Có thể không bao giờ tìm được nguồn gốc đại dịch Covid-19

ANTD.VN -  Ngày 25-8-2021, các nhà khoa học quốc tế được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cử tới Trung Quốc để tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 cho biết, cuộc điều tra đã bị đình trệ, cơ hội giải quyết vấn đề bí ẩn đang rơi vào bế tắc và “nhanh chóng khép lại”.

Đầu năm nay, WHO đã cử một nhóm chuyên gia đến Vũ Hán, nơi phát hiện các ca mắc Covid-19 ở người đầu tiên vào tháng 12-2019, để điều tra điều gì dẫn đến đại dịch khiến gần 4,5 triệu người trên thế giới đã tử vong. Nhóm chuyên gia quốc tế đã xác định, sau chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 1 tuần, lời giải thích khả dĩ nhất là Covid-19 có nguồn gốc tự nhiên, nhảy từ động vật sang người. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã không thể tìm thấy vật chủ trung gian có khả năng truyền virus.

Thế giới vẫn chưa biết điều gì gây ra đại dịch khiến gần 4,5 triệu người tử vong

Ban đầu, việc lây truyền này được cho là kết quả của các chợ động vật sống, nhưng nhiều chợ và trang trại động vật hoang dã đã bị đóng cửa sau khi vụ việc bắt đầu lan rộng.

Theo nhóm chuyên gia, các con vật cũng bị tiêu hủy để giúp kiềm chế sự bùng phát, khiến cho bất kỳ bằng chứng nào về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ban đầu ngày càng khó tìm thấy. Trong phân tích được công bố vào tháng 3-2021, nhóm chuyên gia của WHO kết luận rằng, virus có thể đã lây sang người từ động vật và họ mô tả khả năng rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên và “cơ hội để thực hiện cuộc điều tra quan trọng này đang đóng lại nhanh chóng. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng sẽ khiến các nghiên cứu sinh học không thể thực hiện được”. Đơn cử, các kháng thể suy yếu dần, vì vậy việc thu thập mẫu và xác định những người có thể đã tiếp xúc với virus từ trước tháng 12-2019 rất khó khăn.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã thu thập hàng trăm mẫu môi trường ngay sau khi virus SARS-CoV-2 được tìm thấy, nhưng không rõ có bao nhiêu người hoặc động vật được xét nghiệm. Một số nhà khoa học khác lo ngại, cơ hội tốt nhất để thu thập mẫu có thể đã bị bỏ lỡ trong vài tuần đầu tiên sau khi một số ca mắc ở người xuất hiện sớm nhất liên quan đến chợ hải sản Vũ Hán.

“Dấu vết đã trở nên nguội lạnh khi các ca bệnh lớn đầu tiên đã không còn dấu vết. Tôi không lạc quan về việc điều tra nguồn gốc dịch bệnh sẽ rõ ràng” - Tiến sĩ Gregory Grey tại Đại học Duke, người đã từng làm việc ở Trung Quốc, nói với Newsweek.

Một vấn đề dai dẳng trong việc nghiên cứu đại dịch là lấy dữ liệu thô từ phía Trung Quốc trong phái bộ chung của WHO-Trung Quốc. Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho biết, vào tháng 3, nhóm của WHO không được cung cấp đầy đủ quyền truy cập vào các dữ liệu cần thiết và bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ để họ tiếp cận nhiều hơn trong tương lai. Nhưng theo các chuyên gia của WHO, điều đó đã không xảy ra vì Bắc Kinh lấy lý do lo ngại về tính bảo mật cho bệnh nhân. Các nhân viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã theo sát nhóm nghiên cứu, càng làm tăng thêm suy đoán rằng các quan chức Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát những thông tin được chia sẻ.

Hôm 25-8, Trung Quốc cho biết, giới chuyên môn nên “tập trung vào các con đường truy tìm nguồn gốc đại dịch có tính khả thi khác và các nghiên cứu đề xuất nên được thực hiện ở các quốc gia khác”. Ông Fu Cong, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng ý rằng, việc tìm kiếm nguồn gốc virus gây dịch Covid-19 đã bị đình trệ, nhưng đó không phải là lỗi của Trung Quốc.

Việc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch Covid-19 đã gây tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào tháng 5-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị các cơ quan tình báo nước này mở cuộc điều tra trong 90 ngày và kết luận của cuộc điều tra dự kiến sẽ công bố trong tuần này.