Cổ phiếu phân bón, dầu khí, cảng biển bùng nổ

ANTD.VN - Dù cổ phiếu phân bón, dầu khí, thép, cảng biển tiếp tục bùng nổ nhưng không đủ sức kéo thị trường khi nhóm ngân hàng, bluechips đồng loạt bị bán mạnh.

Cổ phiếu hàng hóa lên ngôi

Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với áp lực bán mạnh đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán... VHM, VIC, VCB, BID, SAB, MSN, MBB, VJC, ACB… đồng loạt giảm mạnh. VN-Index có lúc giảm hơn 12 điểm.

Ở chiều ngược lại, việc giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới đang không ngừng leo thang đã giúp các cổ phiếu thuộc dầu khí, thép, phân bón, than... diễn biến đầy thăng hoa. Nhiều cổ phiếu dầu khí tăng mạnh như PVC, PVB, CNG, GAS…, trong đó PVC được kéo lên mức giá trần ngay đầu phiên.

Tương tự, nhóm phiếu thép cũng chứng kiến VGS, HSG, HPG, NKG, TLH, POM, DTL… tăng rất mạnh. Đặc biệt là nhóm phân bón, hàng loạt cổ phiếu được kéo lên mức giá trần ngay đầu phiên như DCM, DPM, LAS, VAF, PSW…

Một số nhóm cổ phiếu như than, khoáng sản, cao su, vận tải biển, cảng biển… cũng tăng khá tốt đã giúp cân bằng thị trường, đà giảm các chỉ số được thu hẹp.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index chỉ còn giảm 1,33 điểm (-0,09%) xuống 1.504 điểm. HNX-Index tích cực hơn khi tăng 2,35 điểm (0,52%) lên 452,94 điểm. UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (0,11%) lên 113,41 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán lại gia tăng trở lại sau giờ nghỉ trưa lại lần nữa đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lùi sâu xuống dưới tham chiếu. Chốt phiên giao dịch, SAB giảm 3,4%; TPB giảm 4,3%; VJC giảm 3,7%; VHM giảm 2,2%... Nhóm ngân hàng ngoài EIB tăng thì gần như toàn bộ các mã còn lại chốt phiên trong sắc đỏ.

Trong khi đó, đà tăng của nhóm hàng hóa cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt với thép, dầu, phân bón đóng góp chủ yếu vào việc cân bằng lại thị trường khi hàng loạt mã chốt phiên tím lịm.

Cổ phiếu dầu khí, thép, phân bón, vận tải biển đồng loạt tăng mạnh

Kết phiên, VN-Index giảm 6,28 điểm (-0,42%) xuống còn 1.499,05 điểm; trong đó VN30-Index đóng góp chủ yếu vào đà giảm này với mức giảm 16,22 điểm (-1,06%) xuống 1.509,12 điểm. Ngược lại, HNX-Index tăng 2,28% (0,51%) lên 452,86 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,06%) xuống 113,22 điểm.

Trên 3 sàn số mã tăng vẫn áp đảo với 489 mã, trong đó 90 mã tăng trần. Trong khi số mã giảm 391 mã, giảm sàn 11 mã.

Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 36.000 tỷ đồng, trong đó riêng sàn HOSE đạt gần 29.800 tỷ đồng.

“Sóng” cổ phiếu hàng hóa sẽ kéo dài bao lâu?

Có thể thấy, xung đột tại Ukraine, đi kèm đó là các biện pháp trừng phạt về kinh tế đã dẫn đến đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá hàng loạt hàng hóa cơ bản như năng lượng, sắt thép, phân bón, vận tải tăng cao. Đây là lý do các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này được hưởng lợi trong thời gian vừa qua.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu được xoa dịu, theo nhiều nhận định, nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Tuy nhiên, đà tăng này liệu có kéo dài. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank đã đưa ra một số nhận định:

Đối với cổ phiếu dầu khí: Theo chuyên gia, nhóm cổ phiếu dầu khí là một trong những nhóm hưởng lợi lớn với mức tăng giá ấn tượng nhất. Trong ngắn hạn, cổ phiếu giao dịch chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của giá dầu và tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc giá dầu có thể giảm trong thời gian tới sẽ khiến cổ phiếu nhóm này lao dốc mạnh.

Song chuyên gia cho rằng việc giá dầu giảm xuống mức cân bằng vẫn là kịch bản sáng cho cổ phiếu dầu khí. Bởi giá dầu sẽ khó giảm về mức dưới 80 USD/thùng, như vậy sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành.

Đối với cổ phiếu phân bón: Đây là nhóm cổ phiếu được hưởng lợi căng thẳng Nga - Ukraine khi nguồn cung khí bị thiếu hụt, các nhà sản xuất urê ở Châu Âu có thể hạn chế sản xuất và đẩy giá lên cao hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Maybank cho rằng yếu tố hưởng lợi đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu.

Về dài hạn, giá urê có thể sẽ giảm do Trung Quốc có thể tăng nguồn cung urê khi tình trạng thiếu than giảm bớt, khiến tình trạng phân hoá giữa nhóm cổ phiếu này có thể diễn ra mạnh mẽ.

Cổ phiếu vận tải biển: Theo chuyên gia, nhóm cổ phiếu này đã có đã tăng phi mã trong năm 2021 khi giá cước vận tải biển tăng cao bởi sự kiện tắc nghẽn diễn ra trên toàn cầu. Tuy mặt bằng giá cước hiện nay tăng, song chuyên gia cũng lưu ý việc chi phí leo thang sẽ khiến các doanh nghiệp vận tải biển khó có thể hưởng lợi như năm trước. Do đó, nhóm cổ phiếu này chỉ phù hợp đầu tư trong ngắn hạn, nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá cao vào nhóm này trong dài hạn.

Tương tự, nhóm cổ phiếu thép trong ngắn hạn vẫn được ủng hộ bởi những căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện ngắn hạn. Trong dài hạn, nguồn nguyên liệu đầu vào của giá thép tăng cao cùng với chi phí vận tải dự báo leo thang sẽ tạo áp lực cho biên lợi nhuận gộp ngành thép trong năm nay.