Còn hàng lậu vì thủ tục nhập chính ngạch nhiêu khê

ANTD.VN - Xung quanh câu chuyện hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để tiêu thụ trong nước, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nếu ý thức người dân cao hơn, quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn thì sẽ hạn chế được tình trạng này.

- PV: Nạn hàng hóa nước ngoài trà trộn, mạo danh hàng Việt Nam đã được đề cập đến rất nhiều tại diễn đàn Quốc hội song đến nay vẫn là vấn đề bức xúc xã hội, nguyên nhân vì sao, thưa bà?

- ĐB Phạm Khánh Phong Lan: Hàng gian, hàng giả nói chung, hàng tiểu ngạch “đội lốt” hàng Việt Nam tràn vào thị trường nội địa là vấn đề “xưa như trái đất”. Thực trạng này chẳng bao giờ có hồi kết bởi chừng nào còn lợi nhuận thì còn gian lận thương mại. Không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước đều có. 

Đã là hàng gian lận thương mại, tức là vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm. Nếu ý thức người dân cao hơn, quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn thì sẽ hạn chế được. Hiện nay, cứ tưởng vào siêu thị sẽ yên tâm hơn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, thế nhưng, tôi nghe nói có siêu thị xuất hiện hiện tượng trà trộn hàng kém chất lượng vào. 

- Vậy trách nhiệm thuộc về ai, thưa bà?

- Với một thị trường tiêu thụ lớn như Việt Nam, nếu chúng ta kiểm soát được hàng gian lận thương mại thì không những bảo vệ được người tiêu dùng mà còn chống được thất thu thuế, bảo vệ được người sản xuất trong nước. Muốn vậy, trách nhiệm phải rõ ràng hơn. Tôi được dự một số buổi làm việc với cơ quan Hải quan và thấy một thực trạng rất đáng buồn là thủ tục rất nhiêu khê dẫn đến hàng chính thống, người nhập muốn nhập chính ngạch lại vướng mắc nhiều thủ tục. 

Trách nhiệm chính chắc chắn vẫn phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trong mô hình quản lý hàng hóa hiện nay, sự phối hợp và phân công chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành vẫn chưa ổn. Chẳng hạn, với các mặt hàng thực phẩm, trước đây, chúng ta quản lý theo lát cắt ngang, tồn tại rất nhiều bất cập.

Nay chúng ta thay đổi, quản lý theo lát cắt dọc, tức là từng bộ được giao quản lý từ đầu đến cuối với những mặt hàng cụ thể, nhưng thực tế cũng cho thấy còn mặt hạn chế, nhiều mặt hàng, sản phẩm bị “sót”. 

- Vậy cần giải pháp gì để khắc phục, hạn chế thực trạng này?

- Chúng ta cần áp dụng một số mô hình quản lý giống như các nước đang làm là tập trung về một cơ quan, giảm đầu mối, tăng trách nhiệm. Tất nhiên, khi tập trung quyền lực cũng phải cân nhắc, tính toán nếu không sẽ lại nảy sinh tình trạng lạm quyền. 

Giải pháp quan trọng khác, cũng có thể coi là giải pháp tận gốc, đó là phải phát huy vai trò của cộng đồng, người dân. Lực lượng thanh tra mỏng lắm, nếu không có sự vào cuộc của cộng đồng thì khó dẹp hết được vi phạm. Muốn vậy, các cơ quan Nhà nước phải tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền giáo dục cho cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về phòng chống gian lận thương mại.