“Con sâu làm rầu nồi canh”

(ANTĐ) - Ngày 17-10 vừa qua, bản tin thời sự trên kênh truyền hình quốc gia của nhiều nước trên thế giới đã cùng chúc mừng sinh nhật “blogger già nhất thế giới”. Đó là  cụ bà Olive Riley - 108 tuổi. Mỗi ngày có hàng chục vạn lượt người truy cập vào blog của bà. ở đó có những câu chuyện về cuộc đời bà, những kinh nghiệm trong cuộc sống, thế giới quan, nhân sinh quan... Nói vậy để hiểu rõ hơn về sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của một cá nhân đối với cộng đồng blog trên thế giới.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

(ANTĐ) - Ngày 17-10 vừa qua, bản tin thời sự trên kênh truyền hình quốc gia của nhiều nước trên thế giới đã cùng chúc mừng sinh nhật “blogger già nhất thế giới”. Đó là  cụ bà Olive Riley - 108 tuổi. Mỗi ngày có hàng chục vạn lượt người truy cập vào blog của bà. ở đó có những câu chuyện về cuộc đời bà, những kinh nghiệm trong cuộc sống, thế giới quan, nhân sinh quan... Nói vậy để hiểu rõ hơn về sức ảnh hưởng và sự lan tỏa của một cá nhân đối với cộng đồng blog trên thế giới.

Nhìn gần lại, sức ảnh hưởng và sự lan tỏa này cũng đang hiện diện trong cộng đồng blog Việt. Nhưng điều đáng nói là có không ít những cá nhân – là chủ sở hữu của những blog đen, blog bẩn làm ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng blog Việt. Nói như các blogger thì chính những blog này đã làm “xấu mặt” cộng đồng blog Việt.

Đã bước sang năm thứ 3, hình thức blog xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa tìm được phương thức nào hợp lý để kiểm soát tình hình này. Trong lúc đó thì những “tai nạn”, những “scandal” ngày càng dồn dập hơn trong cộng đồng blog Việt. Những “sự vụ” này thậm chí đã vượt ra ngoài “thế giới ảo” trên mạng, xâm nhập vào đời sống thường nhật của mọi người dân trong nước, kể cả những người chưa từng biết đến “blog” là gì....

Nhìn lại chặng đường 3 năm của “blog Việt”

Được đánh giá là một trong những sự kiện CNTT Việt Nam của năm 2006 cùng với việc Bill Gates đến thăm Việt Nam, Intel chọn Việt Nam làm nơi mở nhà máy “chip” lớn nhất, Việt Nam đi đầu về thử nghiệm WiMax, vấn đề bản quyền trở nên nóng bỏng, VOIP tính cước theo block 6 + 1 và tính cước một vùng, sự xuất hiện của hàng loạt virus “nội” trên mạng, Quốc hội chính thức thông qua Luật CNTT... - Đó là cơn sốt blog đến cùng Yahoo 360 “đổ bộ” vào Việt Nam. Web cá nhân đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, nhưng phải đến khi Yahoo 360 ra đời (cho phép người sử dụng tài khoản trên dịch vụ của họ tạo trang web riêng gắn với nickname trên Yahoo Messenger và Yahoo Mail), thì khái niệm blog mới thực sự tạo nên những thay đổi lớn trong cách giao tiếp và cả cách sử dụng Internet của “cư dân mạng” tại Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ.

Trong số hàng ngàn những blog online hiện nay, có những blog đã trở thành diễn đàn giao lưu trực tuyến của các bạn trẻ bởi sự hấp dẫn, tính chân thực và cách hành văn có hồn của chủ nhân khi đề cập đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên thế giới blog cũng đã trải qua những biến động: bắt đầu từ việc “khẩu chiến” giữa các blogger. Không còn là những cuộc tranh luận, giãi bày, tâm sự… để giới trẻ giao lưu trao đổi làm giàu thêm vốn tri thức của mình mà thay vào đó diễn ra nhiều “cuộc chiến” cãi vã, lời chửi rủa thiếu văn hóa. Trầm trọng hơn, đến thời điểm này, blog là “khởi nguồn” của những dòng thông tin độc hại, truyền bá khiêu dâm, kích động bạo lực, bôi nhọ sự thật... làm ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, đến môi trường văn hóa xã hội và an ninh quốc gia.

Những vụ việc điển hình không đủ để “làm gương”

Nhớ lại mấy năm trước, đã xảy ra một cuộc chiến nảy lửa giữa giới blogger Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cuộc chiến bắt nguồn từ một entry của blogger có nickname Bé Crys đối với văn hóa Hà Nội. Như một cuộc động đất, hàng ngàn comment lý giải, chỉ trích, thậm chí... dọa “giết” của nhiều blogger Hà Nội ào ạt “nã đạn” vào blog của Bé Crys. Cô gái 19 tuổi này đành đóng cửa blog của mình, thậm chí có một thời gian dài chẳng dám đi đâu một mình.

