến hành tổng rà soát thông tin và việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với Cách mạng trong Công an thành phố (thông qua việc cấp phiếu rà soát thông tin và thực hiện chế độ đến hơn 1.000 thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thuộc lực lượng Công an nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội). Từ đó đã xây dựng được bức tranh toàn cảnh về thông tin, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, thực trạng nhà ở của các đối tượng chính sách trên địa bàn để tham mưu, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội trao quà tặng thân nhân 3 liệt sĩ thuộc CAQ Cầu Giấy, tại buổi lễ bàn giao nhà ở xã hội, ngày 20-7-2023

Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội trao quà tặng thân nhân 3 liệt sĩ thuộc CAQ Cầu Giấy, tại buổi lễ bàn giao nhà ở xã hội, ngày 20-7-2023

Công an thành phố Hà Nội đã và đang thực hiện đầy đủ chế độ chính sách đối với 161 đồng chí là thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác; 949 đối tượng, gia đình người có công thuộc lực lượng Công an nhân dân cư trú trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ; các cơ sở tình nghĩa, các Trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ như bia, đài, nhà tưởng niệm; đồng thời, tổ chức thăm viếng, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.

Cùng với việc kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ; hoàn chỉnh đầy đủ các hồ sơ cán bộ hy sinh, bị thương trong chiến đấu để đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh theo đúng quy định; từ năm 2017 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Bộ Công an đề nghị xác nhận thương binh đối với 15 đồng chí; đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với 9 đồng chí (trong đó, có 3 trường hợp là hồ sơ tồn đọng từ nhiều năm trước, lập hồ sơ đề nghị nhiều lần mới được xác nhận liệt sĩ). Hiện nay, Công an thành phố Hà Nội không còn hồ sơ người có công bị tồn đọng.

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội tặng quà, thăm hỏi sức khỏe thương binh Bùi Đức Việt, nguyên cán bộ CAQ Hoàng Mai

Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội tặng quà, thăm hỏi sức khỏe thương binh Bùi Đức Việt, nguyên cán bộ CAQ Hoàng Mai

Sự tri ân, tình cảm của thế hệ hôm nay

Kết quả nổi bật trong công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa của Công an thành phố Hà Nội là xây mới nhà tình nghĩa tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Từ nhiều nguồn kinh phí, bao gồm: báo cáo Bộ Công an hỗ trợ; vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện ủng hộ; báo cáo chính quyền địa phương; vận động xã hội hóa... Trải qua hơn 15 năm thực hiện xây, sửa nhà tình nghĩa tặng thương binh, gia đình liệt sĩ Công an nhân dân theo chủ trương của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện xây mới, sửa chữa 83 nhà tình nghĩa, nhà ở xã hội với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Qua đó, cơ bản hoàn thành việc xây mới nhà tình nghĩa tặng thương binh, gia đình liệt sĩ Công an nhân dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện nay, Công an thành phố Hà Nội tập trung rà soát những trường hợp nhà ở xuống cấp để hỗ trợ sửa chữa.

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì Lễ khánh thành và bàn giao công trình sửa chữa nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh Lỗ Văn Sinh (ở thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì)

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội chủ trì Lễ khánh thành và bàn giao công trình sửa chữa nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh Lỗ Văn Sinh (ở thôn Tòng Lệnh, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì)

Theo đánh giá của cơ quan cấp trên, Công an Hà Nội là một trong những địa phương đã có sự chủ động, trách nhiệm về việc hỗ trợ, bố trí việc làm đối với thân nhân liệt sĩ. Đảng ủy, lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, tuyển dụng đối với các trường hợp là thân nhân liệt sĩ Công an nhân dân vào công tác trong lực lượng Công an thành phố.

Những sự nối tiếp này đã và đang phát huy tinh thần quả cảm, nhiệt huyết của người thân, như đồng chí Đỗ Như Quỳnh - cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Đống Đa (vợ của liệt sĩ Phạm Công Huy, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ); đồng chí Trần Thị Quang Minh - cán bộ Đội Tổng hợp, Công an quận Thanh Xuân (thân nhân của 3 liệt sĩ: Trần Văn Đức, Lê Thị Nhàn, liệt sĩ Công an nhân dân Trần Thị Thuyết). Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội còn tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều đồng chí thương binh, nhiều đồng chí là thân nhân liệt sĩ trong việc bố trí, điều động công tác để phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh gia đình.

Tuổi trẻ Công an Thủ đô dâng hương, báo công tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị

Tuổi trẻ Công an Thủ đô dâng hương, báo công tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các khu di tích lịch sử cho thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác; đặc biệt đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia: Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Nghĩa trang Vị Xuyên.

Các chuyến công tác đã thực sự có ý nghĩa, tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ. Nhiều câu chuyện về các tấm gương dũng cảm của các thương binh, các liệt sĩ đã được tái hiện khiến các thành viên trong đoàn công tác vô cùng xúc động... Thông qua những câu chuyện đó, Đảng ủy, lãnh đạo Công an thành phố giao Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị; Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ CATP Hà Nội tổ chức các buổi tọa đàm, các đợt sinh hoạt chính trị để học tập, tuyên truyền, nhân điển hình tiên tiến. Như tổ chức tuyên truyền tấm gương dũng cảm của liệt sĩ Phạm Công Huy; xây dựng bộ phim tài liệu về 3 liệt sĩ: Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt, Nguyễn Đình Phúc; tọa đàm truyền thống “Lực lượng Công an Thủ đô tiếp bước, phát huy chiến công của nữ điệp báo - Anh hùng Nguyễn Thị Lợi”.

Để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ; đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Công an Thủ đô tại địa chỉ số 67 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội; xây dựng Bảo tàng Công an thành phố Hà Nội - nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử. Tháng 7-2022, Công an thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành, an vị tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi tại Bảo tàng Công an thành phố, đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô học tập, noi theo.