Có nên hy vọng sao Robot sát thủ chiến trường Nga khi được tung vào thực chiến?

ANTD.VN - Robot sát thủ chiến trường của Nga là Marker sẽ được Nga tung ra cho thực chiến, dòng vũ khí này được nhà phát triển kỳ vọng sẽ đạt được hiệu suất chiến đấu như mong đợi. 

Hãng thông tấn TASS ngày 2/2 dẫn thông tin trên tài khoản Telegram của ông Dmitry Rogozin, cựu lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và cũng là người đứng đầu nhóm cố vấn quân sự Tsar Wolves, cho hay các robot chiến đấu Marker của Nga đã sẵn sàng cho thực chiến.

"Bốn robot Marker đã được triển khai thực chiến theo đúng kế hoạch. Chúng tôi bắt đầu tải các hình ảnh mục tiêu và thử nghiệm thuật toán tác chiến trong khuôn khổ một đơn vị robot tác chiến, đồng thời lắp đặt thiết bị chống tăng mạnh mẽ", ông Dmitry Rogozin viết.

Ông Dmitry Rogozin không cho biết thời gian loạt robot Marker bắt đầu tham chiến, cũng như địa điểm triển khai.

Robot sát thủ chiến trường Marker được Nga chế tạo với mục đích hỗ trợ tác chiến cho các các lực lượng mặt đất. Chúng có thể triển khai nhiều chủng loại vũ khí khác nhau cho phù hợp với nhiệm vụ.

Đây là sản phẩm nghiên cứu chế tạo của công ty Android Technics phối hợp với Quỹ Nghiên cứu tiên tiến đều thuộc Nga phát triển.
Dự án phát triển robot Marker được khởi động từ năm 2018, thử nghiệm lần đầu vào tháng 6/2020 và hoàn tất hồi tháng 1/2022.
Tổ hợp robot này nặng khoảng ba tấn có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau.
Ông Oleg Martyanov, người đứng đầu Trung tâm phát triển công nghệ và các yếu tố cơ bản của người máy thuộc Quỹ nghiên cứu tiên tiến Nga, cho biết Marker được phát triển để có thể khai hỏa mục tiêu nhanh hơn nhiều lần so với con người.
Theo ông Rogozin, robot này có khả năng lựa chọn mục tiêu một cách độc lập và tấn công bằng phương tiện pháo thích hợp.
Robot này có thể phân biệt giữa dân thường và quân nhân để nhắm mục tiêu vào những người gây ra "mối đe dọa trực tiếp".
Trong buổi ra mắt, robot Marker đã thể hiện khả năng tự động lập kế hoạch tuyến đường và tự động di chuyển trong điều kiện đô thị hay trên địa hình gồ ghề.
“Các nhà phát triển đã giới thiệu một tổ hợp robot được thiết kế linh hoạt dạng module, từ đó có thể nhanh chóng lắp đặt các hệ thống trinh sát và vũ khí cho từng nhiệm vụ”, ông Oleg Martyanov nói.
Các chuyên gia tạo ra robot Marker nhấn mạnh, dự án này cần thiết cho sự phát triển của các công nghệ robot trên mặt đất, như tầm nhìn kỹ thuật, thông tin liên lạc, điều hướng, chuyển động và ứng dụng tự động..
Robot Marker có khả năng thực hiện các nhiệm vụ ở cả chế độ điều khiển bằng sóng vô tuyến và chế độ tự động.
Các nhà phát triển có ý định tăng mức độ tự động cho robot này để chúng có thể tự thự hiện nhiệm vụ mà không cần quá nhiều sự can thiệp từ con người.
Nền tảng Marker chiến đấu được trang bị 2 máy bay không người lái (UAV).

Theo đó một UAV được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ lập bản đồ, tìm kiếm và xác định mục tiêu, làm rõ các tuyến đường di chuyển và tạo bức tranh địa hình 3D.

UAV còn lại thực hiện nhiệm vụ tấn công, bao gồm phát hiện mục tiêu, xác định mục tiêu, từ đó liên kết với robot chiến trường dưới mặt đất để phối hợp tiêu diệt mục tiêu.
Ngoài tấn công mặt đất, robot Marker còn được trang bị một trạm radar có thể nhận dạng mục tiêu trên không.
\
Sau khi phát hiện, mục tiêu sẽ được robot Market theo dõi bằng quang học và bắn trúng bằng súng máy.
Tổ hợp súng máy giống như một hệ thống phòng không tầm gần, theo đó chúng có thể quay với tốc độ 350 độ mỗi giây.

Robot Marker có thể phát hiện các máy bay không người lái ở chế độ tự động và bắn chúng bằng súng máy hoặc tên lửa đất đối không.

Những tên lửa phòng không này lắp trên robot Marker có thể tiêu diệt phương tiện bay ở cự ly gần.

Nga đặt rất nhiều hy vọng vào robot chiến trường Marker đầy triển vọng này, bởi nó có khả năng thực hiện nhiều chức năng khác nhau.

Tuy vậy để đánh giá tính hiệu quả của chủng loại vũ khí, nhất là vũ khí công nghệ cao thì chúng phải kinh qua thực chiến. Thực tế cho thấy, Nga đã đem một số robot chiến đấu sang Syria thử lửa, nhưng rất tiếc chúng không đạt được kết quả như mong đợi.