Kế đến là nạn “đạo” blog. Những blog hay với lối hành văn trau chuốt được nhiều blogger khác để ý “ghé thăm” thường xuyên. Và mục tiêu “đạo” những bài viết hay đó đôi khi trở thành đích ngắm của các blogger khác. Họ làm vậy để được bạn bè khen rằng mình viết blog hay, hấp dẫn, được nhiều “girl or boy” để mắt; hoặc thậm chí chỉ vì chẳng biết viết gì thì vác blog của ai đó về nhà mình cho “ấm cửa đầy nhà”. Khi bị phát hiện thì chỉ bằng vài cú click chuột đơn giản, “thủ phạm” đã xóa sạch dấu vết. Dù chẳng thiệt hại gì, song các blogger có blog bị “đạo” rất bức xúc khi những cảm xúc thật của mình bị người khác “copy”.

Thật đáng tiếc, thậm chí đáng thương, những người tưởng là hiểu biết, có văn hóa và rất mốt, rất hiện đại, giống Tây.

Bạn biết không, những thứ linh tinh lang tang đó, đa số công dân của các nước phát triển coi là sự thiếu hiểu biết của tầng lớp... hạ lưu. Một viên chức bình thường của họ cũng biết mỉm cười chào người lạ trong thang máy, bước đi thẳng thắn, không nói to, cười lớn trên xe buýt, tàu điện ngầm, luôn biết nói cảm ơn và xin lỗi. Xin đừng lầm sự hiểu biết máy móc về kỹ thuật là tương đồng về văn hóa.

Buoncuoiqua@yahoo.com

Nổi đình nổi đám trong giới blog những năm đã qua là sự kiện blog của Cuong Oz với loạt phóng sự “Dân chơi Hà thành” và “Dân chơi Sài thành”. Thật sự giật mình vì những chi tiết, hình ảnh được miêu tả khá “trần trụi” về sự sa đọa, thác loạn như đua xe, trưng mốt, sài ôtô, lắc thác loạn rồi “khoe hàng” của một bộ phận giới trẻ trên blog của Cuong Oz. Ngay lập tức, blog của Cuong Oz đã có con số không đếm được người truy cập, vài trăm comment sau mỗi phần và tạo nên cơn sốt thật sự trong thế giới blog lẫn thế giới thực. Cùng với đó là sự xuất hiện những entry, comment (bình luận) “nã pháo” lại loạt phóng sự của Cuong Oz bằng những lập luận cho rằng đấy là phóng sự “ma”. Những hình ảnh mà Cuong Oz “dựng” lên đều là sự cóp nhặt, “đạo” trên các website của trong và ngoài nước rồi nhào trộn, xào xáo mà thành. Kết quả từ sự bịa đặt không có thật đó là blog của Cuong Oz đã phải “đóng” một thời gian, khi “mở” cửa trở lại, loạt phóng sự trên đã không còn.

Tiếp đến, giới blogger lại xôn xao bởi một đoạn video clip “nóng” quay cảnh thay đồng phục của nữ sinh một trường nổi tiếng ở Hà Nội bị tung lên Yahoo 360 độ. Một nữ sinh với chiếc điện thoại di động đã chớp cơ hội quay lại toàn bộ khung cảnh thay áo dài của các bạn sau giờ chào cờ thứ hai hàng tuần và tung lên blog của mình. Sự việc gây náo loạn trong phòng thay đồ và nữ sinh này đã bị lên án và kỷ luật nghiêm khắc.

Bên cạnh đó, trong thế giới  blogger cũng có những hiện tượng viết các entry gây “shock” để “câu” view và comment. Mục đích đạt được là số lượng view và comment (số người truy cập và thông tin phản hồi) tăng lên thật nhiều. Nhưng cái giá phải trả là những blogger đó phải mai danh ẩn tích, hoặc phải xóa blog vĩnh viễn… Trong một thế giới “thực mà ảo”, “ảo mà thực” như blog, chuyện đưa những thông tin thiếu chính xác, dễ gây hiểu lầm và thật sự cũng có một số kẻ quậy phá... là hoàn toàn khó tránh. Chính giới blogger sẽ phải đủ bản lĩnh để đối mặt, không “dính” hoặc tự mình phải thoát ra khỏi những rắc rối từ vòng xoáy đầy ma lực của blog cá nhân.

Nhiều người cho rằng cuộc chiến ngăn chặn blog sex hay blog đen cam go chẳng kém gì cuộc chiến với các trang web sex. Mặc dù địa chỉ blog không dễ tìm như các website nhưng nó lại phát tán rất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, do việc tạo lập blog khá dễ dàng, nhanh và hoàn toàn miễn phí nên blog sex có điều kiện thuận lợi để phát triển hơn web sex. Hơn nữa, blog được coi là “nhật ký cá nhân” và chính khái niệm này đang bị lợi dụng, tránh được sự quản lý của luật pháp. Hiện có rất nhiều “cư dân mạng” đẩy mạnh phong trào tẩy chay “blog đen”. Nhưng ai cũng hiểu rằng: cuộc chiến với “blog đen” mới chỉ bắt đầu, và chỉ có những ý thức, suy nghĩ lành mạnh ở mỗi cá nhân mới có thể “tiêu diệt” được “đối tượng” này. “Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là lời nhắc nhở chung mà những blogger “sạch” gửi tới nhau, sau mỗi vụ việc ầm ĩ dội đến đời sống thực từ “thế giới ảo”.

(Còn nữa)

Huyền Trang – Trần Quân