Có một Hà Nội đánh B52 trong trường ca "Em ơi! Hà Nội phố"

ANTD.VN - Tròn 45 năm trước, khi cả Hà Nội ầm ầm rung bởi những đợt B52 rải thảm, trên một căn gác nhỏ ở phố Hàng Bún, nhà thơ Phan Vũ đã viết nên một bài thơ, một trường ca, một tác phẩm bất hủ về Hà Nội và người Hà Nội. 

Số phận bài thơ khá truân chuyên và nó chỉ thực sự được nhiều người biết đến khi nhạc sĩ Phú Quang lấy 21 câu trong trường ca 443 câu để phổ nhạc thành ca khúc cùng tên vào năm 1985. Gần nửa thế kỷ qua, trường ca với 24 đoạn lưu lạc trong nhân gian, đi qua bao thăng trầm của thời gian, qua bao thời khắc gắn với vận mệnh của Hà Nội, đến bây giờ, vẫn còn nguyên giá trị. 

“Em ơi! Hà Nội phố” là một gam màu, một mảnh ghép, khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12-1972

Những bóng hình quá khứ thoảng qua

Với điệp khúc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài thơ “Ta còn em”, Phan Vũ nửa như tiếc nuối những góc phố yên bình, nửa như xót xa đau đớn khôn nguôi khi trước mắt ông là cả một thành phố đổ nát. Đã có lần Phan Vũ bảo, “ta còn em” thực ra là “ta đã mất em”: Ta còn em tiếng dương cầm/ Trong khung nhà đổ/ Lả tả trên thềm Beethoven và sonate Ánh trăng/Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ...”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa. Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được.

Phan Vũ viết trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” quãng chừng chục ngày. Ông ghi lại những vần thơ đến vội trong đầu cũng vội vàng, tình cờ và không hề có ý sắp đặt. Thế nhưng, trong suốt mấy chục năm qua, bài thơ đã không nằm im trong ngăn kéo mà liên tục được ông chỉnh sửa. Trong những đêm ngà ngà say, nôn nao nhớ Hà Nội, chợt thấy một bóng dáng quá khứ thoảng qua, ông lại thấy mình cần thêm, cần bớt, cần chỉnh sửa đôi chữ trong thơ. Thế là “Em ơi! Hà Nội phố” của ông, cho đến bây giờ có nhiều dị bản, thậm chí “tam sao thất bản”, đến mức chính tác giả cũng không thể phân biệt được. 

“Em ơi! Hà Nội phố” tuyệt đối không phải là bài thơ để người ta có thể đọc vội mà phải nhẩn nha từng câu từng chữ. Đó cũng không phải là bài thơ để ai đó đến với Hà Nội thoáng qua rồi đi. Nó dành cho những người yêu và hiểu Hà Nội đến tận cùng. Viết trong không khí chiến tranh, viết về chiến tranh nhưng từng câu từng chữ trong bài thơ không lên gân hô hào khẩu hiệu, mà rủ rỉ tâm tình, mà trầm tích bao hoài niệm quá khứ, hiện thực, cả những phong tục tập quán ngàn đời của phố phường Hà Nội xưa. 

Mỗi mảnh ghép một gam màu phố cũ

Không có lấy một câu một từ tả về chiến tranh, mà chỉ có nỗi nhớ, sự chia xa… tưởng nhẹ nhàng mà day dứt xót xa âm ỉ mãi không nguôi. Đọc bài thơ này, có cảm tưởng như Phan Vũ đang dắt tay người mình yêu đi qua bao thăng trầm của Hà Nội để kể về tình yêu, về nỗi nhớ và quá khứ dường như sống dậy sau những bước chân ông: “Ta còn em đường lượn mái cong/ Ngôi chùa cổ/ Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương/ Ai còn ngồi bên gốc đại già/ Chợt quên vườn hồng đã ra hoa/ Chợt quên bên đường ai đứng đợi.../ Cuộc đời có lẽ nào/ Là một thoáng bâng quơ!”. 

Và tháng Chạp năm ấy hiện lên trong thơ Phan Vũ

Một tháng Chạp trắng khăn sô

Khói hương dài theo phố

Một tháng Chạp

Thâu đêm

Mẹ

Thức

Hóa vàng...

Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ

Dãy phố thành tọa độ

Khu trắng không người ở

Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa

Lời thề của người bỏ phố

Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ

Nhưng rồi người đọc lại tìm thấy một Hà Nội bản lĩnh của quá khứ: “Em ơi! Hà Nội - phố.../ Ta còn em mảnh đại bác/Ghim trên thành cổ/Một thịnh, một suy/ Thời thế/ Lẽ hưng vong/ Người qua đó hững hờ bài học sử.../ Ta còn em dãy bia đá/ Danh hình hội tụ/ Rêu phong gìn giữ nét tài hoa.../ Ly rượu đầy xin rót cúng cha/ Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ/ Bến nước nào đã neo thuyền ngự/ Đám mây nào in bóng rồng bay?”. Nghĩa là, Thăng Long chiến địa, từ nghìn năm nay chẳng bao giờ khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào và dù cho có bao nhiêu mất mát, chia ly nhưng không bi lụy: “Sân ga Hàng Cỏ/ Tuổi mười tám trong hàng quân/ Năm khởi chiến/ Thề ra đi/ Không trở về khi giặc chưa yên/ Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn/ Gửi chàng trai một bó hoa/ Và một nụ hôn/ Đoàn tàu chở đoàn quân về phía Nam/ Vào trận đánh/ Chở theo dãy phố/ Chở những con đường/ Chở nguyên Hà Nội nhớ/ Những bó hoa và cả vết môi hôn...”.

Nhà thơ Du Tử Lê từng nói rằng, mỗi đoạn “Em ơi! Hà Nội phố” là một gam màu, một mảnh ghép, khi ráp lại thành toàn cảnh Hà Nội tháng 12-1972 với những hình ảnh tương phản ngột ngạt, giữa một Hà Nội thanh bình xưa và một Hà Nội trống hoác. “Một Hà Nội chết nghẹn. Một Hà Nội chín, nẫu hoang vu”. Còn với nhà văn Trương Quý, tác giả của nhiều tản văn nổi tiếng viết về Hà Nội thì: “Tập trường ca này dùng nhiều mỹ từ, ở một người sử dụng khác sẽ có thể thành mòn, nhưng qua tay Phan Vũ, chúng có độ lấp lánh rất hấp dẫn.

Chúng như những họa tiết được thêu lên tấm áo dài đẹp đẽ của người thiếu nữ Hà Nội thời xưa cũ, như những diềm mái trang trí vẫn còn hiện diện đầy kiêu hãnh trên những mặt tiền nhà phố cổ sót lại, như những dáng cây đầy ắp vẻ nên thơ bên những mặt hồ. Có chút gì huyền hoặc như sương khói, giống như một sớm mùa đông lạnh giá, đột nhiên vang lên từ môi những câu như tự nhủ, như ngóng chờ… “Ta còn em mùi hoàng lan. Ta còn em mùi hoa sữa. Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya…”.

Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng, quê cha là Đà Nẵng, nhưng sống rất nhiều năm ở Hà Nội. Đọc bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố”, độc giả  nghĩ, ông hẳn phải là người Hà Nội. Phan Vũ là lứa hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông là bạn cùng lứa với Phùng Quán, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm… Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” có nhiều “tam sao thất bản” vì chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Tác phẩm này được in một lần duy nhất vào năm 2008, tuy nhiên, không phổ biến lắm nên ít được bạn đọc biết đến. Hiện ông đang sống ở TP Hồ Chí Minh.