“Cơn địa chấn” của ngành ngân hàng Indonesia

ANTĐ - Lĩnh vực tài chính của Indonesia đang nóng lên với các giao dịch và cả bê bối. Hàng loạt sự cố đã khuấy động nền kinh tế mới nổi ở châu Á này.


Cái chết đáng ngờ của một chính trị gia

Malinda Dee đang chờ ngày xét xử cùng với những chiếc xe hơi đắt tiền đã bị cảnh sát thu giữ

Ở siêu đô thị với 24 triệu dân, bằng 1/10 dân số cả nước, Thủ đô Jakarta là nơi hội tụ tỷ lệ lớn của 60.000 triệu phú và 20 tỷ phú  - gấp đôi so với 2 năm trước đây. Tại chốn đô thị đông đúc này, giới nhà giàu vẫn nổi bật hơn hẳn bởi có nhà cửa đẹp, quần áo được thiết kế độc quyền… Malinda Dee - một “ngôi sao” của Ngân hàng Citibank là người như thế. Chỉ tính riêng váy áo, mỗi bộ quần áo mà nhà thiết kế danh tiếng Andre Frankie có giá từ 1.000 - 10.000 USD thì Malinda Dee có 20 bộ như vậy. Mỗi lần đi mua sắm là có bảo vệ đi cùng, cô khoác những chiếc túi xách hay đồng hồ có gắn kim cương. Đó là chưa kể 5 tòa nhà sang trọng, một bộ sưu tập xe siêu sang và nổi bật nhất là bộ ngực đồ sộ từ phẫu thuật thẩm mỹ.

22 năm làm việc cho tập đoàn tài chính khổng lồ có trụ sở tại Mỹ - Citibank, Malinda Dee dần leo lên chức quản lý quan hệ khách hàng. Tự đẩy mình vào tầng lớp thượng lưu ở Jakarta, Malinda Dee thuyết phục hàng trăm khách hàng mở tài khoản ngân hàng tối thiểu là 50.000 USD. Malinda thu tiền về cho Citibank và dần dần cũng thực hiện giấc mơ ngông cuồng của một nhân viên ngân hàng, đó là tìm cách vun vén cho tài sản cá nhân.

Đầu năm nay, một khách hàng phàn nàn rằng Malinda đã rút tiền trái phép từ tài khoản của ông. Ngày 23-3, cô này bị bắt. Giờ “cô gái vàng” của Citibank đang bị tạm giam chờ xét xử vì bị cáo buộc ăn cắp khoảng 3 triệu USD từ khách hàng. Batara Simbolon, luật sư của cô này khẳng định thân chủ mình chỉ đơn giản là vay tiền từ khách hàng để đầu tư ở những nơi khác rồi sẽ trả lại. Qua điều tra, không chỉ nhân viên của Citibank thuyết phục khách hàng ký vào các hình thức giao dịch trống, bản thân ngân hàng cũng thất bại trong việc giám sát hoạt động của mình bỏ qua nguyên tắc ngăn chặn gian lận và rửa tiền.

Chỉ vài ngày sau đó, chính trị gia Irzen Octa tử vong đáng ngờ sau một chuyến viếng thăm chi nhánh của Citibank. Theo lời của chị Esi Ronaldi, vợ Irzen Octa kể lại, gia đình nợ tín dụng 5.000 USD. Hôm đó, có 6 người thu nợ theo hợp đồng với Citibank đến nhà. Họ còn hỏi về 2 cháu nhỏ nên nhìn lũ người bặm trợn đó, chị chỉ sợ con mình bị bắt cóc. Hôm sau, Irzen Octa đến chi nhánh ngân hàng. Anh được chỉ đến phòng tư vấn thu hồi nợ gọi là Cleo Room. Điều gì xảy ra ở đó đang được làm rõ nhưng sự thật đau lòng là Irzen Octa đã bị thương và chết trên sàn nhà. Cái chết của Irzen Octa chạm tới mọi tầng lớp người dân bởi gần như gia đình Indonesia nào cũng được ngân hàng mời chào thẻ cho vay tín dụng để thỉnh thoảng lại nhận được điện thoại hay những kẻ đòi nợ ghé thăm.

