Còn trăn trở những mảnh đời thơ dại

ANTĐ - Lớp học chưa đến 30 học sinh, nhưng đều giống nhau ở hoàn cảnh cơ hàn. 20 năm trước, khi chúng tôi tới thăm, cuộc sống các em đã đầy trắc trở. Và bây giờ cũng vậy, những đứa trẻ của Mái Ấm 19-5 vẫn khó lòng tìm thấy niềm vui.

Đại diện Báo An ninh Thủ đô trao quà cho các cháu Mái Ấm 19-5

Nhớ ngôi trường ấy

Năm 1992, nhạc sỹ Thanh Tùng có sáng kiến xây dựng tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) một ngôi trường để nuôi dạy những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa. Thời gian đó cũng là lúc đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, khu vực Phúc Xá trở thành nơi ngụ cư của cơ man người lao động các tỉnh đổ lên Hà Nội tìm kiếm công ăn việc làm. Những gia đình nghèo khó, dắt díu theo cả những đứa trẻ còn thò lò mũi, tá túc ở những khu nhà ổ chuột, hoặc các căn lều lợp giấy dầu tạm bợ hàng ngày “lăn” ra các khu chợ Long Biên, Đồng Xuân, Bắc Qua… kiếm việc làm. Những cậu nhóc, cô nhóc ấy cứ lớn lên như cây cỏ. Thất học, không khai sinh, không hộ khẩu, rồi lang thang, bụi đời. Lớn thêm chút nữa thì gây lộn rồi phạm pháp… Ngôi trường Mái Ấm 19-5 ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Chị Đinh Thị Hảo - Cán bộ Phòng LĐTB&XH quận Ba Đình nhớ lại: “Lúc đó Mái Ấm thực sự là một chương trình rất nhân văn. Công trình của nhạc sỹ Thanh Tùng với sự phối hợp của quận Ba Đình trở thành nơi nuôi và dạy học cho hơn 200 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em được đưa đến đây nuôi ăn và dạy chữ. Cũng nhờ vậy mà các em không sa ngã cha mẹ các em cũng yên tâm về con mình để mưu sinh”. Lúc đó, dù còn khó khăn, nhưng Báo An ninh Thủ đô cũng đóng góp một phần công sức vào việc góp kinh phí và nhận đỡ đầu nuôi dưỡng các em nhỏ. Thấm thoát vậy mà đã 20 năm.

Bây giờ Trung tâm Mái Ấm đã khang trang hơn trước, lớp học đã được đầu tư xây dựng lại nhưng hoàn cảnh của những đứa trẻ ngụ cư thì vẫn vậy. Sáng 27-11, chúng tôi quay lại nơi 20 năm trước đã từng có duyên nợ để trao một chút quà, cũng là cái cớ để thăm những mảnh đời cơ cực tại nơi vốn từng được coi là “xóm liều ngoài bãi”. Những ánh mắt ngây thơ mừng rỡ khi nhận những cuốn vở, những bịch gạo. Chị Hảo nói: Hiện nay các em đi học, trường không còn phải nuôi như xưa nữa. Cuộc sống khá hơn, nhưng không có nghĩa là những đứa trẻ này bớt đi phần vất vả. Thay vì học nội trú như trước, hiện nay các em chỉ đi học nửa ngày, nửa ngày còn lại chúng theo cha mẹ đi kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Công việc cũng đa dạng, có thể là bán hàng thuê, cũng có khi là cắm cúi hàng đêm bên những tải hàng tại chợ đầu mối. Đó là cách mà chúng buộc phải lựa chọn để tồn tại.

Mong sự sẻ chia

Mặc dù những món quà Báo An ninh Thủ đô gửi tới các em lần này tuy khiêm tốn, nhưng với các em, nó thực sự có ý nghĩa động viên khá lớn. Ông Võ Thắng hiện tạm trú tại ngõ 193 Phúc Tân có 4 đứa con thì phải gửi tới 3 đứa học tại Mái Ấm 19-5. Ông Thắng quê tận Bình Dương, ra Hà Nội đã mấy chục năm nhưng đến nay vẫn không một tấc đất cắm dùi. Cả đời vợ chồng ông chỉ biết đi làm thuê, bản thân ông cũng mất sức lao động nên mọi chi tiêu chỉ biết trông vào bà vợ ngày ngày bán sức ở chợ Long Biên. Nhận những món quà của Báo An ninh Thủ đô, ông Thắng ngậm ngùi: “Thu nhập của gia đình tôi cũng bấp bênh lắm, mang tiếng ở Hà Nội nhưng để cho con theo học ở các trường công lập thì không đủ sức. Hơn nữa hộ khẩu không có nên các yêu cầu tối thiểu là bộ hồ sơ xin học cho con cũng không thể hoàn thiện được. Thú thực, nếu không có ngôi trường này thì con tôi thất học cả”.

Chị Nguyễn Tuyết Nhung mẹ cháu Nguyễn Văn Hoàng Tú hiện theo học lớp 5 của Mái Ấm 19-5 cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhận quà từ tay đại diện Báo ANTĐ, chị cứ níu vai áo kể khổ: “Tôi hoàn cảnh éo le, mang tiếng hộ khẩu Hà Nội nhưng đã ly hôn. Thằng bé này là con ngoài giá thú, bây giờ chẳng biết nhập hộ khẩu về đâu nữa. Xin nhập về nhà chồng cũ thì chắc chắn chẳng được. Hiện tôi phải đi ở thuê, thế nên cháu năm nay đã 14 tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh. Nói thẳng ra thì về mặt giấy tờ, chẳng có thứ gì chứng minh là nó đang tồn tại cả”.

Phần lớn những học sinh của Mái Ấm đều có hoàn cảnh như vậy. Các em đều xuất thân từ những gia đình nghèo. Câu chuyện về cái nghèo ở đây nhiều lúc đau lòng. Nghèo đến mức khi sinh nở, cha mẹ các em chỉ mắt trước mắt sau là ôm con trốn viện vì không có tiền nộp viện phí. Hậu quả là hầu hết chẳng em nào có giấy chứng sinh. Cuộc sống khó khăn lúc đó khiến họ đều tặc lưỡi: Thôi thì, việc khai sinh cho con để… tính sau vậy. Nhưng cứ tặc lưỡi “tính sau” cứ kéo dài suốt cả chục năm để rồi cả đời rơi vào bế tắc.