Kịch tính tăng lên khi gia đình Irzen Octa thuê luật sư danh tiếng Otto Cornellius Kaligis - người từng làm việc cho cựu Tổng thống Soeharto, khi ông này bị cáo buộc tham nhũng. Vị luật sư khuyên gia đình kiện Citibank hơn 300 triệu USD và yêu cầu khai quật thi thể Octa. Hai cơ quan mời đến khám nghiệm pháp y đưa ra kết quả trái ngược nhau, bên giải phẫu bệnh học quan tâm đến những vết thương nghiêm trọng còn báo cáo của cảnh sát cho rằng nạn nhân chết vì đột quỵ. Những tay đòi nợ kiểu “xã hội đen” trong vụ này đang bị cảnh sát Jakarta bắt giữ. Citibank nói không chịu trách nhiệm vì đó là những người đòi nợ thuê, không phải là nhân viên ngân hàng.

Phó Thống đốc trở thành nhân chứng

Không chỉ là ngân hàng thương mại, ở cấp trung ương - cựu Phó thống đốc Ngân hàng Quốc gia Indonesia Miranda Goeltom cũng đang trở thành nhân chứng trong một vụ án tham nhũng lớn liên quan đến việc bầu chọn cho bà vào chiếc ghế quyền lực.

Bà Miranda S. Goeltom sinh ra tại Jakarta ngày 19-6- 1949, tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Indonesia ở Jakarta và đã hoàn thành Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Boston, Massachusetts, Mỹ. Năm 2004, bà Miranda Goeltom được Tổng thống khi đó, bà Megawati Sukarnoputri, đề cử Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia. Các công tố viên cho rằng chiến thắng trong cuộc bầu chọn của bà được đảm bảo khi có ai đó chi 2,8 triệu USD cho các chính trị gia thuộc liên minh đảng cầm quyền dưới hình thức là séc du lịch. Trong số 30 chính trị gia có liên quan trong vụ việc, mới đây nhất tháng 6-2011 đã có 4 chính trị gia cùng nhận mức 17 tháng tù vì nhận hối lộ.

Riêng bà Miranda Goeltom khẳng định: “Tôi thông cảm cho họ vì không rõ ràng tiền đến từ đâu và tiền đó làm gì. Có phải là vì họ bầu cho tôi, hay là cho cuộc bần cử năm đó. Mọi thứ vẫn chưa được chứng minh". Như vậy là không ai chịu trách nhiệm đã đưa tiền hối lộ về phần mình, bà Miranda tiếp tục khẳng định không biết gì. Mặc dù vậy, vụ việc đã làm sứt mẻ hình ảnh của Ngân hàng Indonesia - cơ quan quản lý chính của tất cả các ngân hàng thương mại ở Indonesia.

Giẫm đạp mọi thứ - miễn là có tiền

Một mặt, các vụ bê bối trên là ví dụ cho thấy hệ lụy khi các ngân hàng tìm cách mở rộng mạnh mẽ ở một đất nước mà tăng trưởng kinh tế mâu thuẫn với thể chế pháp luật yếu và kém hiệu quả.  Nhưng ở mức độ khác, các nhà phân tích cho rằng, còn bài học mà ít ai để ý đến, đó là quản lý thế nào khi mà tiền làm ra quá nhiều và có một bộ phận đang giẫm đạp lên mọi thứ - miễn là có tiền. 

Trường hợp của Citigroup lộ ra 2 vấn đề nóng của ngành ngân hàng Indonesia: quản lý tài sản tư nhân và thẻ tín dụng. Ngay sau vụ bê bối, ngân hàng trung ương - Ngân hàng Indonesia, đã cấm Citigroup lập thẻ tín dụng mới cho khách hàng trong 2 năm đồng thời cấm mở chi nhánh mới hoặc thu hút khách hàng ưu tiên mới trong một năm. Cáo buộc này đối với Citigroup không phải là chuyện hiếm ở Indonesia bởi nhiều khi ngân hàng quá “lộng hành” mà thiếu đi sự giám sát của ngân hàng trung ương.

"Từ quan điểm của người tiêu dùng, chúng ta thấy rằng sự tự do hóa ngành ngân hàng ở Indonesia quá lỏng lẻo, mà khả năng kiểm soát các ngân hàng của chính phủ cũng yếu", ông Sudaryatmo,  đứng đầu của Tổ chức Người tiêu dùng Indonesia nói.

Vụ Malinda Dee bỗng nhiên trở thành câu chuyện tài chính mà tất cả các nhà kinh tế và bà nội trợ cùng lúc quan tâm bởi thú vị là rất ít tỷ phú bị lừa tiền ra mặt, hóa ra khách hàng thực sự của Malinda là những cựu quan chức chính phủ. Cơ quan chống rửa tiền còn hoài nghi liệu các ngân hàng tư nhân có là nơi “găm tiền” của các quan chức, gây khó khăn cho cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này.